Theo đợt khảo sát Đánh Giá Tác Động Tới Doanh Nghiệp (Business Pulse Survey, BPS) mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), doanh nghiệp Việt Nam đang hồi phục ở mức trung bình, nhưng tình trạng phục hồi không đồng đều.
Cuộc khảo sát của WB được thực hiện thường xuyên với hơn 500 doanh nghiệp tại Việt Nam để đánh giá tác động của Covid-19 về hoạt động của doanh nghiệp, các chiến lược thích ứng và khả năng tiếp cận hỗ trợ của chính phủ. Đợt khảo sát đợt khảo sát lần 2 được thực hiện từ ngày 15/9 đến 27/10.
ĐÃ PHỤC HỒI NHƯNG KHÔNG ĐỒNG ĐỀU
Theo kết quả khảo sát, số doanh nghiệp mở cửa hoạt động trong tháng 9-10 đã tăng thêm 13%, nâng tổng số doanh nghiệp này lên 94%. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp chưa đạt công suất trước đại dịch. Dù đã có cải thiện so với hồi tháng 6, doanh số của các doanh nghiệp vẫn thấp hơn khoảng 36% so với tháng 9-10 năm trước.
Kết quả khảo sát cho thấy sự phục hồi diễn ra không đồng đều. So với tháng 6, doanh số một số doanh nghiệp cải thiện, trong khi một số khác lại giảm sút. Hồi tháng 6, tình trạng giảm doanh số diễn ra khá phổ biến trong các doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp vừa và lớn, và ngành bán buôn, bán lẻ hồi phục tốt hơn. Nhìn chung, các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp ngành công nghiệp chế tạo và nông nghiệp vẫn không cải thiện so với tháng 6.
Dù đã có cải thiện so với hồi tháng 6, doanh số của các doanh nghiệp vẫn thấp hơn khoảng 36% so với tháng 9-10 năm trước - Nguồn: WB
|
Tình trạng cắt giảm lao động đã giảm nhẹ nhưng hiện trạng việc làm nói chung vẫn không cải thiện so với tháng 6. Các doanh nghiệp vẫn phải áp dụng các biện pháp tạm thời như cho nghỉ phép, giảm lương, giảm giờ làm. Tuy vậy, tỉ lệ số doanh nghiệp phải dùng đến các biện pháp này đã giảm mạnh.
Khoảng 40% doanh nghiệp được khảo sát gặp khó khăn do nguồn cung đầu vào giảm, và 10% phải hủy hợp đồng bán hàng do không đủ vật tư đầu vào. Các doanh nghiệp dựa vào nguồn cung Trung Quốc hay gặp vấn đề về nguồn cung hơn.
Trong khi đó, vấn đề tiếp cận tín dụng trở nên trầm trọng hơn khi doanh nghiệp đồng thời gặp khó khăn về thanh khoản. Lãi suất và rủi ro trả nợ là vấn đề chung mà tất cả các doanh nghiệp đều gặp phải. Trên 60% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn tài chính. Vấn đề này tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ do gặp khó khăn về tài sản thế chấp.
Lãi suất và rủi ro trả nợ là vấn đề chung mà tất cả các doanh nghiệp đều gặp phải - Nguồn: WB
|
Theo kết quả khảo sát, trên 40% doanh nghiệp đã bị nợ hoặc sẽ bị nợ trong 6 tháng tới. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp đã hoặc sẽ rơi vào tình trạng nợ nần trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ là cao nhất.
Để ứng phó với tình hình dịch bệnh, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng cường sử dụng các nền tảng số. Trong giai đoạn tháng 9-10, gần 60% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã thực hiện hoặc tăng cường sử dụng nền tảng số. Thời gian đầu, số doanh nghiệp ứng dụng nền tảng số tăng mạnh (48% vào tháng 6), sau đó giảm xuống, nhưng vẫn tăng thêm 11% trong tháng 9-10.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường áp dụng nền tảng số cho các quy trình nghiệp vụ ít phức tạp, trong khi các doanh nghiệp lớn có xu thế ứng dụng nền tảng số vào các công đoạn phức tạp hơn. Kết quả khảo sát cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang dần bắt kịp các doanh nghiệp lớn về đầu tư vào các nền tảng số.
PHẦN LỚN DOANH NGHIỆP KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN NHẬN HỖ TRỢ
Để giúp các doanh nghiệp ứng phó với dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/ND-CP cho phép doanh nghiệp hoãn nộp thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động, sản xuất một số loại vật tư hoặc phải là doanh nghiệp vừa và nhỏ; và Nghị định 42/NQ-CP quy định cấp vốn không lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương nếu doanh nghiệp đã chi tối thiểu 50% lương cho người lao động tạm nghỉ trong giai đoạn tháng 4-6/2020.
Trong đợt khảo sát mới nhất, tỷ lệ các doanh nghiệp nhận được hỗ trợ tăng mạnh (10%) kể từ tháng 6. Trong đó, hình thức hỗ trợ chủ yếu mà các doanh nghiệp nhận được là giãn thời hạn nộp thuế và các khoản khác (17% số doanh nghiệp). Các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp ngành công nghiệp chế tạo dễ tiếp cận hơn với các chính sách hỗ trợ, còn doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp có tỉ lệ tiếp cận cao hơn hẳn.
Hai cản trở chính trong tiếp cận hỗ trợ của chính phủ là mức độ nhận biết về chương trình hỗ trợ này còn thấp và các thủ tục rườm rà kèm theo. Tuy nhiên, trong giai đoạn kể từ sau tháng 6, mức độ nhận biết của các doanh nghiệp đã có sự cải thiện.
Trong giai đoạn tháng 9-10, lý do chính khiến các doanh nghiệp ở mọi quy mô và lĩnh vực không nhận được hỗ trợ là không đủ điều kiện hưởng khi các tiêu chuẩn hưởng trong hai chương trình của chính phủ được đánh giá là tương đối hẹp.
Lý do chính khiến các doanh nghiệp không nhận được hỗ trợ là không đủ điều kiện hưởng - Nguồn: WB
|
Nhận định về tình hình thời gian tới, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng doanh số và việc làm sẽ giảm trong 6 tháng tới. Tính trung bình, các doanh nghiệp dự kiến doanh số sẽ giảm 11-51% và việc làm sẽ giảm 7-61% trong vòng 6 tháng tới. Các doanh nghiệp cỡ vừa có dự báo tiêu cực hơn so với các doanh nghiệp khác cả về doanh số (5%) và việc làm (11%).
Nhiều doanh nghiệp cũng tỏ vẻ bi quan hơn về viễn cảnh tăng trưởng trong tháng 9-10 và điều chỉnh phần nào dự báo của mình. Mặc dù doanh số có vẻ lạc quan hơn phần nào kể từ tháng 6 nhưng các doanh nghiệp vẫn có tâm lý bi quan về viễn cảnh 6 tháng tới.
Các doanh nghiệp hạ thấp dự báo trước đây của mình do doanh số thực tế giảm trong 3 tháng gần nhất. Trên thực tế, mức tăng trưởng tháng 9-10 thấp hơn nhiều so với dự kiến hồi tháng 6. Những doanh nghiệp tiếp tục bị giảm sút doanh số trong tháng gần đây nhất lại càng cảm thấy bi quan hơn.
WB kiến nghị cần tiếp tục theo dõi tình hình để hiểu rõ cách thức các doanh nghiệp Việt Nam hồi phục và tự điều chỉnh trong quá trình ứng phó đại dịch Covid-19. Ngân hàng này dự kiến thực hiện tiếp 3 đợt điều tra nữa trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2021.
BPS là sáng kiến toàn cầu của WB và các đối tác nhằm tìm hiểu tác động của đại dịch Covid-19 lên các doanh nghiệp tư nhân và được thực tại hơn 40 quốc gia. Khảo sát BPS giai đoạn tháng 9-10/2020 tại Việt Nam của WB được thực hiện với 501 doanh nghiệp tại 15 tỉnh, thành thuộc các nhóm quy mô khác nhau và thuộc 4 nhóm ngành nông nghiệp, công nghiệp chế tạo, bán buôn & bán lẻ, và dịch vụ khác.