Đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy nhanh hơn làn sóng đóng cửa nhà máy lọc dầu ở các nước giàu từ Mỹ, Nhật Bản cho đến Úc giữa lúc nhu cầu nhiên liệu ảm đạm do hoạt động đi lại bị hạn chế trong thời kỳ dịch bệnh.
Tập đoàn năng lượng Viva Energy (Úc) đang cân nhắc đóng cửa nhà máy lọc dầu Geelong ở bang Victoria sau khi nhà máy này thua lỗ gần 80 triệu đô la Úc trong năm nay. Ảnh: SMH
|
11 nhà máy lọc dầu tuyên bố đóng cửa
Các công ty năng lượng khổng lồ từ Shell (Anh-Hà Lan) cho đến Ampol (Úc) đang đóng cửa các cơ sở lọc dầu của họ hoặc cân nhắc làm như vậy khi nhận thấy nhu cầu nhiên liệu tăng trưởng yếu ớt và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các cơ sở lọc dầu mới và hiệu quả hơn ở châu Á và Trung Đông.
Trong năm nay, 11 nhà máy lọc dầu ở các nước giàu từ Mỹ cho đến Nhật Bản cho biết họ có kế hoạch đóng cửa. Ba nhà máy lọc dầu khác thông báo đóng cửa một phần và ít nhất năm nhà máy lọc dầu nữa cho biết họ đang cắt giảm mạnh công suất, theo các nhà phân tích ở hãng nghiên cứu thị trường IHS Market.
Hơn 1,7 triệu thùng dầu/ngày trong công suất lọc dầu ở các nước giàu như Mỹ và Nhật Bản đã biến mất hoặc sắp biến mất trong năm 2020 và 2021.
Trong khi đó, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ở Trung Đông tăng công suất lọc dầu của họ thêm 2,2 triệu thùng/ngày, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
|
Sự suy giảm nhà máy lọc trên ở các nước giàu, nơi nhu cầu trong dài hạn suy giảm và có nhiều nhà máy lọc dầu nhỏ và cũ kĩ là một phần của sự chuyển dịch quyền lực sản xuất nhiên liệu toàn cầu sang các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ. Các nhà máy lọc dầu mới và hiện đại hơn ở Trung Quốc có thể sản xuất nhiên liệu với chi phí thấp hơn và đang được hưởng lợi từ các thị trường tăng trưởng mạnh mẽ trong khu vực.
Không nơi nào chứng kiến sự dịch chuyển rõ ràng hơn ở Úc, nơi một nhà máy lọc dầu của tập đoàn BP lên kế hoạch đóng cửa vào năm sau và hai nhà máy lọc dầu khác đang xem xét đóng cửa.
Tính đến năm 2018, năng lực lọc dầu trong nước chỉ đáp ứng 40% nhu cầu nhiên liệu ở Úc, khiến nước này ngày càng phụ thuộc lớn hơn vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu. Ngành lọc dầu từng hùng mạnh của Úc giờ đây đang hối thúc chính phủ hỗ trợ tài chính.
Cân nhắc chuyển sang sản xuất nhiên liệu sinh học
Đại dịch Covid-19 đã giáng đòn nặng nề cho các nhà máy lọc dầu toàn cầu, khiến biên lợi nhuận trong quí 3 của họ giảm về mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua, theo IEA.
Trước đại dịch, IHS Markit dự báo nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế sẽ đạt đỉnh 94,5 triệu thùng/ngày vào giữa thập niên 1930. Giờ đây, hãng nghiên cứu thị trường này nhận định nhu cầu sẽ đạt đỉnh ở mức 91 triệu thùng/ngày khi mọi người làm việc tại nhà nhiều hơn và ít đi lại hơn.
Tại Mỹ, kể từ khi đại dịch ập đến, ít nhất nhà máy công ty lọc dầu ở Mỹ cho biết họ sẽ đóng cửa ít nhất một phần. Trong nhiều trường hợp, các chủ sở hữu nhà máy lọc dầu này cho biết sẽ cải tạo các nhà máy lọc dầu để sản xuất nhiên liệu sinh học từ các sản phẩm như mỡ động vật hay dầu thực vật.
Họ đặt cược rằng nhu cầu nhiên liệu sinh học sẽ tăng mạnh vì chính phủ mới dưới thời cầm quyền của ông Joe Biden có thể siết chặt các quy định hạn chế khí thải nhà kính. Chẳng hạn, Công ty Marathon Petroleum đã đóng cửa hai nhà máy lọc dầu trong mùa xuân này, khiến hơn 800 nhân viên mất việc.
Marathon Petroleum cho biết đại dịch Covid-19 làm xấu thêm môi trườn kinh kinh doanh vốn đã khó khăn. Công ty này giờ đây đang cân nhắc cải tạo một trong hai nhà máy lọc dầu này để sản xuất nhiên liệu sinh học. Các nhà máy lọc dầu khác, bao gồm nhà máy lọc dầu Convent của Shell, có công suất chế biến 240.000 thùng/ngày ở gần TP New Orleans, bang Louisiana, đã tuyên bố đóng cửa. Shell đang tìm cách bán nhà máy này vào hồi đầu năm nay nhưng không có người mua.
Hồi tháng 10, Shell thông báo kế hoạch cắt giảm danh mục nhà máy lọc dầu từ 14 địa điểm, xuống còn 6 trong bối cảnh tập đoàn này đối mặt với nhu cầu suy yếu và nỗ lực thực hiện các cam kết giảm khí thải nhà kính. “Chúng ta sẽ chứng kiến thói quen của người tiêu dùng thay đổi trong thời gian tới và điều này có thể tiếp tục gây sức ép đối với nhu cầu nhiên liệu”, Huibert Vigeveno, Giám đốc bộ phận kinh doanh lọc dầu của Shell, nói.
Hồi tháng 11, Tập đoàn Shell thông báo đóng cửa nhà máy lọc dầu Convent ở gần TP. New Orleans, bang Louisiana, Mỹ. Ảnh: Plaquemine Post South
|
Các nhà máy lọc dầu ở Úc chờ giải cứu
Cách đây một thập kỷ, Úc có bảy nhà máy lọc dầu nhưng hiện nay, con số này chỉ còn bốn và sắp tới, có thể chỉ còn một. Các nhà máy lọc dầu nhỏ và lạc hậu, chẳng hạn như nhà máy lọc dầu Kwinana của BP ở bờ tây nước Úc, đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự cạnh tranh của các nhà máy lọc dầu lớn hơn, mới hơn ở nước ngoài.
BP dự định đóng cửa nhà máy lọc dầu có 65 tuổi đời này vào đầu năm sau trước khi cải tạo nó trở thành kho cảng nhập khẩu nhiên liệu. BP cho biết nhà máy lọc dầu Kwinana có biên lợi nhuận rất thấp giữa lúc nguồn cung nhiên liệu ở thị trường châu Á-Thái Bình Dương đang dư thừa.
“Vấn đề là các sản phẩm nhiên liệu nhập khẩu đang cạnh tranh hơn nhiều so với nhiên liệu sản xuất tại địa phương ở Úc”, Rob Smith, Giám đốc mảng nghiên cứu lọc dầu ở IHS Markit, nói.
Các thông báo về ý định đóng cửa các nhà máy lọc dầu ở Úc khiến các công đoàn lao động nổi giận, buộc chính phủ Úc xem xét hỗ trợ tài chính cho họ dù từ chối các yêu cầu giải cứu từ các doanh nghiệp khác cũng bị tổn thương nặng nề trong đại dịch, bao gồm hãng hàng không lớn thứ hai của Úc, Virgin Australia, vốn đã nộp đơn xin phá sản hồi tháng 4.
|
Trong khi đó, Tập đoàn năng lượng Viva Energy (Úc) đang cân nhắc đóng cửa nhà máy lọc dầu Geelong ở bang Victoria sau khi nhà máy này thua lỗ gần 80 triệu đô la Úc trong năm nay.
Daniel Walton, Thư ký quốc gia của Công đoàn công nhân Úc (AWU), nói: “Năng lực tự sản xuất nhiên liệu của Úc đóng vai trò mấu chốt cho khả năng phát triển và tồn tại độc lập của chúng ta với tư cách là một quốc gia chủ quyền.
Nếu chúng ta không thể tự cung cấp nhiên liệu cho ngành vận tải, ngành sản xuất và phương tiện quốc phòng của chúng ta, thì chúng ta sẽ tự khiến mình dễ bị tổn thương”.
Lo ngại giá nhiên liệu trong nước tăng vì phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison cho biết sẵn sàng cung cấp tiền để giúp các nhà máy lọc dầu duy trì hoạt động.
Chính phủ Úc đang dự định tung ra gói biện pháp hỗ trợ bao gồm trợ giá cho mỗi lít nhiên liệu được chế biến tại Úc bắt đầu vào đầu năm sau đồng thời thành lập quỹ trị giá 200 triệu đô la Úc để xây dựng kho chứa nhiên liệu mới.
Sushant Gupta, Giám đốc nghiên cứu ở hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, cho biết chính phủ Úc có thể đầu tư lớn để giúp các nhà máy lọc dầu trong nước tăng tính cạnh tranh, bao gồm cam kết mua một lượng nhiên liệu nhất định với mức giá ấn định trước.
Một trong những số công ty có thể được hưởng lợi nếu chính phủ Úc ra tay giải cứu là Ampol, đang sở hữu nhà máy lọc dầu Lytton ở bờ đông nước Úc. Nhà máy này thua lỗ 100 triệu đô la Mỹ kể từ đầu năm nay, khiến ban lãnh đạo của Ampol cân nhắc đóng cửa nó vĩnh viễn.