Lãi ròng 2020 của ANV 'lao dốc' 71%
Khép lại năm 2020, doanh thu và lãi ròng của CTCP Nam Việt (HOSE: ANV) đồng loạt “đổ đèo”, xuống còn 3,440 tỷ đồng và 202 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với kế hoạch đề ra, doanh nghiệp thủy sản này vẫn vượt 15% kế hoạch doanh thu và vượt 20% kế hoạch lãi trước thuế 2020.
Cơ sở chế biến cá tra của Nam Việt
|
Theo BCTC hợp nhất quý 4 vừa công bố, ANV ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng quý 4 giảm 32% và 56% so với cùng kỳ, về mức 936 tỷ đồng và 86 tỷ đồng. Trong kỳ, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 45% và 5% so với cùng kỳ.
Theo ANV, lãi ròng quý 4 giảm chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá bán và doanh thu đồng loạt giảm.
Kết quả kinh doanh quý 4/2020 của ANV. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 của ANV
|
Lũy kế cả năm 2020, ANV ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt giảm 23% và 71% so với thực hiện năm trước, xuống còn gần 3,440 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 202 tỷ đồng lãi ròng.
Trong năm 2020, ANV đặt kế hoạch khá thận trọng so với con số thực hiện năm 2019, nhờ vậy, doanh nghiệp thủy sản này đã vượt 15% kế hoạch doanh thu và vượt 20% kế hoạch lãi trước thuế 2020.
Kết quả kinh doanh của ANV qua các năm. Đvt: Tỷ đồng
KH 2020: Kế hoạch lãi trước thuế
|
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của ANV ghi nhận hơn 4,834 tỷ đồng, tăng 17% so với con số hồi đầu năm. Hàng tồn kho cũng tăng 20%, lên hơn 1,900 tỷ đồng. Trong đó, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang chiếm 53% tổng giá trị hàng tồn kho, ghi nhận hơn 1,003 tỷ đồng.
Nợ phải trả tại thời điểm này cũng tăng 43% so với đầu năm, lên hơn 2,500 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn ghi nhận hơn 2,339 tỷ đồng (tăng 35%) và nợ vay dài hạn hơn 161 tỷ đồng (gấp 8 lần đầu năm).
Hiệp định EVFTA sẽ giúp Nam Việt tăng trưởng vượt bậc?
Theo đánh giá của ông Trần Minh Cảnh - Giám đốc tài chính ANV, hiệp định EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU) và RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) nhìn chung sẽ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của hàng xuất khẩu Việt Nam do hưởng lợi thế được miễn giảm thuế nhập khẩu đối với một số ngành hàng.
Đối với RCEP, cho phép các nước thành viên cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ trong toàn khối. Đây là điểm lợi thế hơn so với các FTA của ASEAN hiện tại, giúp Việt Nam có thể tận dụng nguồn nguyên cung đầu vào đa dạng trong toàn khối để xuất khẩu sang các nước đối tác trong khối.
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Nam Việt là cá tra, với nguồn nguyên liệu được nuôi trong nước, qua quá trình sản xuất, chế biến trong nước không có nguyên liệu nhập khẩu, dễ dàng đáp ứng quy tắc xuất xứ thuần túy trong tất cả các hiệp định.
Đối với EVFTA, các sản phẩm cá tra đông lạnh sẽ được giảm thuế dần về 0% theo lộ trình 4 năm. Trước và cho đến khi EVFTA có hiệu lực 2 năm, Việt Nam vẫn được hướng thuế suất ưu đãi theo cơ chế GSP (ưu đãi thuế quan phổ cập). Sự chênh lệch giữa 2 mức thuế này thực sự không đáng kể, nhất là trong năm đầu khi hiệp định có hiệu lực.
“Do đó có thể nói, EVFTA không mang lại sự tăng trưởng vượt bậc cho chúng tôi. Tuy nhiên nó sẽ là sự tăng trưởng dần và bền vững vì EVFTA là hiệp định thương mại song phương, còn GSP chỉ là sự ưu đãi đơn phương và phía EU có thể rút lại bất cứ lúc nào”, ông Cảnh chia sẻ thêm.
Trên thị trường, giá cổ phiếu ANV hiện đang giao dịch quanh mức 22,500 đồng/cp (9h40 phiên 20/01/2021), tăng 19% qua 1 quý trở lại đây với khối lượng giao dịch bình quân hơn 450,000 cp/phiên.
Diễn biến giá cổ phiếu ANV từ đầu năm 2020 đến nay
Nguồn: VietstockFinance
|
Tiên Tiên
FILI
|