8 điểm nhấn trên thị trường ô tô Việt Nam năm 2020
Ngành ô tô Việt Nam vừa trải qua một năm đầy sóng gió do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, trong thời khắc cuối cùng của năm 2020 hãy cùng chúng tôi nhìn lại những điểm nhấn nổi bật nhất trên thị trường ô tô Việt Nam trong năm qua.
Ngành ô tô Việt Nam vừa trải qua một năm đầy sóng gió do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19
|
“2020 - một năm đầy khó khăn, thử thách” – đó là nhận định của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ô tô tại Việt Nam. Những quy định, chính sách mới cùng với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19... đã góp phần tạo nên những thay đổi chưa từng có trong lịch sử ngành ô tô Việt Nam.
Hãy cùng chúng tôi nhìn lại những điểm nhấn nổi bật nhất trên thị trường ô tô Việt Nam trong suốt một năm vừa qua:
Những quy định, chính sách mới cùng với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19... đã góp phần tạo nên những thay đổi chưa từng có trong lịch sử ngành ô tô Việt Nam
|
1. Quy định mới ‘cởi nút thắt’ cho hoạt động nhập khẩu ô tô
Sau hơn 2 năm vướng mắc, những “nút thắt” trong hoạt động nhập khẩu ô tô của các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại Việt Nam đã dần được tháo gỡ. Theo đó, Nghị định 17/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều kiện liên quan đến việc đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương ban hành giữa tháng 2.2020 giúp các doanh nghiệp tháo gỡ bớt khó khăn vướng mắc trong việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc.
Nghị định 17/2020 đã gỡ bỏ một số quy định về giấy chứng nhận kiểu loại, kiểm tra theo từng lô xe nhập khẩu…
|
Nghị định 17/2020 đã gỡ bỏ một số quy định về giấy chứng nhận kiểu loại, kiểm tra theo từng lô xe nhập khẩu… từng được quy định tại Nghị định 116/2017. Bên cạnh đó, các mẫu ô tô chưa qua sử dụng được nhập khẩu sẽ không cần giấy chứng nhận kiểu loại (VTA) như trước mà thay vào đó sẽ được đánh giá kiểu loại ngay tại Việt Nam, dựa trên việc kiểm tra, thử nghiệm mẫu xe đại diện và kết quả đánh giá điều kiện tại cơ sở sản xuất (nếu quốc gia đó không tự chứng nhận). Các mẫu mã ô tô đã có Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) không cần phải kiểm, đánh giá lại. VTA đã được cung cấp sẽ có hiệu lực trong vòng 36 tháng. Sau thời hạn này, ô tô mới cùng kiểu loại nhập về mới phải đánh giá lại kiểu loại.
Quy định này giúp các doanh nghiệp "dễ thở" hơn trong hoạt động nhập khẩu ô tô. Lượng ô tô nhập khẩu về Việt Nam theo đó cũng từng bước gia tăng, góp phần giả quyết tình trạng khan hàng như những năm trước.
2. Đại dịch Covid-19 ghìm thị trường ô tô, xe tồn kho tăng kỷ lục
Năm 2020 được xem là bước đà để thị trường ô tô Việt Nam bứt phá. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát vào giai đoạn cuối quý I.2020 đã ghìm lại tất cả.
Covid-19 kéo tụt nền kinh tế toàn cầu, ngành sản xuất kinh doanh ô tô tại Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng
|
Covid-19 kéo tụt nền kinh tế toàn cầu, ngành sản xuất kinh doanh ô tô tại Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Sức mua trên thị trường liên tiếp sụt giảm trong giai đoạn cuối quý I đến cuối quý III.2020. Thậm chí, từng có những thời điểm thị trường ô tô gần như rơi vào tình cảnh “đóng băng” khi cả nước thực hiện các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội để hạn chế nguy cơ lây lan dịch Covid-19.
Sức mua giảm, khiến tỉ lệ xe tồn kho liên tục gia tăng. Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong giai đoạn từ quý I – III.2020 chỉ số tồn kho ngành sản xuất xe có động cơ (trong đó có ô tô) tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm 2019.
3. Hàng loạt nhà máy sản xuất ô tô tạm ngừng hoạt động
Lần đầu tiên trong lịch sử ngành ô tô Việt Nam, hành loạt nhà máy ô tô phải tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Từ tháng 4.2020, có ít nhất 7 doanh nghiệp ô tô quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất tại các nhà máy ô tô ở Việt Nam để thực hiện các biện pháp phòng dịch lây lan.
Lần đầu tiên trong lịch sử ngành ô tô Việt Nam, hành loạt nhà máy ô tô phải tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19
|
Ford là hãng ô tô đầu tiên tại Việt Nam quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất tại nhà máy ở Hải Dương. Ngay sau đó, Honda, TC Motor – đơn vị lắp ráp, phân phối xe Hyundai tại Việt Nam cũng lần lượt thông báo tạm dừng mọi hoạt động sản xuất ô tô tại Việt Nam từ ngày 1 đến ngày 15.4. Hãng xe Việt – VinFast thuộc tập đoàn Vingroup cũng quyết định tạm dừng dây chuyền sản xuất ô tô, xe máy tại Tổ hợp sản xuất ở Cát Hải, Hải Phòng bắt đầu từ ngày 6.4.
4. Giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành ô tô do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cuối tháng 6.2020, sau gần 3 tháng xem xét, lấy ý kiến các bộ ban ngành liên quan cuối cùng Chính phủ cũng đồng ý phương án giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước đến hết năm 2020.
Theo đó, Nghị định 70 được Thủ tướng Chính phủ ký bán hành có hiệu lực ngay từ ngày 28.6 đến 31.12.2020 quy định tính lệ phí trước bạ lần đầu với xe ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự được sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với các loại xe này quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP và các quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thị trường ô tô hồi phục mạnh mẽ khi người tiêu dùng mang tâm lý “mua ô tô chạy lệ phí trước bạ”
|
Chính sách này đã tạo ra hiệu ứng dây chuyền giúp doanh số bán nhiều doanh nghiệp ô tô được cải thiện. Trước ưu đãi lệ phí trước bạ với ô tô “nội”, nhiều mẫu xe nhập khẩu cũng giảm giá hoặc được nhà phân phối hỗ trợ lệ phí trước bạ để cạnh tranh… Chi phí sở hữu ô tô tại Việt Nam theo đó cũng giảm về mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Đặc biệt, trong 2 tháng cuối năm thời điểm chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ gần hết hiệu lực và Bộ Tài chính kiến nghị không tiếp tục kéo dài thời gian giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước sau ngày 31.12.2020… Thị trường ô tô hồi phục mạnh mẽ khi người tiêu dùng mang tâm lý “mua ô tô chạy lệ phí trước bạ”.
5. Triển lãm ô tô Việt Nam lần đầu bị hủy bỏ, ô tô ra mắt bằng hình thức trực tuyến
Chung số phận với nhiều sàn diễn ô tô đình đám nhất thế giới, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 khiến Triển lãm ô tô Việt Nam lần đầu tiên bị hủy bỏ sau 15 năm liên tiếp được tổ chức.
Trước đó, ban tổ chức Triển lãm ô tô Việt Nam năm 2020 dự kiến sẽ tổ chức sự kiện này từ ngày 28.10 đến ngày 1.11.2020 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh với sự góp mặt của 15 thương hiệu. Tuy nhiên, trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19, khiến nhiều DN ô tô chịu ảnh hưởng. Để tiết kiệm chi phí trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, một số DN ô tô đã quyết định rút khỏi triển lãm 2020. Chính điều này đã khiến Triển lãm ô tô lớn nhất Việt Nam bị ảnh hưởng và đi đến quyết định không tổ chức trong năm 2020.
Triển lãm ô tô Việt Nam lần đầu tiên bị huỷ bỏ sau 15 năm liên tiếp được tổ chức
|
Lỡ hẹn với “sàn diễn ô tô lớn nhất Việt Nam” nhiều mẫu mã ô tô vẫn ra mắt người tiêu dùng bằng hình thức trực tuyến. Trường Hải (THACO) là đơn vị tiên phong khi tổ chức buổi ra mắt trực tuyến để giới thiệu tới 10 mẫu mã thế hệ mới trong dòng sản phẩm xe sang BMW. Không lâu sau đó, đến lượt Audi, Honda...và nhiều hãng xe khác ra mắt mẫu mã mới bằng hình thức trực tuyến. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử ngành ô tô Việt Nam, các nhà phân phối ô tô giới thiệu sản phẩm mới bằng hình thức trực tuyến.
6. Ô tô Hàn tăng tốc trở thành đối trọng cạnh tranh xe Nhật tại Việt Nam
Bất chấp những thử thách khó khăn trong năm 2020, các mẫu mã thương hiệu ô tô Hàn Quốc đã có những bước tiến ngoạn mục để trở thành đối trọng, thách thức đế chế xe Nhật tại thị trường Việt Nam.
Nhiều mẫu mã hút khách của Hyundai, KIA… tại Việt Nam lần lượt được cải tiến về mẫu mã, tính năng, công nghệ… kết hợp sự xuất hiện của những mẫu xe mới như KIA Seltos, KIA Soluto… góp phần nâng tầm xe Hàn tại Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, một thương hiệu ô tô Hàn Quốc (Hyundai – PV) liên tục vượt Toyota, Mazda… để dẫn đầu danh sách những thương hiệu ô tô bán chạy nhất tháng tại Việt Nam.
Ô tô Hàn Quốc ngày càng hút khách tại Việt Nam
|
Tính đến tháng 11.2020, Hyundai với doanh số bán đạt hơn 68.000 xe đã vượt những thương hiệu Nhật gạo cội như Toyota, Mazda, Mitsubishi… để trở thành thương hiệu ô tô bán nhiều xe nhất tại Việt Nam. Thậm chí, Hyundai còn tạo cách biệt doanh số lên tới gần 10.000 xe so với Toyota tại Việt Nam. Bên cạnh đó, KIA cũng bứt phá mạnh mẽ để góp mặt trong Top 3 thương hiệu ô tô được ưa chuộng nhất Việt Nam.
7. VinFast hé lộ nhiều mẫu xe mới, doanh số bán liên tục tăng trưởng
Cùng với các thương hiệu ô tô Hàn Quốc, hãng ô tô Việt Nam – VinFast tiếp tục ghi dấu ấn trong năm 2020 đầy khó khăn, thử thách. Vẫn với 3 dòng sản phẩm ô tô chủ lực gồm Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0… nhưng với chính sách bán hàng linh hoạt cùng nhiều ưu đãi, giảm giá tạo điều kiện giúp khách Việt có có hội sở hữu ô tô, VinFast liên tục tạo ra bước tiến ngoạn mục về doanh số.
Hãng xe Việt luôn góp mặt trong Top 10 thương hiệu ô tô bán chạy nhất Việt Nam hàng tháng. Trong đó, Fadil là dòng xe bán chạy nhất của hãng xe Việt. Thậm chí, tháng 11.2020 doanh số bán VinFast Fadil chỉ xếp sau Toyota Vios. Thành tích này giúp nâng tổng lượng xe VinFast bán ra từ tháng 5 – 11.2020 đạt gần 11.200 xe.
Hãng xe Việt luôn góp mặt trong Top 10 thương hiệu ô tô bán chạy nhất Việt Nam hàng tháng
|
Tiếp đà bứt phá, vào những tháng cuối năm 2020, VinFast liên tục hé lộ những mẫu mã ô tô mới sẽ được hãng đưa vào sản xuất và trình làng trong thời gian tới. Thậm chí, VinFast đã đăng ký bản quyền 8 cái tên xe mới tại Việt Nam và cả thị trường Mỹ, hứa hẹn được hãng xe Việt công bố trong năm 2021.
8. Làn sóng ô tô Trung Quốc khuấy động thị trường Việt Nam
Năm 2020 cũng chứng kiến làn sóng đổ bộ của mẫu mã ô tô sản xuất tại Trung Quốc vào Việt Nam. Ngay từ cuối quý I.2020, sau khi chuẩn bị “chấm dứt mối lương duyên” với Nissan, công ty Tan Chong chính thức đưa thương hiệu ô tô MG nguồn gốc Anh Quốc nhưng thuộc tập đoàn ô tô Thượng Hải - SAIC vào Việt Nam, khởi đầu cho sự trở lại của làn sóng ô tô Trung Quốc.
Năm 2020 chứng kiến làn sóng đổ bộ của mẫu mã ô tô sản xuất tại Trung Quốc vào Việt Nam
|
Ngay sau đó, đến lượt các nhà phân phối đưa Brilliance V7 – mẫu xe được vi von “BMW Trung Quốc” và Beijing X7 với kiểu dáng bóng bẩy, nhiều tính năng công nghệ xâm nhập thị trường Việt Nam. Một kế hoạch quảng báo rầm rộ ô tô Trung Quốc được vạch ra, giúp Brilliance V7, Beijing X7 ít nhiều thu hút sự chú ý về mẫu mã cũng như giá bán khá hấp dẫn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến, quan điểm bày tỏ sự hoài nghi về chất lượng cũng như sức hút thực sự của những mẫu ô tô Trung Quốc tại thị trường ô tô Việt Nam.
Bá Hùng
Thanh niên
|