Không cải cách khó đạt tăng trưởng 6% năm 2021
Phát biểu tại Toạ đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 sáng 25/12, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, để đạt được những mục tiêu cao hơn đối với tăng trưởng kinh tế, cần phải có cải cách, cải cách mang tính nền tảng số.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM)
|
Ví dụ, nông nghiệp muốn thay đổi nhưng Luật đất đai không thay đổi, Nhà nước vẫn quản lý mục đích sử dụng đất như hiện nay thì thật khó cải cách, khó thay đổi được. Hiện tại chúng ta không chỉ nên coi đất đai là công cụ sản xuất mà phải coi đó là tài sản, với các lĩnh vực khác cũng vậy.
Hiện nay thị trường đang tiến lên, nếu Nhà nước không thay đổi thì thị trường không thể tiến được. “Những thứ cải cách hết sức căn bản nếu không thay đổi thì khó có thể có được tăng trưởng kinh tế 5-6%”, ông Cung nói.
Mục tiêu kinh tế năm 2021, theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, ngoài cải cách thì cần ưu tiên phục hồi kinh tế. Chúng ta cần đẩy nhanh tốc độ phục hồi hơn nữa. Nhà nước nên có chính sách khuyến khích chứ không phải chỉ là chính sách hỗ trợ. Hiện tại, chúng ta cần khuyến khích doanh nghiệp mới, ngành nghề mới xuất hiện nhiều hơn nữa chứ không chỉ cứu những doanh nghiệp đã chết. Bởi cứu những doanh nghiệp này sẽ tốn kém hơn rất nhiều.
“Trong bối cảnh kinh tế này, chúng ta nên có chính sách khuyến khích yếu tố mới chứ không phải chính sách hỗ trợ”, ông Cung khẳng định và thêm rằng, từ nhiều năm nay, mục tiêu tăng trưởng đưa ra đều đạt được. Kinh nghiệm cho thấy chắc chắn sẽ đạt được.
Thậm chí, theo ông Cung, đưa ra mức tăng trưởng của kinh tế chỉ 6-7% thì hơi thấp cần nâng 8-9%. “Đặt mục tiêu đủ cao để phấn đấu, để các nhà lãnh đạo để có trách nhiệm hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung đặt mục tiêu.
Cùng góc nhìn lạc quan, ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công Thương), cho rằng kinh tế Việt Nam năm 2021 có nhiều cơ hội để phát triển. Việc 14/16 FTA chính thức có hiệu lực, mở ra thị trường xuất khẩu lớn, đặc biệt cho mặt hàng nông sản. 59 dòng thuế giảm xuống mức 0, chủ yếu là các dòng thuế xuất khẩu, tạo điều kiện đặc biệt cho xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế này, Chính phủ cần vào cuộc tạo điều kiện tối ưu cho người nông dân. Ví dụ, với mặt hàng cây gỗ, gỗ tạo ra hiệu quả kinh tế lớn nhất là gỗ trên 7-8 tuổi nhưng người dân hiện chủ yếu khai thác gỗ ở độ tuổi 4-5 năm, không tạo ra hiệu quả kinh tế và giá trị tối ưu. Do đó, nhà nước cần kéo dài chu kỳ vay vốn hoặc có biện pháp hỗ trợ để người dân không chặt gỗ sớm, tạo ra giá trị cao hơn.
Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa dự đoán năm 2021 là một năm đầy khó khăn, không có gì kỳ vọng lớn đối với nền kinh tế, chúng ta nên đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế khiếm tốn ở mức 5%.
Vị chuyên gia này cho rằng, chúng ta đang sống theo kiểu “thân ai người ấy lo”, hàng hoá không có kết nối, không có đầu ra, các doanh nghiệp Việt Nam không chịu liên kết với nhau.
“Do đó, cần phải kết nối, các doanh nghiệp nội phải liên kết với nhau, kết nối với nhà sản xuất và người tiêu dùng để cùng vực dậy nền kinh tế. Hơn hết cả là chúng ta cần làm rõ việc thâu tóm tài nguyên, các doanh nghiệp đang ngày đêm ra sức thâu tóm tài nguyên đất nước”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa bày tỏ quan điểm.
Góp ý về việc thay đổi công nghệ số để phát triển nền kinh tế, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, chúng ta cần phục hồi các công ty số hoá Việt Nam, vì công nghệ số có vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất kinh doanh, bán hàng. Một số ngân hàng thực hiện chuyển đối số nhưng lại đều hợp tác với doanh nghiệp số của nước ngoài. Tuy nhiên, dịch Covid-19 các doanh nghiệp này không vào được Việt Nam nên các ngân hàng phải hợp tác với các doanh nghiệp nội.
"Hiện, công ty số hoá nước ngoài rất muốn vào Việt Nam, nếu để họ vào thì các doanh nghiệp nội của chúng ta sẽ chết hết", ông Nghĩa nói.
KIỀU LINH
VnEconomy
|