‘Nafoods cần thêm 2 năm để hoàn thiện sản phẩm trước khi trở lại thị trường nội địa’
Đó là chia sẻ của bà Diệp Thị Mỹ Hảo - Phó TGĐ kiêm Giám đốc tài chính CTCP Nafoods Group (HOSE: NAF) tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư tổ chức ngày 27/01/2021.
Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư do NAF tổ chức diễn ra chiều ngày 27/01/2021
|
Hiện nay, NAF đã cân đối danh mục thị trường và dự kiến đến năm 2023, 50% dành cho Mỹ và Châu Âu, 30% Châu Á (Trung Quốc) và 20% còn lại là thị trường nội địa.
Trả lời cho việc tại sao chưa có sản phẩm của NAF ở Việt Nam, bà Hảo cho biết: “Chiến thuật của NAF trong việc xây dựng sản phẩm hàng tiêu dùng là phát triển ở bên ngoài trước, hoàn thiện thương hiệu ở những nơi mà người ta cần trước. Còn ở Việt Nam, thật ra có nhiều sản phẩm thay thế như hoa quả tươi nên khi chọn dòng sản phẩm phải mang tính chức năng, bổ sung nhiều vitamin thì mọi người sẽ đón nhận nhiều hơn. Do đó, NAF cần thêm 2 năm để hoàn thiện sản phẩm trước khi quay trở lại thị trường nội địa”.
Danh mục sản phẩm của NAF
|
Hiện nay, hiệp định FTA vừa mở ra đặc biệt là với Châu Âu (EVFTA), nhiều thuế suất của một số mặt hàng nước ép và cô đặc đi từ 75% xuống còn 0%. Theo bà Hảo, sự chuyển dịch gần đây nhất là NAF có 2 đối tác lớn ở Mỹ và Brazil đều đã chuyển dịch sản xuất sang Châu Âu. Do đó, NAF đã được hưởng lợi từ việc này, thay vì xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ và Brazil thì NAF lại xuất khẩu sang nhà máy của đối tác tại Châu Âu.
Do đâu năm 2020 chưa hoàn thành kế hoạch?
Lũy kế cả năm 2020, NAF ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt tăng 16% và 32% so với cùng kỳ, đạt gần 1,206 tỷ đồng và 63 tỷ đồng. Khép lại năm 2020, NAF đã thực hiện được 89% kế hoạch doanh thu và 95% kế hoạch lãi sau thuế.
Tại thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của NAF ghi nhận gần 1,531 tỷ đồng, tăng 20% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và các khoảng tương đương tiền đạt 25.6 tỷ đồng, tăng 84% so với đầu năm. Dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm ghi nhận 119 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 289.4 tỷ đồng.
Bà Diệp Thị Mỹ Hảo - Phó TGĐ Nafoods
|
Theo NAF, dù gặp phải nhiều khó khăn trong công tác thu mua, cung ứng nguyên liệu, vận chuyển, xuất khẩu hàng hoá… do ảnh hưởng của dịch Covid -19 kéo dài, Công ty vẫn mở rộng thị trường, nghiên cứu và phát triển thêm nhiều mảng kinh doanh. Ngoài lợi thế về các sản phẩm truyền thống như nước ép, dịch cô đặc, sản phẩm rau, củ, quả cấp đông, hiện tại nhóm sản phẩm sấy, sản phẩm hạt dinh dưỡng đã và đang được nghiên cứu, sản xuất và phát triển.
Trả lời nhà đầu tư về việc tại sao năm 2020, NAF chưa hoàn thành kế hoạch đề ra, bà Hảo cho hay: “NAF muốn trích lập dự phòng một số khoản phải thu. Có thể nói Covid-19 cũng là thuận lợi cho một số mảng như nước ép giàu dinh dưỡng, vitamin nhưng mảng khó khăn là mảng cây giống. Về nguyên tắc thận trọng, NAF muốn trích lập trước một số chi phí nên lẽ ra NAF sẽ đạt hơn 105% so với kế hoạch”.
Mục tiêu lãi sau thuế 2021 tăng 37%
Trong năm 2021, doanh nghiệp “thuần nông” này dự kiến mang về 2,000 tỷ đồng doanh thu (tăng 66%) và 86 tỷ đồng lãi sau thuế trong năm 2021 (tăng 37% so với năm trước).
Kết quả kinh doanh của NAF qua các năm trở lại đây. Đvt: Tỷ đồng
|
Dịch Covid-19 dự báo sẽ vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp trong năm 2021 ở các quốc gia như Mỹ và EU, 2 thị trường tiêu thụ lớn của NAF. “Có một cái may khi Covid-19 đến các nhà đầu tư họ không thể bay qua Việt Nam. Thông thường thì họ sẽ tìm kiếm những nhà đầu tư mới nhưng bây giờ vì dịch họ không đi được nên họ phải tìm những nhà cung cấp tin cậy và vô hình trung Nafoods là sự lựa chọn. Có thể nói đơn hàng hiện này đang nhiều hơn, trước đây có thể khách hàng chỉ đặt 50 - 100 tấn nhưng giờ đã tăng lên 200 tấn. Do đó, nói về đơn hàng thì NAF không bị ảnh hưởng bởi dịch mà thậm chí còn tích cực hơn”, bà Hảo chia sẻ.
Năm 2021 dự kiến là năm tăng trưởng ổn định cho những mảng đã hiện hữu và những phần tăng mới sẽ phát sinh từ mảng mới.
Vị Phó TGĐ này cho biết thêm: “Đặt kế hoạch năm 2021 tăng trưởng dựa vào cam kết với cổ đông trong 5 năm, doanh số sẽ đạt 2,000 tỷ, tăng 30%, lợi nhuận khoảng 83-85 tỷ, tăng 25%. Mảng truyền thống chủ chốt của NAF luôn đảm bảo 25%, dường như những đơn hàng đó đã có 40-60% chốt ký và NAF chỉ còn mua nguyên liệu và thực thi. Đối với mảng truyền thống trước đây là 600 tỷ thì năm 2021 NAF đặt mục tiêu tối thiểu là 800 tỷ và hướng tới đích 1,000 tỷ”.
Lãnh đạo NAF cũng cho rằng nguyên liệu năm 2021 không còn dồi dào nên ảnh hưởng tới biên lợi nhuận gộp. Biên lợi nhuận gộp 2020 ở mức 21.5% thì năm nay giảm 0.5-1%. Song bù lại, chi phí lãi vay của NAF sẽ giảm. Do vậy, năm 2021 được dự đoán sẽ là năm tăng trưởng ổn định cho các mảng truyền thống của NAF như chanh leo, thanh long, dứa. Các mảng như xoài, dừa, hạt dinh dưỡng mới phát triển từ 2019 và 2020 sẽ là mảng đem lại giá trị tăng thêm.
Ngoài ra, trong năm 2021, đối các sản phẩm công nghiệp, 70% sẽ đi từ 2 nhà máy lớn và 30% từ các nhà máy liên kết để hoàn thiện mô hình tăng trưởng mới (nền tảng dịch vụ).
Theo bà Hảo, khoảng 2 năm nữa, NAF sẽ trở thành công ty dịch vụ. Có nghĩa là có những nhà máy nhỏ không có năng lực thị trường, NAF sẽ cung cấp những năng lực đó và sẽ mở những mô hình chia sẻ lợi nhuận. Đây là cái mà Công ty hướng đến từ 2022 trở đi sau khi hoàn thiện hệ thống.
Đối với mảng sấy, NAF sẽ sáp nhập chuỗi cung ứng sấy giai đoạn 1. Hiện NAF đã có 22 truyền sấy nằm chính ở Phan Thiết và ở các nhà máy vệ tinh ở Hậu Giang, Tiền Giang… Bà Hảo cũng nhấn mạnh: “Năm sau NAF sẽ bắt đầu giai đoạn sáp nhập chuỗi cung ứng giai đoạn 1 - tập trung sáp nhập sản xuất trước. Giai đoạn 2 là đến năm 2023 là sáp nhập những vườn trồng lớn”.
Đối với mảng dừa và hạt dinh dưỡng, NAF sẽ hoàn thiện chiến lược thực thi và triển khai ERP/Quản trị doanh nghiệp.
Thêm vào đó, NAF sẽ chuẩn hóa hoạt động tại 2 nhà máy giống (Quế Phong và Nafoods Tây Nguyên), 20,000 ha vườn trồng sẽ được số hóa và áp dụng truy xuất thử nghiệm với thanh long và dừa.
Tiên Tiên
FILI
|