Thứ Hai, 04/01/2021 09:00

Dòng chảy vốn ngoại tại thị trường chứng khoán thời Covid

Nhà đầu tư nội là động lực thúc đẩy thị trường bay cao trong năm nay, nhưng cổ phiếu Việt vẫn vẹn nguyên nỗi nhớ với dòng vốn ngoại.

Trong năm 2020, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam được nâng lên trong rổ MSCI Frontier Markets, sau khi Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Điều này được kỳ vọng là một xúc tác giúp giới đầu tư ngoại quốc chú ý hơn đến cổ phiếu tại một quốc gia đang phát triển kiểm soát thành công Covid-19, qua đó hút dòng vốn nước ngoài quay trở lại thị trường.

Tuy nhiên, đấy chỉ là điểm sáng trong một năm thoái lui mạnh mẽ của khối ngoại, với giá trị bán ròng trên 16.3 ngàn tỷ đồng đối với cổ phiếu niêm yết tại HOSEHNX. Nếu ngoại trừ dòng vốn ròng vào cổ phiếu VHM - chủ yếu từ thương vụ Kohlberg Kravis Roberts (KKR) dùng 650 triệu USD mua 6% cổ phần VHM - thì lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài thậm chí vượt ngưỡng 34.7 ngàn tỷ đồng trong năm qua.

Kỷ nguyên biến động được thổi bùng bởi cơn đại dịch, căng thẳng Mỹ-Trung và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tạo nên một môi trường đầu tư bất ổn cho các nhà quản lý quỹ toàn cầu, dẫn đến quyết định rút ròng vốn tại các thị trường - cận biên và mới nổi - vốn được xem là rủi ro để tìm đến những tài sản trú ẩn an toàn như đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ.

“Nhà đầu tư ngoại đã phản ứng lại sự bất định gây ra bởi đại dịch Covid-19 và bán lượng lớn cổ phiếu Việt Nam”, PYN Elite Fund, quỹ đầu tư Phần Lan đang nắm giữ hàng trăm triệu EUR cổ phiếu Việt, cho biết trong một báo cáo gần đây.

RÚT VỐN
Diễn biến mua/bán ròng của khối ngoại trong năm 2020
Đvt: Tỷ đồng
Dữ liệu tính đến ngày 28/12/2020. Nguồn: VietstockFinance

Thế nhưng, đi ngược lại bức tranh ảm đạm của vốn ngoại là đà hồi sinh chóng mặt của VN-Index sau cú sụp chớp nhoáng trong quý 1. Trong vòng chín tháng kể từ khi chạm đáy vào cuối tháng 3, chỉ số đại diện thị trường Việt Nam đã trình diễn đà tăng choáng ngợp, gần 66%.

Chính sách tiền tệ nới lỏng của Chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế đưa các mức lãi suất hạ sâu. Các kênh tiết kiệm, sinh lời truyền thống mất đi tính hấp dẫn khiến dòng tiền trong nước tìm đến kênh đầu tư cổ phiếu. Lực đẩy mạnh mẽ của nhà đầu tư nội đã nắn dòng chảy vốn tại thị trường chứng khoán chệch khỏi lối mòn đi theo hoạt động của khối ngoại và đẩy các mức giá bay cao.

Cỗ xe tăng giá VN-Index cũng có mã lực là tinh thần lạc quan của một đất nước đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Tính đến ngày 29/12, Việt Nam có 1,451 ca nhiễm Covid-19, con số làm cả thế giới phải ghen tị. Việc sản xuất tại các nhà máy được duy trì và hoạt động của doanh nghiệp hồi phục, thể hiện qua con số xuất siêu kỷ lục 19.1 tỷ USD trong cả năm 2020. Các công ty đa quốc gia nhìn nhận Việt Nam là địa điểm sáng giá để đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.

Theo hãng định giá thương hiệu Anh - Brand Finance, giá trị thương hiệu Việt Nam trong năm 2020 đã lên mức 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm trước, đồng thời cũng là mức tăng mạnh nhất thế giới của một thương hiệu quốc gia.

Biểu đồ chỉ số VN-Index so với các chỉ số khác trong khu vực
Nguồn: Bloomberg

Nhưng trong năm 2020, chỉ số ít cổ phiếu vẫn cho thấy mình là nam châm thu hút dòng vốn ngoại gián tiếp (FII).

ETF VN Diamond, quỹ đầu tư được lập nên nhằm mở đường cho khối ngoại tiếp cận những cổ phiếu đã kín room nước ngoài, thu hút được vốn lớn. Bắt đầu giao dịch tại HOSE từ tháng 5/2020 với quy mô ban đầu 102 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản ròng của Quỹ tính đến ngày 28/12 đã ở mức gần 5.04 ngàn tỷ đồng.

Điều này cho thấy sức hút của cổ phiếu kín room ngoại nhưng cũng đồng nghĩa rằng thị trường đang thiếu đi sự đa dạng hàng hóa dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trước kia, khối ngoại đã chấp nhận trả mức giá rất cao so với thị giá cổ phiếu kín room để giao dịch nội khối. Hiện, họ tiếp tục chấp nhận sở hữu thêm nhiều cổ phiếu khác (cùng trong rổ VN Diamond) để có thể tiếp cận các cổ phiếu ưa thích.

Các khoản đầu tư lớn nhất của ETF VFMVN Diamond
Đvt: Tỷ đồng
Cổ phiếu có thể mua được trên thị trường tự do dành cho nhà đầu tư nước ngoài thực tế thấp hơn tại VCB, VNM do cổ đông lớn Nhà nước vẫn đang nắm giữ cổ phần lớn.
Dữ liệu tính đến ngày 30/11/2020. Nguồn: VFM

Mặt tích cực là lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đối với chứng khoán Việt Nam vẫn thấp hơn so với các thị trường trong khu vực.

“Chúng tôi nhận thấy có dấu hiệu quay đầu của dòng tiền nước ngoài khi họ giảm bán ròng trong tháng 11 sau khi kết quả bầu cử (Mỹ) đã tương đối an bài và bắt đầu mua ròng nhẹ trong tháng 12…”, Bộ phận Nghiên cứu CTCK Rồng Việt (VDSC Research) nhận định tại báo cáo chiến lược năm 2021 vừa công bố. Dòng tiền tìm đến các thị trường mới nổi và cận biên trên nền tảng vĩ mô ổn định hơn.

RÚT RÒNG
Giá trị mua/bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài
tại các thị trường cận biên và mới nổi châu Á
Đvt: Triệu USD
Nguồn: Bloomberg, VDSC Research

Đội quân nhà đầu tư nội hùng hậu tuy làm giảm đi ý nghĩa của việc khối ngoại bán ròng trong ngắn hạn, nhưng nếu xu hướng rút ròng tiếp diễn trong thời gian dài thì các tác động tiêu cực có thể hiện rõ.

Trước mắt, giới tài chính chuyên nghiệp hoạt động tại Việt Nam đang chia sẻ cùng một góc nhìn tương đối tích cực.

Theo PYN Elite Fund, viễn cảnh kinh tế của quốc gia trong vài năm tới, mức tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp và mức định giá hiện tại của thị trường “chắc chắn sẽ kéo khối ngoại trở lại với Việt Nam”.

Năm 2021, VDSC Research kỳ vọng hoạt động của khối ngoại trên sàn có thể tích cực hơn nhờ dòng tiền chảy vào các quỹ ETF nội, đồng thời, nút thắt room ngoại sẽ được giải tỏa nhờ Dự thảo nghị định Luật Chứng khoán sửa đổi. Bên cạnh đó, việc thị trường Việt Nam được tăng tỷ trọng theo 5 đợt trong rổ chỉ số MSCI Frontier Markets sẽ là yếu tố khiến nhiều quỹ đầu tư theo chỉ số này tăng mua.

Quỹ đầu tư Asia Frontier Capital (Vietnam) dẫn thông tin từ một cuộc khảo sát gần đây của Bank of America (BofA), theo đó, các nhà quản lý quỹ toàn cầu tuy là bên bán ròng mạnh cổ phiếu tại các thị trường mới nổi trong năm 2020 nhưng cũng chính họ đánh giá lớp tài sản này có tiềm năng lợi nhuận cao nhất trong 2021. “Nếu họ đi theo những dự báo của mình, họ sẽ phải mua mạnh trở lại trong năm tới”, Quỹ cho biết.

Khối ngoại bán ròng xuyên suốt, trong khi đó, dòng vốn mua ròng được thực hiện tập trung trong một số thương vụ nhất định như VHM (ngày 15/06, 20/08, 10/09), MSN (14/05) hay PGD (10/01).

Những phiên mua/bán ròng mạnh nhất của khối ngoại
đối với cổ phiếu niêm yết HOSEHNX trong năm 2020
Đvt: Triệu đồng
Dữ liệu tính đến hết ngày 28/12/2020. Nguồn: VietstockFinance
Cổ phiếu được khối ngoại mua/bán ròng mạnh nhất
trong năm 2020 tại sàn HOSEHNX
Dữ liệu tính đến hết ngày 28/12/2020. Nguồn: VietstockFinance

Thừa Vân

FILI

Các tin tức khác

>   HOSE: Thông báo gián đoạn website để bảo trì kỹ thuật (31/12/2020)

>   Nhịp đập Thị trường 31/12: Chốt phiên cuối năm trên 1,100 điểm (31/12/2020)

>   DCM: Kế hoạch hoạt động SXKD năm 2021 (31/12/2020)

>   E1VFVN30: Thông báo về danh mục chứng khoán cơ cấu hoán đổi ngày 31/12/2020 (31/12/2020)

>   FUEMAV30: Thông báo về danh mục chứng khoán cơ cấu hoán đổi ngày 31/12/2020 (31/12/2020)

>   FUEVN100: Thông báo về danh mục chứng khoán cơ cấu hoán đổi ngày 31/12/2020 (31/12/2020)

>   FUEVFVND: Thông báo về danh mục chứng khoán cơ cấu hoán đổi ngày 31/12/2020 (31/12/2020)

>   FUESSVFL: Thông báo về danh mục chứng khoán cơ cấu hoán đổi ngày 31/12/2020 (31/12/2020)

>   FUESSV50: Thông báo về danh mục chứng khoán cơ cấu hoán đổi ngày 31/12/2020 (31/12/2020)

>   FUESSV30: Thông báo về danh mục chứng khoán cơ cấu hoán đổi ngày 31/12/2020 (31/12/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật