SJS thất hứa cổ tức với cổ đông lần thứ sáu, cổ phiếu vẫn bay cao
Trên sàn chứng khoán “năm Covid-19”, hoãn cổ tức có vẻ không còn là mối bận tâm của nhà đầu tư. Cổ phiếu của doanh nghiệp sáu lần thất hứa cổ tức 2016-2017 vẫn lầm lũi tăng giá trên HOSE.
Cơ sở nào cho việc SJS bay cao?
Diễn biến thị giá cổ phiếu trong năm 2020. Đvt: Đồng/cp
|
Ngày 07/12 vừa qua, HĐQT CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (HOSE: SJS) đã thống nhất sẽ thay đổi thời gian Công ty thực hiện chi trả cổ tức cho năm 2016 và 2017. Theo đó, thời gian thanh toán sẽ được thay đổi từ ngày 31/12/2020 sang 31/12/2021.
Sự trì trệ của SJS trong việc trả cổ tức là điều mà cổ đông doanh nghiệp phải chịu đựng trong những năm qua. Vào giữa năm 2019, Sở GDCK TP HCM (HOSE) thậm chí đã nhắc nhở và đề nghị Công ty giải trình về nguồn tiền để chi trả cổ tức cho năm 2016 và 2017. Thời điểm đó, SJS cho biết nguồn tiền dùng để trả cổ tức bị thiếu hụt do các đối tác chậm trễ thanh toán, liên quan đến dự án Nam An Khánh và các dự án khác.
Trong Nghị quyết ngày 07/12 mới đây, Ban lãnh đạo SJS không giải thích lý do cho việc trì hoãn cũng như phương án để có thể giữ đúng hẹn trả cổ tức với cổ đông vào cuối năm 2021. HĐQT chỉ cho biết sẽ xem xét thanh toán cổ tức 2016 và 2017 sớm hơn trong trường hợp thu xếp được nguồn tiền.
Điều đáng chú ý là cổ phiếu của doanh nghiệp thất hứa cổ tức 2016-2017 đến lần thứ sáu này lại đang bay cao trên sàn chứng khoán, hòa cùng với xu hướng tăng điểm của thị trường chung. Trong năm 2020 tính đến 08/12, cổ phiếu SJS đã tăng gần 62%.
Về mặt kết quả kinh doanh, suốt từ 2016-2020, SJS chưa từng ghi nhận quý thua lỗ nào. Tổng lợi nhuận ròng báo cáo của Công ty trong cả giai đoạn là gần 555 tỷ đồng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những con số doanh thu và lợi nhuận của SJS không hề tương xứng với quy mô vốn và tổng tài sản, đồng thời, hiệu quả sinh lời của doanh nghiệp cũng liên tục suy giảm trong những năm qua.
Hiệu quả sinh lời của SJS ngày càng suy giảm
Chỉ tiêu vốn chủ sở hữu vào tổng tài sản được lấy vào cuối kỳ. Nguồn: VietstockFinance
|
Điểm đáng chú ý nhất tại bảng cân đối của SJS là khoản mục hàng tồn kho và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn hàng ngàn tỷ đồng liên quan đến các dự án. Trong đó, hàng tồn kho tại dự án khu đô thị Nam An Khánh luôn nằm ở mức trên 3 ngàn tỷ đồng suốt từ cuối 2017 đến cuối quý 3/2020. Xấp xỉ 2 ngàn tỷ đồng chi phí dở dang dài hạn, chủ yếu tại các dự án Hòa Hải - Đà Nẵng, Văn La - Văn Khê, Tiến Xuân, Nam An Khánh mở rộng cũng “đứng hình” trong cùng khoảng thời gian.
Tính đến cuối quý 3/2020, SJS chỉ có gần 58 tỷ đồng tiền, tương đương tiền trên tổng tài sản gần 7.05 ngàn tỷ đồng.
Thừa Vân
FILI
|