Thứ Năm, 03/12/2020 14:17

Lật tẩy trò lừa “nhận thưởng” trên Mobile Banking để chiếm đoạt tiền

Một thủ đoạn lừa đảo mới nhằm đánh cắp thông tin của khách hàng rồi chiếm đoạt tiền vừa được ngân hàng cảnh báo.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa phát đi cảnh báo khách hàng trước những thủ đoạn mới nhằm đánh cắp thông tin, tiền... qua trang điện tử giả mạo.

Theo Agribank, bên cạnh thủ đoạn phổ biến như gửi tin nhắn SMS, Zalo, Facebook… gần đây, kẻ gian còn nhắn tin thông báo trúng thưởng, lấy tên chương trình trùng với những chương trình khuyến mại của Agribank kèm đường link yêu cầu khách hàng truy cập, đăng nhập để "lĩnh thưởng".

"Thủ đoạn này tinh vi ở chỗ, các website được kẻ gian gửi tới cho khách hàng có giao diện gần giống với website, ứng dụng Agribank E-Mobile và Internet banking chính thức của Agribank, khiến người dùng rất khó phân biệt" – đại diện Agribank nói.

Lật tẩy trò lừa “nhận thưởng” trên Mobile Banking để chiếm đoạt tiền - Ảnh 1.
Trang web mạo danh Agribank để lừa chiếm đoạt thông tin, tiền của khách hàng. Ảnh: Lam Giang

Đường link giả mạo yêu cầu khách hàng đăng nhập tên, mật khẩu truy cập ứng dụng Agribank E-Mobile Banking, Internet Banking để nhận được quà. Tuy nhiên, sau khi xác nhận tên mật khẩu đăng nhập và mã OTP, khách hàng không nhận được quà mà còn bị mất tiền trong tài khoản.

Do đó, để tránh mất tiền oan, Agribank khuyến cáo khách hàng không nhập mật khẩu đăng nhập, mã OTP trên các trang mạng hoặc đường link không rõ nguồn gốc; không cung cấp thông tin bảo mật Agribank E-Mobile Baking, Agribank Internet Banking… cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng hoặc yêu cầu từ email, SMS, mạng xã hội…

Ngân hàng này cũng khuyến cáo khách hàng không cung cấp thông tin, đưa thông tin giao dịch lên mạng, đặc biệt là những giao dịch online vì sẽ tạo điều kiện cho kẻ lừa đảo; không thực hiện giao dịch trên các thiết bị công cộng vì tiềm ẩn rủi ro cao hay lưu thông tin tự động đăng nhập ngân hàng điện tử tại bất kỳ đâu.

Agribank khẳng định không bao giờ gửi đường link, tin nhắn bằng bất kỳ hình thức nào hoặc liên hệ khách hàng để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin đăng nhập dịch vụ, mã xác thực giao dịch hoặc bất kỳ thông tin cá nhân nào dưới mọi hình thức. Vì vậy, những yêu cầu cung cấp thông tin như trên (nếu có) đều là giả mạo.

Mới đây, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng liên tục cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo của kẻ gian nhằm đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tiền của khách hàng.

VPBank, PVcomBank, CB Bank… đều khuyến cáo về thủ đoạn kẻ gian làm thẻ tín dụng giả mạo thương hiệu các ngân hàng, chuyển phát theo đường bưu điện đến địa chỉ khách hàng và gọi điện, yêu cầu đóng phí bảo hiểm thẻ. Các khoản tiền phí từ 300.000 đồng đến khoảng 1,65 triệu đồng được kẻ gian yêu cầu khách hàng đóng để được nhận thẻ tín dụng giả, thẻ khách hàng thân thiết giả… Chỉ đến khi khách hàng đóng tiền xong, mới biết các loại thẻ này không thể sử dụng được.

Theo Eximbank, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ ngân hàng hiện đại, tội phạm công nghệ cao đang có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và hình thức. Do đó, ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật cá nhân liên quan đến số thẻ, ngày hết hạn thẻ, số CVV2, mã OTP, mã PIN, mật khẩu đăng nhập Internet Banking/Mobile Banking… cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ hình thức nào.

Đồng thời, không mở, tải về các tập tin hay truy cập vào các đường link gửi kèm trong email/tin nhắn chứa thông tin không rõ nguồn gốc. Các email/tin nhắn chứa mã độc thường được ngụy trang dưới dạng tệp dữ liệu định dạng ".pdf", ".mp4", ".doc", ".docx", ".exe" hay link giả dạng tin tức…

Thái Phương

Người lao động

Các tin tức khác

>   Giá USD thấp nhất trong gần 3 năm (03/12/2020)

>   Cuối năm, tín dụng đen lại 'cắt cổ' người vay (03/12/2020)

>   Cổ phiếu ngân hàng chuyển động ra sao trong tháng 11? (03/12/2020)

>   NHNN cảnh báo các nhà đầu tư tham gia sàn Forex bất hợp pháp (03/12/2020)

>   ACB sẽ chính thức chào sàn HOSE vào ngày 09/12, giá tham chiếu 26,400 đồng/cp (02/12/2020)

>   TPBank chưa phân phối hết cổ phiếu ESOP năm 2020 (02/12/2020)

>   NCB tài trợ tín dụng khách hàng cá nhân mua dự án của Novaland (02/12/2020)

>   HDBank đã phân phối 338 triệu cp trả cổ tức năm 2019 đợt 2 (02/12/2020)

>   DATC sẽ đấu giá trọn lô 4 triệu cp MSB với giá khởi điểm hơn 52 tỷ đồng (02/12/2020)

>   Chủ tài khoản ngân hàng hoang mang (02/12/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật