"Cú hích" thay đổi tập quán sinh hoạt và mô hình kinh doanh
Đại dịch đưa tới sự lưỡng cực hóa khi doanh thu của các ngành nghề dựa trên nền tảng công nghệ như mua sắm qua mạng, xem phim trực tuyến tăng vọt.
Cú hích thay đổi tập quán và mô hình kinh doanh. Ảnh: THX/ TTXVN
|
Năm 2020 chắc chắn sẽ đi vào ký ức lịch sử khi dịch COVID-19 trở thành thảm họa toàn cầu, dẫn tới việc hầu hết quốc gia trên thế giới tiến hành phong tỏa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh tế, các ngành nghề như hàng không, bán lẻ, du lịch…
Tuy nhiên, đại dịch cũng đưa tới sự lưỡng cực hóa khi doanh thu của các ngành nghề dựa trên nền tảng công nghệ như mua sắm qua mạng, xem phim trực tuyến tăng vọt.
Hãy bắt đầu câu chuyện bằng nhóm cổ phiếu FAANG, vốn được xem là “ngũ đại quyền lực” của thị trường chứng khoán Mỹ khi đại diện cho năm cổ phiếu công nghệ phổ biến nhất và có hiệu suất cao nhất.
Các cổ phiếu này gồm Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Alphabet (công ty mẹ của Google). Trong năm 2020, giá cổ phiếu của Applevà Amazon tăng 80%; Netflix tăng 70% còn Facebook và Google tăng khoảng 30%.
Tổng giá trị thị trường và tỷ trọng trong rổ tính chỉ số của nhóm cổ phiếu FAANG là 22%, tăng hơn 5% so với mức chưa đầy 17% vào đầu năm 2020. Sức tăng và mức độ tập trung của nhóm cổ phiếu FAANG được đánh giá là chưa từng có mà "chất xúc tác" lại là yếu tố nhân loại không bao giờ mong đợi - đại dịch COVID-19.
Tại lễ trao giải điện ảnh danh giá Oscar năm 2019, giới làm phim vẫn còn tranh cãi về việc phát hành phim trực tuyến. Nhưng vào cuối tháng 12/2020, nhà phát hành Warner Bros Pictures quyết định phát hành song song cùng một ngày bộ phim tại các rạp chiếu và trên nền tảng phát hành trực tuyến HBO Max.
Giám đốc hãng Warner Bros Ann Sarnoff vẫn coi việc phát hành phim trực tuyến là chiến lược mới này “nhằm ứng phó đại dịch COVID-19, chứ không phải định hướng lâu dài của hãng”.
Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là hơn nửa năm qua, do ảnh hưởng của các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19, các rạp chiếu phim cơ bản không sáng đèn, nhiều rạp đối mặt với nguy cơ phá sản. Trong bối cảnh đó, nền tảng phát hành trực tuyến Netflix đã trở thành người thắng lớn.
Dịch bệnh khiến mọi người bị mắc kẹt ở nhà khiến việc xem phim trực tuyến và xem phim truyền hình trở thành lựa chọn tốt nhất.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, số giờ người Mỹ xem video trực tuyến trong quý II/2020 tăng 75% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy, không chỉ có Netflix, mà doanh thu của các công ty giải trí và truyền hình trực tuyến như ROKU cũng tăng đáng kể.
Trước xu hướng mới, Disney đã ra mắt nền tảng nghe nhìn mới Disney+ nhằm bù đắp cho tình trạng kinh doanh ảm đảm của mảng công viên chủ đề. Không ngoại lệ, số người đăng ký sử dụng kênh Disney+ tăng mạnh.
Nền tảng phát hành trực tuyến Netflix "bội thu" nhờ COVID-19. Ảnh: BNEWS/TTXVN
|
Bên cạnh sự bùng nổ của các nền tảng giải trí trực tuyến, dịch bệnh cũng trở thành chất xúc tác cho sự phát triển của các nền tảng huấn luyện thể dục trực tuyến và các công ty bán thiết bị tập thể dục tại nhà.
Nguyên nhân là do dịch bệnh khiến các phòng tập gym bị đóng cửa, trong khi những người có thói quen tập thể dục vẫn không ngừng tập luyện. Đồng thời, nhân tố dịch bệnh còn khiến mọi người chú ý hơn tới sức khỏe của chính mình.
Xét cho cùng, một cơ thể khỏe mạnh là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại bệnh tật, cho nên, nhu cầu về những sản phẩm phục vụ tập luyện thể dục thể thao đương nhiên tăng cao và công ty cung cấp thiết bị thể dục thể thao Peloton (PTON) trở thành người thắng lớn.
Theo ước tính của hãng JPMorgan Chase, doanh thu năm 2020 của Peloton tăng gấp đôi lên 1,8 tỷ USD, cổ phiếu của công ty cũng thăng hoa, từ mức 30 USD/cổ phiếu vào đầu năm 2020 lên 167,37 USD/cổ phiếu vào cuối năm 2020.
Như vậy trong vòng 1 năm, cổ phiếu của Peloton tăng 458%, không thể không khiến nhiều nhà đầu tư kinh ngạc.
Sau năm 2020 đầy sóng gió, cuối cùng, thế giới cũng trút đi phần nào gánh nặng từ “thảm họa thế kỷ” khi những thông tin vui mừng về vắc-xin phòng COVID-19 xuất hiện. Sự ra đời của thứ vũ khí chống lại dịch bệnh có thể giúp con người đẩy lui sự tấn công của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, đó có phải là màn pháo hoa chào mừng sự bình yên trở lại hay không?
Ray Dalio là nhà đầu tư huyền thoại đang điều hành quỹ phòng hộ Bridgewater Associates lớn nhất thế giới với tổng tài sản ròng lên tới hơn 18 tỷ USD. Ông từng nói rằng cứ mỗi 10 năm, thị trường lại xuất hiện một lần chuyển dịch về mô hình.
Không nghi ngờ gì, đại dịch COVID-19 đã trở thành “chất xúc tác” thúc đẩy sự chuyển dịch về mô hình lần này, mang lại những thay đổi mang tính đột phá cho thế giới kinh doanh.
Mua sắm trực tuyến, sử dụng các nền tảng giao đồ ăn và làm việc tại nhà không phải là những điều mới mẻ. Nhưng dịch bệnh đã đẩy nhanh tiến trình đưa chúng vào vị trí phổ biến thông qua việc làm xói mòn thị phần của thị trường truyền thống.
Nói tóm lại, dịch bệnh bất ngờ ập đến vào đầu năm 2020 đã gây ra những thay đổi to lớn trong cuộc sống mà mà thoạt nghe có lẽ ai cũng khó chấp nhận. Nhưng một năm sau, những thay đổi trong giai đoạn bất thường này đứng trước cơ hội trở thành vĩnh cửu.
Một khi xã hội đã quen với những thay đổi này và sau khi xu hướng đã hình thành, không dễ dàng trở lại con đường cũ và các ngành nghề liên quan sẽ tiếp tục phát triển theo con đường vừa định hình.
Lẽ dĩ nhiên, cổ phiếu của các ngành kinh tế mới do các hãng công nghệ dẫn đầu tăng quá nhanh trong năm 2020 có thể xuất hiện điều chỉnh về mặt kỹ thuật.
Tuy nhiên, về lâu dài, trải qua cuộc cải tổ lớn bởi dịch bệnh, vai trò "kẻ thắng, người thua" giữa các ngành nghề công nghệ mới nổi với ngành nghề truyền thống sẽ dần hiện rõ và xu thế đó khó có thể đảo ngược.
Hà Ngọc
BNEWS
|