BIC sắp hoàn tất nhận chuyển nhượng 51% vốn CVI sau 4 năm?
Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BIC) dự định sẽ nhận chuyển nhượng 510 cp CVI của Công ty Bảo hiểm Campuchia từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) với giá chuyển nhượng hơn 8,273 USD/cp.
Cụ thể, số lượng cổ phần mà BIC nhận chuyển nhượng là 510 đơn vị, tương đương 51% vốn điều lệ CVI. Tổng giá trị chuyển nhượng hơn 4.2 triệu USD.
Nguồn vốn đầu tư được BIC lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu. Thời gian hoàn thành thủ tục chuyển nhượng dự kiến trong quý 2/2021.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2014, BIC cho biết trong năm 2013, Công ty đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 65% vốn CVI với CTCP Đầu tư Phát triển Campuchia (IDCC). Tuy nhiên thủ tục nhận chuyển nhượng vốn và đầu tư ra nước ngoài của BIC chưa xong, chưa tiếp cận được giấy phép đầu tư chính thức. Trong khi đó, một số cổ đông ở Campuchia có mong muốn tăng tỷ lệ sở hữu tại CVI, HĐQT BIC đã thống nhất chuyển nhượng một phần trong khoản cam kết mua 65% trước đây, dự kiến chuyển nhượng tối đa 14% cho cổ đông lớn thứ 2 cho một tập đoàn tài chính ngân hàng ở Campuchia.
Đến gần cuối năm 2016, HĐQT BIC mới phê duyệt việc đầu tư ra nước ngoài vào CVI theo hình thức nhận chuyển nhượng lại phần vốn góp của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) với mệnh giá chuyển nhượng là 3.57 triệu USD, tương đương 51% vốn điều lệ của CVI. Thời gian hoàn thành thủ tục dự kiến là trong quý 1 và quý 2/2017.
Như vậy, quyết định năm 2016 chưa thể thực hiện được nên BIC một lần nữa thông qua phương án nhận chuyển nhượng 51% vốn CVI sau hơn 4 năm và điều chỉnh giá nhận chuyển nhượng cao hơn mức giá cũ gần 17%.
Được biết, Công ty Bảo hiểm Campuchia Việt Nam (CVI) là đơn vị được thành lập tại Campuchia vào năm 2009 với vốn điều lệ ban đầu là 7 triệu USD, trên cơ sở góp vốn của IDCC với các đối tác Campuchia.
Về BIDC, Ngân hàng này được thành lập trên cơ sở Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Công ty Phương Nam (cùng quốc tịch Việt Nam) đã thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Campuchia (IDCC) tại Campuchia để triển khai các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… tại thị trường này, với dự án đầu tiên là mua lại Ngân hàng Đầu tư Thịnh Vượng Campuchia (PIB), một ngân hàng nhỏ tại Campuchia do các cổ đông cá nhân góp vốn thành lập năm 2007, tái cơ cấu toàn diện, đổi tên Ngân hàng thành Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC).
Tính chung sau 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BIC tăng 13%, lên gần 1,354 tỷ đồng, trong khi chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 8%, chiếm gần 985 tỷ đồng. Do vậy, lãi ròng của BIC đạt gần 231 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.
Năm 2020, BIC đặt mục tiêu 2,425 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm, tăng 8% nhưng dự kiến 241 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, giảm 11% so với thực hiện năm 2019. Như vậy, Công ty đã vượt 12% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.
Mặc dù có kết quả kinh doanh tăng trưởng, nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty lại âm hơn 26 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước dương hơn 47 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do các khoản phải thu tăng, đồng thời tăng chi các khoản phải trả. Ngoài ra, Công ty cũng đổ tiền cho chứng khoán kinh doanh với gần 234 tỷ đồng.
Kết thúc quý 3/2020, tổng tài sản BIC tăng 5% so với đầu năm, lên mức hơn 5,775 tỷ đồng. Trong đó phần lớn tài sản nằm tại đầu tư tài chính ngắn hạn gần 2,487 tỷ đồng (tăng 4%) và hơn 1,389 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn (tăng 14%).
Nợ phải trả cũng tăng 5% lên mức hơn 3,424 tỷ đồng chủ yếu là dự phòng nghiệp vụ gần 2,525 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm.
Tính đến ngày 30/9/2020, BIC chỉ có duy nhất 1 công ty con là Công ty liên doanh bảo hiểm Lào – Việt (LVI) với tỷ lệ sở hữu là 65%.
Diễn biến giá cổ phiếu BIC từ đầu năm 2020 đến phiên 05/01/2021
|
Kết phiên 05/01/2021, thị giá BIC dừng tại mức 22,950 đồng/cp. Khối lượng giao dịch bình quân đạt gần 70,000 cp/ngày.
Khang Di
FILI
|