Thứ Hai, 07/12/2020 09:19

Tranh cãi bổ sung thiết bị bán xăng dầu mini

Một điểm mới được bổ sung cũng là nội dung gây nhiều tranh cãi cho tới “phút cuối cùng”, dự thảo sửa đổi của Nghị định 83 năm 2014 đó là cho phép loại hình thiết bị bán xăng dầu mini được hoạt động.

Mối lo bán dạo xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến an toàn cháy nổ. ẢNH: CHÍ HIẾU

Bộ Công thương vừa lần thứ 2 trình lại Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, một điểm mới được bổ sung cũng là nội dung gây nhiều tranh cãi cho tới “phút cuối cùng”, đó là cho phép loại hình thiết bị bán xăng dầu mini được hoạt động.

Bộ Công thương nói cần, Bộ Công an nói không

Tại tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công thương cho biết để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho các địa bàn ít được các doanh nghiệp đầu tư cây xăng (do kém hiệu quả về kinh tế), dự thảo quy định các thiết bị này chỉ được bán ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, không được doanh nghiệp đầu tư cây xăng. Ở các vùng này, người dân thường tích trữ bằng can nhựa.

“Với việc tồn tại kiểu dự trữ hoặc dùng các thiết bị tự chế để bán xăng dầu nêu trên thực sự là một mối nguy lớn có thể dẫn đến cháy nổ, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Do đó, trên cơ sở kinh nghiệm bán xăng dầu tại một số TP ở các nước lân cận như Thái Lan, Hàn Quốc, Bộ Công thương đề xuất cho phép các thiết bị bán xăng dầu mini được lắp đặt và bán hàng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa”, tờ trình đề nghị.

Theo khảo sát của Bộ Công thương, các thiết bị bán xăng dầu mini có ưu điểm với mức đong tối thiểu là 0,5 lít, cấp chính xác là 0,5% nên người tiêu dùng có thể mua xăng ở mức tối thiểu là 0,5 lít, phù hợp với nhu cầu của người dân tại các vùng khó khăn (hiện tại nếu người tiêu dùng mua xăng tại các cửa hàng xăng dầu thì phải mua tối thiểu 2 lít trở lên).

Tuy nhiên, đề xuất này lại vấp phải phản đối mạnh từ phía Bộ Công an. Theo cơ quan này, dự thảo bổ sung loại hình “phương tiện bán xăng dầu mini được hoạt động tại các địa bàn không được doanh nghiệp đầu tư cửa hàng xăng dầu” nhưng trong đó không giới hạn phạm vi, số lượng phương tiện, không quy định khoảng cách an toàn đến khu vực xung quanh, chưa quy định về trang bị chữa cháy.

“Nếu trên một số địa bàn có nhiều phương tiện bán xăng dầu mini cùng hoạt động thì tiềm ẩn yếu tố mất an toàn. Hơn nữa, phương tiện bán xăng dầu mini dễ bị các phần tử xấu lợi dụng để tấn công khủng bố, nhất là các mục tiêu bảo vệ hoặc địa điểm nhạy cảm về chính trị”, Bộ Công an nêu quan điểm.

“Bán dạo thì biết lúc nào bán lúc nào không mà mua”?

Trong góp ý gửi lên Thủ tướng, ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, người có kinh nghiệm hơn 10 năm điều hành xăng dầu, lo ngại việc đưa ra thêm loại hình phương tiện bán xăng dầu mini được hiểu như bán dạo ở các tỉnh thành (dù dự thảo có nêu bán trên vùng đặc biệt khó khăn) có khả năng ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu, có nguy cơ tiềm ẩn cao dẫn tới tình trạng tiêu thụ xăng dầu không có nguồn gốc xuất xứ, tiếp tay cho việc thẩm lậu xăng dầu qua biên giới.

Hơn nữa, vị này nhấn mạnh, tờ trình lý giải việc đưa ra quy định về cho phép sử dụng thiết bị bán xăng dầu mini tại địa bàn vùng sâu, vùng xa nhằm tránh hiện tượng người dân mua tích trữ vào can nhựa là “chưa thuyết phục”. “Bán xăng dầu bằng thiết bị bán xăng dầu mini tức là bán dạo xăng dầu. Đã là bán dạo thì nay đây mai đó, người dân biết ngày nào quay lại? Do đó, hiện tượng người dân mua tích trữ xăng dầu vào can nhựa vẫn tiếp tục xảy ra”, ông An lập luận và đề nghị: Nên chăng, dùng chính sách ưu đãi, như ưu đãi đầu tư, đất đai, thuế, phí... tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu cố định, phục vụ nhu cầu của người dân, tạo thêm điều kiện cho phát triển kinh tế địa phương vùng sâu, vùng xa, nơi còn nhiều khó khăn.

Đại diện một doanh nghiệp lớn cũng không mấy mặn mà. Ông này cho hay Thông tư số 15 do Bộ Công thương ban hành hồi giữa năm về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu (có hiệu lực từ ngày 1.1.2021) không thấy đề cập đến quy chuẩn cho loại cửa hàng xăng dầu mini này. Do vậy, nếu bổ sung quy định này trong khi không có quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn thì rất dễ mất an toàn, dẫn tới nguy cơ cháy nổ, công tác bảo vệ môi trường, phòng chống sự cố tràn dầu. Đó là chưa kể việc không có quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng dễ dẫn đến cơ chế xin cho.

Trước những ý kiến lo ngại, Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công thương chủ trì rà soát, giải trình cụ thể, báo cáo lại Chính phủ trong tháng 12.2020.

Cả nước đã có khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và sẽ tăng theo thời gian, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, do đó không cần thiết bổ sung thêm loại hình phương tiện bán xăng dầu mini.

Bộ Công an

Tại các khu vực không có cửa hàng xăng dầu phục vụ người dân trong khoảng cách gần nên hiện tại người dân thường mua tích trữ vào các can nhựa và để trong nhà; hoặc cửa hàng bán đồ tạp hóa ở mặt đường có sử dụng thiết bị tự chế để bán xăng dầu quy mô nhỏ như bình chứa khoảng 20 lít.

Bộ Công thương

Chí Hiếu

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Đầu tư Forex nở rộ dù không được công nhận (03/12/2020)

>   Ám ảnh bóng ma đa cấp thời 4.0: Những màn kịch đầu tư forex (01/12/2020)

>   Ám ảnh bóng ma đa cấp thời 4.0: Tôi đi làm nhân viên môi giới Forex (01/12/2020)

>   10 thương hiệu đình đám đã biến mất (24/11/2020)

>   Đề xuất kiểm tra 5 doanh nghiệp có dấu hiệu 'đa cấp không phép' (12/11/2020)

>   Người kiếm tiền online thu nhập khủng, đóng thuế bèo (03/11/2020)

>   Kiếm 2,5 triệu bảng nhờ đại dịch (27/10/2020)

>   Hàng Việt nào có thể bán tốt trên sàn Amazon? (22/10/2020)

>   Kinh doanh ẩm thực đua trả mặt bằng (20/10/2020)

>   Chợ truyền thống đuối sức (18/10/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật