Dịch vụ
CTS: Năng lượng tái tạo được dự báo có tốc độ tăng trưởng bình quân gần 20% trong 10 năm tới
Tại talkshow "Ngành năng lượng tái tạo: Cơ hội và giải pháp" do Vietinbank Securities (HOSE: CTS) tổ chức, các chuyên gia đã chia sẻ tiềm năng ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong 10 năm tới đang có tiềm năng phát triển rất lớn, được dẫn dắt chủ yếu bởi nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao đi kèm phát triển kinh tế bền vững.
Chính sách ưu đãi của Chính phủ cũng góp phần khuyến khích dòng vốn đầu tư chảy vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, trăn trở của nhà đầu tư là xu hướng này sẽ diễn ra như thế nào trong thời gian tới, hay các nhà đầu tư có khả năng khai thác cơ hội này của thị trường hay không. Đặc biệt, với các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam sẽ gặp cơ hội và thách thức như thế nào...
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng sản phẩm Vietinbank Securities cho biết, năng lượng tái tạo được dự báo có tốc độ tăng trưởng bình quân gần 20% trong 10 năm tới, gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng bình quân ngành điện khoảng 9%.
Nguyên nhân chủ yếu từ chuyển hướng chiến lược giảm tỷ trọng nhiệt điện than và tăng sản xuất điện từ năng lượng tái tạo (chủ yếu là mặt trời và gió). Dự báo, tới năm 2030, tỷ trọng công suất phát từ năng lượng tái tạo sẽ vượt qua điện than.
CTS nhìn nhận, giai đoạn năm 2021-2025, Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện. Cụ thể, mức thiếu hụt điện năng dự báo khoảng 3.7 tỷ kWh năm 2021, gần 10 tỷ kWh năm 2022; mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh và sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3.5 tỷ kWh năm 2025.
Nguyên nhân là do các dự án lớn chậm tiến độ như dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh đều chậm so với kế hoạch từ 9 tháng đến 1 năm, dẫn tới cung cấp khí cũng thiếu hụt khoảng 2-3 tỷ m3/năm đến năm 2023-2024 và tăng lên 10 tỷ m3 vào năm 2030.
Dự án nhiệt điện Kiên Giang 1&2 không đáp ứng tiến độ, dự án Ô Môn III lùi tiến độ đến năm 2025. Các dự án nhiệt điện Thái Bình II, Long Phú 1, Sông Hậu 1 chậm tiến độ 2 năm.
Trong khi đó, nhu cầu than cho sản xuất điện chưa đáp ứng được yêu cầu cả khối lượng, chủng loại. Ngoài ra, các yếu tố khác như đường dây 500 kV mạch 3 bị chậm tiến độ gần 1 năm.
Dự báo, các nguy cơ này sẽ càng thúc đẩy việc phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo (mặt trời gió) do thời gian thi công nhanh và sử dụng nguyên liệu tại chỗ. CTS ước tính từ năm 2020-2030, tăng trưởng nguồn năng lượng mặt trời là 12.8% và điện gió là 34.2%.
Khí tự nhiên cũng sẽ là nguồn sản xuất điện quan trọng của Việt Nam, chiếm 18.8% tổng nguồn điện vào năm 2030, tăng trưởng đáng kể vào cuối giai đoạn dự báo của chúng tôi khi có thêm nhiều kho, cảng LNG đi vào hoạt động.
Vào cuối năm 2019, các đập thủy điện lớn đã có mực nước thấp kỷ lục do sự thay đổi thời tiết trong quốc gia có khả năng đe dọa đến sản lượng thủy điện vào năm 2020. CTS kỳ vọng mức tăng nhẹ đối với sản xuất thủy điện trong thập kỷ tới, và tỷ trọng thủy điện trong nguồn phát điện sẽ giảm dần xuống còn khoảng 18.1% năm 2030 từ mức ước tính 36.2% vào năm 2020, với sự gia tăng nhanh chóng của các nguồn năng lượng tái tạo.
CTS cũng đưa ra dự báo năng lượng tái tạo phi thủy điện (mặt trời gió) sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đạt trên 7.3 GW vào cuối năm 2020, và 42.5 GW vào cuối năm 2030, phù hợp với môi trường pháp lý ngày càng hỗ trợ cho ngành cùng với tiềm năng năng lượng tái tạo ngoài thủy điện chưa được khai thác. Bên cạnh đó, công suất năng lượng tái tạo phi thủy điện cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ ở mức 20% trong 10 năm tới.
FILI
|