Thứ Tư, 06/01/2021 08:45

Cú hích cực mạnh cho kinh tế TP.HCM

Cảng hàng không quốc tế Long Thành sau khi được đưa vào hoạt động sẽ tác động rất lớn đến giao thông và kinh tế khu vực phía nam, đặc biệt là TP.HCM.

* Thủ tướng phát lệnh khởi công xây dựng sân bay Long Thành

Khu vực dự án sân bay Long Thành nhìn từ trên cao. ẢNH: LÊ LÂM

“24 năm kể từ khi được đặt vấn đề xây dựng, dự án này đáng ra phải hoàn thiện từ cách đây 10 năm rồi. Tới giờ, tuy hơi muộn nhưng sân bay Long Thành là dự án cần làm, nên làm và đáng làm” - trả lời điện thoại từ Mỹ, TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công - Trường ĐH Fullbright Việt Nam, khẳng định.

Ông Du phân tích: Về mặt giao thông, TP.HCM là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước. Nhu cầu vận tải, vận chuyển hành khách và hàng hóa sau dịch Covid-19 sẽ nhanh chóng hồi phục và ngày càng gia tăng. Trong khi đó, sân bay duy nhất hiện nay là Tân Sơn Nhất đang ngày càng quá tải và vị trí không thuận lợi, nằm ngay trong trung tâm TP, không thể đáp ứng nhu cầu phát triển dài hạn. Long Thành sẽ “chia lửa” cùng Tân Sơn Nhất, giải tỏa ách tắc cả trên trời và dưới đất. Đồng thời, khi sân bay Long Thành mở ra, những hạ tầng kết nối phải được xây dựng đồng bộ sẽ định hình lại hạ tầng cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tạo ra một cú hích về hạ tầng giao thông đồng bộ, bài bản hơn.

Về mặt kinh tế, Long Thành được định hướng trở thành sân bay trung chuyển trong khu vực cũng như quốc tế. Hiện nay, nhiệm vụ này đang “nằm trong tay” các “ông lớn” như Hồng Kông, Singapore, Thái Lan. Nếu Long Thành được đầu tư xây dựng theo đúng mục tiêu ban đầu và vận hành, kết nối tốt, TP.HCM sẽ trở thành điểm đến, san sẻ một phần khách trung chuyển, trước hết là một số nước Đông Dương, sau đó mở rộng ra dần tới châu lục và thế giới. Tuy nhiên, sân bay không phải ốc đảo, điểm trung chuyển không đơn thuần chỉ là đầu mối đi lại. Muốn Long Thành hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy hết vai trò, khả năng của mình thì phải gắn liền với tốc độ đi lên của nền kinh tế. “Sân bay Long Thành hoàn thiện đúng thời điểm TP.HCM bắt đầu xây dựng TP.Thủ Đức - một đô thị mới của TP.HCM nói riêng và cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói chung. Với những cơ chế mới, định hướng phát triển mới, khối sân bay Long Thành và TP.Thủ Đức sẽ thúc đẩy nhau, hỗ trợ qua lại với nhau, tạo thành một cú hích đẩy rất mạnh kinh tế TP.HCM và toàn vùng”, TS Huỳnh Thế Du đánh giá.

Đồng tình, TS Phạm Văn Hùng, Phó phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía nam, khẳng định sân bay Long Thành tác động rất mạnh đến nền kinh tế, không chỉ mang tầm TP, vùng mà định hướng phát triển tầm quốc gia. Giao thông càng thuận lợi, thương mại, kinh tế, xuất khẩu hàng hóa càng tăng, kinh tế càng phát triển mạnh. Với định hướng phục vụ khách quốc tế cho toàn vùng chủ yếu dồn về Long Thành, cảng hàng không này sẽ là yếu tố quan trọng để vùng kinh tế phía nam nâng sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Hiện nay, phía nam đã có cảng biển Cái Mép - Thị Vải lớn, hiện đại, trực tiếp vận chuyển hàng hóa đi các nước, không phải qua trung chuyển. Nay, có thêm cảng hàng không quy mô quốc tế liên kết, hỗ trợ, tác động lẫn nhau sẽ tạo ra sức hút rất lớn, tạo thêm nhiều mối quan hệ hàng hóa, tạo ra những bước đi nhanh, dài và càng chắc chắn hơn cho nền kinh tế.

Xét riêng về thị trường hàng không, PGS-TS Lý Hùng Anh, giảng viên bộ môn kỹ thuật hàng không (ĐH Bách Khoa TP.HCM), nhận định VN là một trong những nước có thị trường hàng không tăng trưởng cao nhất trong khu vực, nhưng lại chưa hề có sân bay nào đủ lớn, đủ tầm làm sân bay trung chuyển trong khu vực cũng như quốc tế. Cùng với việc Việt Nam đang trở thành hấp lực thu hút các tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới, thị trường hàng không nội địa dự báo còn tăng rất cao trong thời gian tới. Trong đó, TP.HCM là địa phương năng động nhất, phát triển mạnh nhất. Kể cả mở rộng thêm, sân bay Tân Sơn Nhất cũng chỉ có đủ khả năng phục vụ nguyên thị trường nội địa. Do đó, cảng Long Thành là rất cần thiết để ngành hàng không phát triển tương xứng với tiềm lực công nghiệp, tiềm lực kinh tế của TP.HCM nói riêng cũng như cả nước nói chung.

M.Hà

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Nỗ lực xây dựng các đề án kinh tế có chất lượng, mang tầm chiến lược (05/01/2021)

>   Lamita bị tố sắp đóng cửa vẫn giục học viên nộp tiền (05/01/2021)

>   Thuỷ sản hướng mục tiêu xuất khẩu 14-16 tỷ USD vào năm 2030 (05/01/2021)

>   Số vụ vi phạm an toàn thực phẩm hàng qua Hàn Quốc giảm gần 70% (04/01/2021)

>   Bộ Y tế đề xuất dừng chuyến bay từ quốc gia có biến thể nCoV (04/01/2021)

>   Những cải cách quan trọng trong Luật doanh nghiệp 2020 (04/01/2021)

>   Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo thanh tra công ty trúng 3 gói thầu gom rác năm 2017 (04/01/2021)

>   Đề nghị Hà Nội, TP HCM thu hồi xe cũ nát (04/01/2021)

>   Bất chấp COVID-19, đầu tư vào khu công nghiệp TPHCM tăng gần 16% (04/01/2021)

>   Chính phủ ban hành những giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 (04/01/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật