Trở lại sau đại dịch, ngành săm lốp gặp nhiều yếu tố thuận lợi
Ngành săm lốp Việt Nam bắt đầu phục hồi sau 2 lần bùng phát Covid-19 nhờ thị trường xuất khẩu được mở rộng và ngành ô tô trong nước được ưu ái bởi chính sách công.
Trong quý 3/2020, Công nghiệp Cao su Miền Nam (HOSE: CSM) và Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) báo lãi ròng trong kỳ tăng trưởng ấn tượng lần lượt 178% và 199%. Trong khi đó, Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) báo lãi ròng giảm 25% so với cùng kỳ, tuy nhiên, DRC được cho là nắm trong tay tiềm năng phát triển ấn tượng hơn trong tương lai.
Trong kỳ, không những gặp nhiều thách thức từ đại dịch Covid-19, bộ 3 công ty sản xuất săm lốp của Việt Nam còn đối mặt với áp lực cạnh tranh khi các hãng lốp lớn của Trung Quốc gần đây đã chuyển nhà máy sang Thái Lan để tận dụng xuất xứ Đông Nam Á nhằm hưởng lợi về thuế suất từ các hiệp định thương mại khu vực.
Bên cạnh những khó khăn thì vẫn có nhiều cơ hội mở ra cho các nhà sản xuất lốp Việt Nam. Dễ thấy nhất là việc lốp từ Trung Quốc không thể xuất khẩu vào Mỹ vì thương chiến, tạo cơ hội cho các quốc gia khác mở rộng kênh phân phối, trong đó có Việt Nam.
Điều này đã được lãnh đạo DRC quan tâm trong ĐHĐCĐ giữa tháng 6/2020 vì giá bán ở thị trường Mỹ cao hơn 4-7% so với thị trường khác, tuy nhiên, Công ty chỉ duy trì khoảng 30-40% sản lượng xuất khẩu do 2 thị trường lớn là Mỹ và Brazil lấy hàng ít. Trong khi đó, doanh thu xuất khẩu quý 3/2020 của SRC cũng chỉ đạt 18% tổng doanh thu.
Về các hiệp định và chính sách, dù Mỹ đang áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm lốp xe hơi và xe tải hạng nhẹ nhập từ Việt Nam, nhưng theo các chuyên gia điều này sẽ ảnh hưởng không nhiều đến doanh thu của ngành, tiêu biểu là DRC khi sản phẩm xuất khẩu chủ yếu đến Mỹ là lốp tải nặng radial.
Ở diễn biến khác, sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hàng xuất khẩu Việt tiếp cận được những thị trường mới, trong đó các sản phẩm lốp xe cũng không ngoại lệ.
Nguồn: DRC
|
Đối với thị trường quốc nội, doanh thu các công ty sản xuất lốp xe chịu ảnh hưởng gián tiếp từ việc giảm cầu ô tô do tình hình dịch bệnh phức tạp và nguồn cao su thiên nhiên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hạn hán ở Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung .
Tuy nhiên, vẫn có một số tín hiệu khả quan dành cho ngành săm lốp. Rõ nét nhất là Nghị định của Chính phủ về việc giảm 50% phí trước bạ cho ô tô được sản xuất hoặc lắp ráp trong nước bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28/06, cộng hưởng với GDP cả nước đã tăng 2.62% trong quý 3 thay vì chỉ 0.39% trong quý 2 theo báo cáo ngành ô tô tháng 10 của Khối Phân tích CTCK Rồng Việt (VDSC Research). Tất cả yếu tố trên sẽ giúp kích cầu ngành ô tô trong nước, qua đó thúc đẩy các nhà máy lắp ráp ô tô tăng năng suất và tiêu thụ nhiều lốp hơn.
Không những thế, theo TechSci Reasearch, khi chất lượng hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam được cải thiện, những ưu thế của lốp radial so với lốp bias sẽ rõ nét hơn, điều này tạo lợi thế tăng trưởng cho các công ty đã có nhà máy sản xuất lốp radial từ trước chẳng hạn như DRC và CSM. Hơn nữa, giá cao su thế giới ở mức thấp trong quý 3 và chỉ đột ngột tăng mạnh đầu tháng 10 đã giúp các chuỗi sản xuất săm lốp tiết giảm được một phần chi phí nguyên liệu góp phần làm tăng lợi nhuận.
Biến động giá cao su thế giới trong 6 tháng gần nhất. Đơn vị: Đồng/tấn
|
Trở lại tình hình kinh doanh quý 3/2020, việc hạ giá bán để cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu đã làm lợi nhuận gộp DRC giảm hơn 10% so với cùng kỳ, xuống còn 145 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên DRC giảm lãi gộp trong 3 kỳ liên tiếp kể từ quý 1/2020. Ngoài ra, chi phí bán hàng của DRC cũng tăng gần 42% do triển khai các gói khuyến mãi nhằm duy trì khách hàng chủ chốt.
Kết quả, lãi ròng quý 3 của DRC giảm gần 25% so với cùng kỳ, xuống mức gần 62 tỷ đồng. Theo dự báo của VDSC, kết quả trong quý 4 của DRC sẽ tốt hơn khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát, đồng thời, Công ty cũng sẽ tiết kiệm 39 tỷ đồng chi phí khấu hao máy móc thiết bị nhà máy radial giai đoạn 1 do đã hoàn tất khấu hao trong tháng 9/2020.
Trong khi đó, CSM dù có doanh thu quý 3 lên tới gần 1,300 tỷ đồng, cao hơn 26% so với DRC, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 29 tỷ đồng, chưa đến phân nửa con số của nhà sản xuất lốp tại Đà Nẵng. Theo CSM, lý do cho hiệu quả sinh lời thấp đến từ việc chi phí lãi vay còn khá cao và dự án lốp radial toàn thép chưa đạt đến điểm hòa vốn.
SRC là đơn vị có kết quả kinh doanh khiêm tốn nhất trong bộ 3 ngành lốp Việt Nam, với lãi gộp gần 53 tỷ đồng trong quý 3, tăng 15% so với cùng kỳ nhưng vẫn kém xa so với lãi gộp trăm tỷ từ 2 đối thủ còn lại.
Tuy nhiên, đây là doanh nghiệp duy nhất có chi phí bán hàng giảm trong 3 Công ty khi khoản chi phí này chỉ bằng 41% cùng kỳ năm trước. Qua đó, giúp lãi ròng tăng gấp 2 lần so với quý 3/2019, đạt gần 20 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh doanh nghiệp săm lốp trong quý 3/2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC quý 3/2020 của DRC, CSM và SRC
|
Tại bảng cân đối, xét đến các khoản phải thu ngắn hạn tính đến cuối tháng 9, nhìn chung ở cả 3 công ty đều tăng so với đầu năm. Cụ thể, DRC tăng 26% (lên mức179 tỷ đồng), CSM tăng hơn 20% (lên hơn 976 tỷ đồng) và SRC tăng mạnh 126% (lên mức gần 239 tỷ đồng), chủ yếu đến từ mục phải thu khách hàng.
Hàng tồn kho ở các doanh nghiệp lớn giảm đáng kể trong 9 tháng đầu năm. Trừ SRC tăng do phát sinh khoản hàng mua đang đi trên đường trị giá gần 13 tỷ đồng. Còn lại, hàng tồn kho của SRC giảm 32%, còn hơn 783 tỷ đồng và CSM giảm 15%, xuống mức gần 1040 tỷ đồng.
Hà Lễ
FILI
|