Gậy ông có đập lưng ông?
Trong năm 2020, không ít lần Tổng thống Donald Trump đã hồ hởi viết trên tài khoản Twitter của mình rằng thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ lập đỉnh (ATH), ngụ ý nền kinh tế rất ổn dưới sự điều hành của ông. Nhưng thực tế cho thấy, nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ của Cục Dự trữ liên bang (Fed) trong việc duy trì lãi suất thấp và tăng kỷ lục bảng cân đối tài sản của mình, TTCK Mỹ không thể đi ngược với nền kinh tế một cách lạ lùng như vậy.
Thế nhưng, có một sự oái oăm, nếu cho rằng chính ông Trump kích hoạt TTCK Mỹ, thì khổ nỗi trong danh mục của nhà đầu tư Mỹ cổ phiếu của các công ty Trung Quốc cũng chiếm tỷ trọng đáng kể. Nếu vậy, trừng phạt Trung Quốc hay các doanh nghiệp Trung Quốc - qua việc cấm nhà đầu tư Mỹ mua cổ phiếu Trung Quốc - lẽ nào gậy ông đập lưng ông?
Cấm nhà đầu tư Mỹ mua cổ phiếu Trung Quốc
Sự căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng leo thang khi Trung Quốc đã thực sự trở thành đối thủ đáng gờm nhất của Mỹ ở hầu hết lĩnh vực công nghệ, thương mại, đầu tư và địa chính trị.
Những trả đũa qua lại trong việc tăng thuế hàng nhập khẩu giữa 2 nước vẫn chưa có hồi kết, thì gần đây ông Trump đã ban hành Sắc lệnh buộc các nhà đầu tư Mỹ không được đầu tư vào cổ phiếu của các công ty có liên đới với Bộ Quốc phòng Trung Quốc, hạn chót để thoái hết danh mục đầu tư ngày 11-11-2021.
Một danh sách đen doanh nghiệp Trung Quốc được chính quyền ông Trump cập nhật thêm vào ngày 14-1-2021 lên đến con số 40, trong đó có những doanh nghiệp máu mặt như China Telecom, China Mobile, Huawei, Xiaomi, Tập đoàn dầu khí CNOOC, Skyrizon, doanh nghiệp sản xuất chip khổng lồ SMIC và tập đoàn sản xuất máy bay Comac (cạnh tranh với Boeing và Airbus).
Nhưng kỳ lạ thay, 3 gã khổng lồ là Alibaba, Tencent và Baidu vẫn chưa nằm trong danh sách đen. Phải chăng ông Trump sợ đánh chuột vỡ bình?
Thật vậy, theo ước tính của Tổ hợp đầu tư Goldman Sachs, các nhà đầu tư Mỹ hiện nắm khoảng 1.000 tỷ USD cổ phiếu các doanh nghiệp internet và công nghệ Trung Quốc.
Chẳng hạn, vốn hóa của Alibaba 616 tỷ USD, các nhà đầu tư Mỹ đã nắm khoảng 34%; trong khi với Tencent là 12% với mức vốn hóa 35 tỷ USD. Có một số doanh nghiệp Trung Quốc vốn hóa 20-25 tỷ USD, nhà đầu tư Mỹ nắm giữ lên đến 47% như Tập đoàn YUM hay Trip Com.
Việc cấm nhà đầu tư Mỹ mua cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc trong danh sách bị trừng phạt rất khó khả thi. Do đó, dù đưa ra danh sách nhưng chính quyền của ông Trump cũng rất dè chừng trong việc không đưa vào các cổ phiếu người Mỹ đang nắm giữ nhiều.
|
Vấn đề nằm ở chỗ nhiều cổ phiếu trong danh sách đen này đang nằm trong các bộ chỉ số thị trường quan trọng, như MSCI, S&P Dow Jones và FTSE Russell. Các quỹ đầu tư lớn của Mỹ luôn bám theo các bộ chỉ số này, nên trong danh mục đầu tư của họ luôn có các cổ phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc. Không những thế, tỷ trọng của các doanh nghiệp Trung Quốc trong bộ chỉ số này tăng nhanh trong những năm gần đây.
Thí dụ, chỉ số MSCI của các thị trường mới nổi (MSCI Emerging Maket Index), Trung Quốc chiếm tỷ trọng từ 17% năm 2010 lên đến hiện nay là 40%.
Nếu làm theo ông Trump sẽ là cơn ác mộng
Nếu phải tuân thủ theo Sắc lệnh của ông Trump, các quỹ này phải thanh lý lượng cổ phiếu đang nắm giữ. Và sẽ là cơn ác mộng nếu các quỹ đầu tư đồng loạt xả hàng, lên đến cả ngàn tỷ USD.
Bởi vì đằng sau các quỹ đầu tư là rất nhiều nhà đầu tư cá nhân, và người dân Mỹ coi cổ phiếu là kênh tiết kiệm và đầu tư quan trọng. Rất nhiều người dân Mỹ tiết kiệm và đầu tư qua tài khoản 401(k) để cho mục đích về hưu và họ thường thông qua các quỹ đầu tư. Trong trường hợp buộc phải bán tháo giá cổ phiếu sẽ giảm, có nghĩa giá trị của danh mục đầu tư đương nhiên giảm theo, thiệt hại cuối cùng sẽ về phần các nhà đầu tư cá nhân.
Alibaba không nằm trong danh sách bị Mỹ cấm đầu tư cổ phiếu.
|
Nếu xem người Mỹ theo chủ nghĩa thực dụng, việc họ đầu tư vào các doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực internet hay công nghệ, là hoàn toàn dễ hiểu. Trung Quốc là thị trường quá lớn, cấu trúc dân số quá thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực internet, công nghệ.
Hơn thế nữa, các doanh nghiệp internet hay công nghệ lớn còn nhiều tiềm năng trong tương lai ở các thị trường khác trên khắp thế giới. Chính vì vậy, việc cấm nhà đầu tư Mỹ mua cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc trong danh sách bị trừng phạt rất khó khả thi. Do đó, dù đưa ra danh sách nhưng chính quyền của ông Trump cũng rất dè chừng trong việc không đưa vào các cổ phiếu người Mỹ đang nắm giữ nhiều.
Chỉ còn mấy ngày nữa ông Trump phải chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Biden, nhưng những quyết định tạo căng thẳng với Trung Quốc vẫn liên tục được đưa ra. Dù ai làm tổng thống họ cũng sẽ vì quyền lợi của người dân Mỹ, của nước Mỹ trên hết. Trong đó, giữ và tạo việc làm cho người dân Mỹ và kiềm chế sự trỗi dậy mang tính đe dọa của Trung Quốc có lẽ vẫn là những ưu tiên hàng đầu.
Nhưng đứng trước sự lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc tương lai sẽ đem lại lợi nhuận, song qua đó gián tiếp làm doanh nghiệp Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc mạnh lên, mỗi nhà đầu tư cá nhân, mỗi nhà lãnh đạo quỹ đầu tư, sẽ có lựa chọn của riêng mình.
Mặc dù xu hướng đầu tư có trách nhiệm đang ngày càng có nhiều ảnh hưởng ở châu Âu và một số nước khác, người Mỹ dường như vẫn bảo thủ với tính thực dụng của mình.
TS. Võ Đình Trí
Sài Gòn Đầu tư Tài chính
|