Nhà đầu tư nội đẩy thị giá FRT bay cao bất chấp khối ngoại tháo chạy
Việc có được nhà đầu tư nước ngoài ưa thích hay không dường như chẳng còn quan trọng đối với diễn biến thị giá của cổ phiếu trong năm 2020.
Ngày 17/12 vừa qua, nhóm quỹ được quản lý bởi Dragon Capital công bố thông tin đã bán 1.64 triệu cp của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HOSE: FRT), qua đó hạ tỷ lệ sở hữu tại đây từ 5.2% xuống còn 3.1%. Như vậy, nhóm quỹ này không còn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp, sau một loạt lệnh bán kéo dài từ giữa tháng 11.
Động thái bán ra hơn 8 triệu cp FRT của nhóm Dragon Capital trong khoảng 1 tháng qua diễn ra giữa làn sóng tháo chạy của cổ đông ngoại tại FPT Retail.
Năm nay là khoảng thời gian thị trường chứng khoán đối diện dòng rút vốn liên tục của nhà đầu tư nước ngoài, với giá trị bán ròng gần 13 ngàn tỷ đồng tính đến kết phiên sáng 18/12. Trong đó, giá trị bán ròng của khối ngoại với riêng FRT gần 484 tỷ đồng, con số lớn với một cổ phiếu quy mô vốn hóa tầm trung.
Biến động phức tạp của thị trường tài chính giữa đại dịch Covid-19 thôi thúc giới đầu tư ngoại quốc tái cơ cấu danh mục, trong lúc đó, họ cũng chứng kiến Covid-19 tác động đến việc làm ăn của FPT Retail. Doanh thu thuần 9 tháng của hãng sụt gần 14% so với cùng kỳ năm trước, hai quý kinh doanh gần nhất đều ghi nhận thua lỗ.
Bên ngoài một cửa hàng F.Studio - bán các sản phẩm thương hiệu Apple - của FPT Retail.
|
Ngay cả trước khi đại dịch thế kỷ xuất hiện, FPT Retail đã loay hoay trên con đường tìm kiếm tăng trưởng, khi mảng kinh doanh chủ chốt là điện thoại di động dần bão hòa. Doanh nghiệp được dẫn dắt bởi nữ Chủ tịch Nguyễn Bạch Điệp đã thử kinh doanh thêm không ít dòng sản phẩm mới như điện máy, mắt kính, đồng hồ,… nhưng đều chưa tạo được thành công đáng chú ý và bị đánh giá là đi sau so với đối thủ.
Mũi nhọn tăng trưởng tương lai của FPT Retail là chuỗi nhà thuốc Long Châu. Trong lần chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào cuối tháng 5/2020, Ban lãnh đạo Công ty cho biết đã tìm ra công thức để phát triển mảng kinh doanh dược phẩm, nhưng trước mắt vẫn phải chịu những chi phí trong quá trình mở rộng ban đầu của chuỗi nhà thuốc.
Khối ngoại tỏ ra không hứng thú với tương lai đó. FRT từ một cổ phiếu gần kín room ngoại giờ trở thành món hàng bị nhà đầu tư nước ngoài xa lánh dần. Trong năm 2020 tính đến ngày 18/12, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại hãng bán lẻ thiết bị công nghệ này giảm từ mức 47.6% xuống còn 22.9%.
Tuy nhiên, diễn biến thị giá FRT lại cho thấy bộ mặt hoàn toàn khác. Nhà đầu tư nội địa hấp thụ nguồn cung từ bên bán nước ngoài và đẩy cổ phiếu lên những mức giá ngày càng cao. Hòa cùng đà tăng của toàn thị trường, FRT tăng giá đến 167% kể từ khi chạm đáy vào cuối tháng 3, với thanh khoản dồi dào. Trong tháng mà nhóm Dragon Capital liên tục bán mạnh cổ phiếu, FRT tăng giá 27%.
BỨT PHÁ
Thị giá FRT tăng vọt với thanh khoản đột biến kể từ giữa tháng 11
|
Thừa Vân
FILI
|