Phát triển Prop-tech tại Việt Nam: Cần thiết nhưng… chưa đủ!
Trong vài năm trở lại đây, khái niệm Prop-tech (Property Technology) - công nghệ trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) đã không còn xa lạ với các chủ đầu tư và khách hàng tại Việt Nam. Hoạt động ứng dụng công nghệ vào kinh doanh bất động sản là rất cần thiết trong thời đại 4.0 hiện nay. Tỷ lệ người dùng internet tại Việt Nam tăng cao theo từng năm với hơn 68 triệu người dùng chiếm gần 73% dân số cả nước. Đã có lúc, nhiều chuyên gia công nghệ dự đoán “Prop-tech sẽ thay thế và xóa sổ nghề môi giới bất động sản tại Việt Nam trong tương lai”. Liệu rằng, Prop-tech có đủ “thực lực” để thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng tại Việt Nam giống như cách mà Google, Facebook hay Uber đã làm? Phải chăng, chúng ta đã quá kỳ vọng vào công nghệ?
Ảnh minh họa
|
Prop-tech: Chủ đạo hay bổ trợ hoạt động kinh doanh?
Không thể phủ nhận những thành quả tích cực mà Prop-tech mang lại cho thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và ngành kinh doanh địa ốc nói riêng. Họ đã tạo nên những thành công nhất định, tích cực thay đổi thói quen tiêu dùng khách hàng Việt. Từ 12 năm trước, batdongsan.com.vn bắt đầu với mô hình rao vặt bất động sản và là một trong các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này. Cùng với lãi gộp của mô hình rao vặt thường lên đến 50% đã giúp batdongsan.com.vn thu hút được nhà đầu tư. Phần lớn nguồn thu của các sàn mô hình như batdongsan.com.vn đến từ thu phí đăng tin của người dùng, còn lại là phí quảng cáo banner, bài quảng cáo…
Vài năm trở lại đây, Chợ tốt và Homedy lần lượt tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam và cũng đã đạt được những thành công vượt bậc bên cạnh sự “hậu thuẫn” của các Qũy đầu tư nước ngoài. Hiện nay, Homedy đang nằm trong top 3 những website bất động sản có lượt truy cập cao nhất ở Việt Nam. Không kém cạnh về phía Chợ tốt, kể từ khi sáp nhập vào Telenor hồi năm ngoái, đơn vị này đã đưa bất động sản trở thành một trong các mảng chiến lược tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của ấn phẩm báo truyền thống “Mua Bán” tham gia vào cuộc đua tranh thị phần Prop-tech tại Việt Nam. Gần đây, hầu hết các trang đăng tin kể trên đều có thu phí người dùng và xem như đây là nguồn thu đáng kể và chủ yếu.
Nhóm thứ hai, tham vọng hơn, định nghĩa mình là công ty môi giới tích hợp công nghệ với các đại diện như Rever, Propzy, Hoozing… cùng với sự xuất hiện của Big Data và AI giúp hình thành rất nhiều trung tâm lưu trữ các giao dịch bất động sản. Mục tiêu của nhóm này là tương tác chính xác với khách hàng và rút ngắn thời gian giao dịch của các căn hộ, xa hơn trong 5 năm tới, kỳ vọng tạo ra nhiều giao dịch thành công tương đương với các sàn môi giới truyền thống nhưng với lượng nhân sự thấp hơn ít nhất là 5 lần. Tính đến thời điểm hiện tại, Propzy đã nhận được 2 triệu USD đầu tư từ Frontier Digital Ventures (Malaysia), còn Rever cũng xác nhận đã có các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực internet tham gia. Hiện nay, họ đã “bắt tay” cùng các doanh nghiệp Fintech nhằm hỗ trợ khách hàng thuận tiện hơn trong các giao dịch tài chính trong kinh doanh bất động sản.
Thị trường Proptech được kỳ vọng sẽ thay đổi “hành vi tiêu dùng” của người Việt trong tương lai gần khi mà hầu hết người dân Việt đều sử dụng internet và mạng xã hội thường xuyên hơn. Có thể nói, Prop-tech và xu hướng tất yếu cho sự phát triển không ngừng của công cuộc “cách mạng công nghiệp 4.0”… Tuy nhiên, để thực hiện hóa “kỳ vọng” ấy là một chặng đường còn đang rất dài và cần một chiến lược đồng bộ. Bởi hiện nay, lực lượng môi giới truyền thống mới chính là “yếu tố” ảnh hưởng sâu sắc đến quyết định chọn mua sản phẩm của khách hàng và nhà đầu tư. Không có máy móc nào, công nghệ nào có thể thay thế “con người” – cụ thể là nhân viên môi giới trong hoạt động kinh doanh Bất động sản. Nói một cách dễ hiểu, Prop-tech là công cụ hỗ trợ kinh doanh cần thiết cho thị trường bất động sản tại Việt Nam hoàn toàn không khả năng “thay thế” nhân viên môi giới chuyên nghiệp.
Nâng cao chất lượng môi giới: Không hô hào, phải hành động
Đã có thời gian, người ta kỳ vọng vào Prop-tech sẽ phát triển cực thịnh để trở thành “Uber Bất động sản”. Các Quỹ đầu tư nước ngoài và các Start-up Việt không ngừng “vung tiền” vào lĩnh vực non trẻ và đầy tiềm năng phát triển này. Dường như, họ đã và đang quá kỳ vọng vào công nghệ mà không phân tích kỹ môi trường kinh doanh bất động sản tại Việt Nam: Pháp lý, tâm lý tiêu dùng, đặc trưng, tập quán vùng miền và các nhân tố ngoại tác quan ảnh hưởng hành vi mua/bán sản phẩm của các khách hàng và nhà đầu tư…vv… Nói rằng, Prop-tech hoạt động tương tự như Uber sẽ “kết nối” trực tiếp người mua và người bán mà bỏ qua “môi giới bất động sản”- khâu trung gian là một cách hiểu rất sai lầm và nguy hại.
Nếu như, Uber thành công khi kết nối trực tiếp khách hàng với người cung cấp dịch vụ thông qua App thì Prop-tech rất khó làm nên câu chuyện đó ngay cả khi phát triển thành công Big Data hay công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Đó là, người cung cấp dịch vụ thông thường là “môi giới” các doanh nghiệp phân phối hoặc môi giới tự do chứ không hoàn toàn là nhân viên kinh doanh của chủ đầu tư. Môi giới thì “muôn hình, vạn trạng” nên cũng rất khó xuất hiện giao dịch thành công khi khách hàng tiếp cận dự án thông qua các phương tiện công nghệ. Đôi khi, khách hàng mất niềm tin vào Prop-tech khi gặp phải những nhân viên môi giới thiếu chuyên nghiệp, đăng tin và tư vấn sai sự thật.
Các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin “cảnh báo” các nhà đầu tư nên thận trọng với các thông tin: nhà, đất giá rẻ “cực sốc”, tin bài của các môi giới đăng tràn lan trên mạng xã hội và các trang mua bán Bất động sản khác mô tả sai sự thật về thực tế sản phẩm, tư vấn lừa dối khách hàng về pháp lý dự án…vv… Mặc khác, hiện nay đã xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh địa ốc lừa đảo và bất lương đã tận dụng triệt để công nghệ trong hoạt động kinh doanh bất động sản nhằm tiếp cận và lôi kéo khách hàng bằng mọi giá với mục đích cuối cùng là bán bằng được sản phẩm.
Để nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên môi giới bất động sản, chúng ta cần phải tập trung đào tạo trọng tâm vào hai (02) cái thiếu chủ đạo: Thiếu đạo đức nghề nghiệp và thiếu kiến thức về bất động sản. Nên chăng, khi bắt buộc các nhân viên môi giới phải là hội viên của Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam và khách hàng chỉ làm việc với các nhân viên môi giới có thẻ hội viên? Nếu, nhân viên môi giới “thiếu đạo đức nghề nghiệp” Hiệp hội sẽ tước thẻ hội viên từ 03 tháng đến 03 năm.
Ngoài ra, Hiệp hội doanh nghiệp bất động sản bắt buộc các doanh nghiệp thành viên phải đào tạo kiến thức cho nhân viên môi giới ít nhất 01 tháng/lần theo “khung giáo trình” của Hiệp hội và doanh nghiệp được phép cấp chứng nhận đào tạo kiến thức nội bộ tại chổ cho nhân viên trực thuộc. Một khi, nhân viên môi giới bất động sản tại Việt Nam được chuẩn hóa kiến thức và trau dồi đạo đức nghề nghiệp tốt thì Prop-tech mới có cơ hội chiếm được niềm tin của khách hàng và dần thay đổi được hành vi tiêu dùng như cách của Uber Taxi thành công trước Taxi truyền thống trên toàn thế giới…
Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu – Phó chủ tịch Hanita Master Group
FILI
|