VCG định hướng tăng vốn sau ngày lên HOSE
Hậu giai đoạn chuyển sàn niêm yết, VCG có ý định tăng vốn để phục vụ đầu tư dự án. Ông lớn ngành xây lắp cũng sẽ chú trọng phát triển thương hiệu để mở đường sâu hơn vào lĩnh vực bất động sản.
Ngày 23/12 vừa qua, buổi Roadshow trước thềm niêm yết cổ phiếu Tổng CTCP Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, OTC: VCG) đã được tổ chức.
VCG là nhà thầu xây lắp tại Việt Nam, với các công trình trọng điểm như Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn,… Vào ngày 29/12 sắp tới, gần 442 triệu cp VCG sẽ được giao dịch lần đầu tiên tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) với giá tham chiếu 41.8 ngàn đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường đạt gần 18.5 ngàn tỷ đồng.
Chủ tịch Đào Ngọc Thanh và Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Đông trong phần hỏi đáp tại buổi Roadshow chiều ngày 23/12 vừa qua. Ảnh: TV
|
Kiềng ba chân
Trong buổi Roadshow, Tổng Giám đốc VCG - ông Nguyễn Xuân Đông cũng có những chia sẻ về ngành xây dựng. Theo đó, doanh nghiệp trong ngành đối diện những tác động bởi Covid-19 và bão lũ trong năm nay. Cùng với đó, giá vật liệu tăng cao cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngành xây dựng.
|
Theo chia sẻ của Ban lãnh đạo VCG tại sự kiện, doanh nghiệp này đang triển khai xấp xỉ 15 ngàn tỷ đồng giá trị hợp đồng xây lắp. Giá trị hợp đồng xây lắp ký mới trong năm 2020 đạt gần 10 ngàn tỷ đồng, tập trung vào các dự án hạ tầng có vốn đầu tư công và vốn đầu tư nước ngoài. Hiện tại, xây lắp vẫn là mảng đóng góp lớn nhất trong kết quả kinh doanh của VCG.
Ngoài lĩnh vực xây lắp, VCG cũng tham gia đầu tư bất động sản. Theo Chủ tịch VCG - ông Đào Ngọc Thanh, tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của mảng này sẽ ngày càng được đẩy lên. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, VCG sẽ tập trung thúc đẩy thương hiệu để mở đường sâu hơn vào lĩnh vực phát triển bất động sản.
Hiện, VCG có quỹ đất 2,000 ha và tham gia trong phân khúc nhà ở dân dụng, các sản phẩm du lịch - nghỉ dưỡng cho đến hạ tầng khu công nghiệp. Mục tiêu của lãnh đạo VCG trong 5 năm tới là đưa doanh nghiệp chen chân vào nhóm 10 nhà đầu tư bất động sản lớn nhất nước.
Kiềng ba chân còn lại của VCG là các hoạt động đầu tư tài chính. Ông lớn này để mở khả năng thực hiện M&A, cũng như nâng tỷ lệ sở hữu để đảm bảo quyền chi phối điều hành đối với những công ty trong các ngành như năng lượng và nước sạch. Các đơn vị họat động thiếu hiệu quả hoặc không nằm trong chiến lược dài hạn cũng sẽ được xem xét thoái vốn.
Ngành năng lượng hiện đang là mảng đầu tư tài chính chủ đạo của VCG. Chủ tịch Thanh cho biết Công ty có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai các nhà máy thủy điện nhỏ.
Vết gợn dòng tiền
Cuối năm 2018, Công ty TNHH An Quý Hưng là tổ chức chiến thắng trong thương vụ đấu giá lô 254.9 triệu cp VCG mà SCIC sở hữu.
|
Tại sự kiện, Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Đông khẳng định rằng quan điểm quản trị tại VCG là tập trung vào năng lực cạnh tranh và dòng tiền. Dù vậy, diễn biến dòng tiền tại doanh nghiệp này có những vết gợn cần lưu ý trong những năm đầu (2019-2020) nằm dưới sự kiểm soát của ông chủ mới - An Quý Hưng.
Dòng tiền kinh doanh của VCG âm gần 1.5 ngàn tỷ đồng trong năm 2019, chủ yếu do các khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh. Điểm đáng chú ý là đến quý 3/2020, doanh nghiệp này cũng trích lập dự phòng trên 1.2 ngàn tỷ đồng liên quan đến các khoản phải thu ngắn hạn. VCG không đưa ra thuyết minh cụ thể đối với con số dự phòng kể trên tại BCTC quý 3.
Trở lại buổi Roadshow chiều ngày 23/12, Tổng Giám đốc VCG cho biết Công ty hiện vẫn có dòng tiền dồi dào. Nhờ đó, VCG có thể thực hiện mua lại lượng cổ phiếu quỹ lớn, giữa bối cảnh các dự án bất động sản vẫn chưa triển khai và cơ hội M&A chưa xuất hiện.
Sau khi niêm yết tại HOSE, VCG có định hướng triển khai tăng vốn. “Việc này liên quan đến câu chuyện đầu tư dự án. Trên cơ sở trúng thầu các dự án lớn thì cũng phải đảm bảo vốn chủ sở hữu để triển khai”, ông Đông chia sẻ tại sự kiện.
Thừa Vân
FILI
|