VCG bứt phá trong phiên chào sàn HOSE, ông lớn xây dựng - bất động sản chính thức bước sang chương mới
Cổ phiếu của Tổng CTCP Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX, HOSE: VCG) đã chính thức được niêm yết và giao dịch lần đầu tại HOSE, mở ra chương mới trong quá trình phát triển doanh nghiệp cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn từ giới đầu tư trong và ngoài nước.
Chủ tịch Vinaconex - ông Đào Ngọc Thanh đánh cồng khai trương niêm yết cổ phiếu VCG tại buổi lễ sáng ngày 29/12/2020 tại Sở GDCK TP HCM (HOSE). Ảnh: Vinaconex
|
Ngay trong ngày chào sàn 29/12/2020, cổ phiếu VCG bật tăng 8.1% lên mức 45,200 đồng/cp, tương ứng mức vốn hóa doanh nghiệp tiệm cận mốc 20,000 tỷ đồng. Tính đến 9h57 phiên sáng, 584,820 cp đã được khớp lệnh.
Tại Lễ khai trương niêm yết cổ phiếu VCG sáng ngày 29/12/2020, Chủ tịch HĐQT Vinaconex - ông Đào Ngọc Thanh chia sẻ: “Kể từ khi niêm yết cổ phiếu VCG trên Sở GDCK Hà Nội năm 2008 đến nay, Vinaconex luôn tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về quản trị doanh nghiệp đối với các công ty niêm yết. Việc chuyển sang niêm yết tại Sở GDCK TP Hồ Chí Minh là một sự kiện đặc biệt và là vinh dự lớn lao của Vinaconex, đánh dấu sự khởi đầu của chặng đường phát triển mới với tôn chỉ “Kế thừa Giá trị, Vững bước Vươn cao”.
“Vinaconex kỳ vọng sự kiện hôm nay sẽ mở ra cơ hội hợp tác, thu hút thêm nhiều nguồn vốn chiến lược đa dạng, dài hạn để tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển các dự án hiệu quả, mang lại lợi ích cho quý cổ đông, nhà đầu tư và người lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước”.
Vinaconex, tiền thân là Công ty dịch vụ và xây dựng nước ngoài trực thuộc Bộ Xây dựng, được thành lập từ năm 1988. Qua 32 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Vinaconex là một trong những thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản.
Riêng trong lĩnh vực xây dựng, Vinaconex tham gia thực hiện hàng trăm công trình dự án trọng điểm quốc gia như Đại lộ Thăng Long, Bảo tàng Hà Nội, sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, cầu Nhật Tân, Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, Tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Hệ thống thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt,… Hiện nay, Vinaconex đang triển khai hàng loạt dự án xây lắp quy mô lớn với giá trị khoảng 15,000 tỷ đồng.
Với lợi thế về vốn, năng lực, kinh nghiệp, đội ngũ nhân sự gần 15,000 người cùng hệ thống xe máy thiết bị đồng bộ, Vinaconex có lợi thế lớn trong việc tham gia đấu thầu các dự án hạ tầng quy mô lớn sử dụng vốn ngân sách, đặc biệt là các dự án thành phần thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam. Riêng trong năm 2020, Vinaconex đã ký mới gần 10,000 tỷ đồng giá trị hợp đồng xây lắp, trong đó mảng hạ tầng giao thông chiếm đến 70%. Trong thời gian tới, Vinaconex sẽ tiếp tục chú trọng phát triển các dự án hạ tầng có vốn đầu tư công và dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, với quỹ đất dự án hiện nay lên đến gần 2,000 ha, trải rộng trên cả 3 mảng: Nhà ở khu đô thị, bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, khu công nghiệp - công nghệ cao tại nhiều vùng miền trên cả nước, cùng với thương hiệu đã được khẳng định thông qua việc triển khai thành công nhiều dự án bất động sản lớn như khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Dự án No5 (Hà Nội), Vinaconex được kỳ vọng sẽ không chỉ duy trì mà còn sẵn sàng thiết lập vị thế mới trong thị trường bất động sản của cả nước.
Kế thừa giá trị, vững bước vươn cao
Kể từ cuối năm 2018, sau khi hoàn thành việc chuyển đổi từ doanh nghiệp do Nhà nước giữ cổ phần chi phối thành doanh nghiệp không còn vốn Nhà nước, Vinaconex bước vào giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ, toàn diện, từ định hướng, chiến lược phát triển đến công tác quản trị điều hành. Quan điểm quản trị của Vinaconex sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì nguồn lực tài chính ổn định, lành mạnh, Tổng Giám đốc Vinaconex - ông Nguyễn Xuân Đông chia sẻ tại sự kiện Roadshow trước thềm niêm yết vào chiều ngày 24/12 vừa qua.
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh trong giai đoạn tới, lãnh đạo Vinaconex đặt ra tầm nhìn phát triển ổn định - bền vững dựa trên ba lĩnh vực trụ cột, được ví như “kiềng ba chân” của doanh nghiệp, là xây lắp, bất động sản và đầu tư tài chính. Trong đó, mảng xây dựng và bất động sản sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 70% doanh thu lợi nhuận.
Đến năm 2025, Vinaconex hướng đến mục tiêu doanh thu 30,000 tỷ đồng, lợi nhuận 2,000 tỷ đồng, xác lập vững chắc vị thế Top 3 doanh nghiệp xây dựng, với quỹ đất dự án khoảng 5,000 ha. Hình thành được chuỗi các doanh nghiệp đầu tư tài chính trong các lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao và ổn định như năng lượng, sản xuất và kinh doanh nước sạch, giáo dục đào tạo, xuất khẩu lao động. Sự phát triển của mảng bất động sản và xây lắp, cùng với tính vững chắc của các khoản đầu tư tài chính được kỳ vọng tạo nên tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 15-25%, tỷ lệ cổ tức chi trả hàng năm đạt 12-20%.
Thừa Vân
FILI
|