Giá gạo Việt xuất khẩu đang tốt nhất trong lịch sử
Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đã và đang chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao, đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tháng 11 tăng hơn 16% so cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo trong năm nay, xuất khẩu gạo cán đích 6 triệu tấn. ẢNH: HUỲNH THANH PHONG - ĐỒ HỌA: ĐÔNG XUÂN DU
|
Cao hơn Thái Lan, Ấn Độ…
Theo báo cáo tình hình sản xuất và thương mại hết tháng 11 của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), đa số các mặt hàng xuất khẩu nông, thủy sản trong tháng 11 đều tăng tốt. Đặc biệt, gạo là một trong những mặt hàng nông sản có kim ngạch lẫn giá xuất khẩu đều tăng mạnh. Bình quân giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 534 USD/tấn, tăng 1% so với tháng 10 và tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 11 tháng của năm, gạo cũng là mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhất, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, giá bình quân lên đến 496 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thị trường gạo châu Á bắt đầu nóng trở lại khi loạt khách hàng rất tiềm năng đang ráo riết tăng mua vào, đặc biệt là các thị trường Trung Quốc, Bangladesh, Philippines... Trong đó, Trung Quốc đang tích cực chào mua gạo từ các thị trường cung cấp lớn như Pakistan, Thái Lan và Việt Nam; Malaysia và Indonesia cũng tăng mua gạo của Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ. Bangladesh thông báo từ ngày 26.11 - 10.12 mở thầu quốc tế để mua 50.000 tấn gạo và để ngỏ khả năng sẽ mua thêm 250.000 tấn, nhằm giúp “hạ nhiệt” thị trường gạo của nước này sau khi nguồn cung nội địa cạn kiệt vì thiên tai liên tiếp. Đây là lần đấu thầu nhập khẩu gạo đầu tiên của Bangladesh trong 3 năm trở lại đây.
|
Ngoài nhu cầu dự trữ gạo của các quốc gia do dịch bệnh Covid-19, theo Bộ Công thương, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng do chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tăng mạnh tại các mặt hàng gạo thơm, cao cấp hơn. Từ giữa tháng 7 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vượt Thái Lan, Ấn Độ để vươn lên dẫn đầu thế giới. Cập nhật đến ngày 7.12, trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo trắng 5% tấm của Việt Nam dao động ở mức 493 - 497 USD/tấn, cao hơn so với các nhà cung cấp khác trong khu vực như gạo Thái Lan có giá từ 475 - 485 USD/tấn, gạo Ấn Độ từ 366 - 370 USD/tấn.
Giá gạo Việt Nam đang cạnh tranh tốt với gạo Thái, đặc biệt các vị trí nhất, nhì thế giới của gạo Việt Nam với giống ST25 đã nâng giá trị thương hiệu gạo Việt lên cao hơn
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam
|
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, một trong những doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo thơm có số lượng lớn cũng xác nhận giá gạo xuất khẩu đang “tăng tốt”. Giá gạo thơm của Trung An xuất khẩu đi các thị trường châu Âu có giá từ 970 - 980 USD/tấn, xuất sang Malaysia cũng trên 700 USD/tấn. Ông nói: “So với năm trước, sản lượng xuất khẩu năm nay không bằng do bị ảnh hưởng thiên tai, hạn mặn. Tuy nhiên, giá xuất khẩu tăng giúp kim ngạch xuất khẩu gạo của DN không giảm. Hiện chúng tôi xuất khẩu gạo với thương hiệu Trung An Rice sang Pháp rồi, thị trường Đức thì đang đàm phán. Thực tế, Việt Nam luôn trong tình trạng cần xuất khẩu gạo chứ không phải ở thế không cần bán, nên mọi đàm phán phải thuận mua vừa bán. Qua tiếp xúc nhiều với các nhà nhập khẩu gạo thế giới, chúng tôi hiểu họ đánh giá cao chất lượng gạo của Việt Nam.
Kết quả này nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia ký kết và có hiệu lực trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, trong đàm phán, đôi khi gạo Việt Nam còn bị “lép vế” do yêu cầu phía đối tác với số lượng lớn, chất lượng ổn định ngay từ đầu. Trong khi nhiều DN xuất khẩu chờ nông dân trồng gì mua nấy, chế biến xong mới chào hàng, gây thua thiệt trong cạnh tranh với gạo các nước”.
Sẽ cán mốc 6 triệu tấn
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhận định xuất khẩu gạo năm nay không theo thông lệ như lâu nay, thường năm trước thắng, năm sau sẽ giảm lại. Ở đây, năm ngoái tăng trưởng tốt, năm nay càng tốt hơn.
Mặc dù do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nhiều ngành sản xuất phải chững lại, đầu vụ mất mùa do thời tiết, cuối vụ lại bị hạn hán khiến sản lượng giảm 2%, song giá gạo xuất khẩu tăng hơn 13% là mức tăng tốt nhất trong lịch sử xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Theo ông Nam, xuất khẩu gạo tháng 11 tăng trở lại do Philippines trong tháng này đã nối lại việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam. “Philippines là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam, với gần 3 triệu tấn mỗi năm, thay thế thị trường Trung Quốc trong việc mua gạo của Việt Nam.
Ngoài ra, nhờ các FTA mà Việt Nam ký kết đã giúp thương hiệu gạo Việt được biết đến nhiều hơn. Nhiều tín hiệu cho thấy, giá gạo Việt Nam đang cạnh tranh tốt với gạo Thái, đặc biệt các vị trí nhất, nhì thế giới của gạo Việt Nam với giống ST25 đã nâng giá trị thương hiệu gạo Việt lên cao hơn”, ông Nam nhận xét.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Nam, chiến lược tái cơ cấu giống lúa Việt Nam đã gặt hái thành quả nhất định. Đặc biệt, các địa phương thực hiện các công tác bao bờ để ngăn chặn nước mặn vào lúa rất hiệu quả nên sản lượng có giảm nhưng không đáng kể. Quan điểm của Bộ NN-PTNT là giảm trồng gạo trắng, loại gạo thấp cấp, hạt cơm rời, sẽ không cạnh tranh lại với Ấn Độ và Pakistan. Đổi lại, việc nhiều địa phương tăng trồng các giống lúa thơm, dẻo, giá cao để chen chân vào các thị trường lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu... nay đã có kết quả khả quan.
Dự báo trong năm nay, xuất khẩu gạo Việt cán mốc 6 triệu tấn và hiện tại tồn kho gạo của VN không đáng kể vì đã hết vụ. Ông Phạm Thái Bình bổ sung, giả sử thế giới ngăn được dịch Covid-19, xuất khẩu gạo có thể giảm nhẹ nhưng không đáng kể do nhu cầu thị trường xưa nay ít đột biến, ngoại trừ trong vài tháng cao điểm xảy ra đại dịch Covid-19 trong năm nay. “Tôi tin là gạo chất lượng cao của Việt Nam sẽ được bán ra nhiều hơn do nhu cầu tiêu dùng với gạo thơm sẽ tăng, khó giảm”, ông Bình nói.
Nguyên Nga
Thanh niên
|