Trong bối cảnh phát triển mới, với những thay đổi nhanh chóng của thương mại toàn cầu đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) phải định hướng lại các thị trường xuất khẩu, xác định lại giá trị của chuỗi cung ứng và vùng cung ứng nguyên liệu.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm phát biểu tại Diễn đàn xuất khẩu 2020. Ảnh: VGP/Lê Anh
|
Ngày 18/11, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức Diễn đàn xuất khẩu 2020 “Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững vùng cung ứng nguyên liệu sau COVID-19”.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết: Phát huy thế mạnh của trung tâm kết nối khu vực, cơ cấu kinh tế TPHCM tiếp tục duy trì tỉ trọng hợp lý với khu vực dịch vụ liên tục giữ tỉ trọng lớn nhất trong GRDP. Các ngành dịch vụ phát triển đúng định hướng, đạt kết quả cao cả về quy mô và năng suất, chất lượng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,84%/năm; giá trị gia tăng dịch vụ chiếm hơn 33% giá trị gia tăng toàn ngành dịch vụ, đứng đầu của cả nước.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng khá, giai đoạn 2016-2019 tăng trưởng bình quân 10%/năm. Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng sản phẩm chế biến tiếp tục được nâng lên, nhóm hàng công nghiệp chiếm 80,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm cho biết, trong những năm qua, Thành phố đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu hướng tới các thị trường trọng điểm, tiềm năng. Thành phố xác định việc hỗ trợ DN tiếp cận thông tin thị trường, cách thức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách hiệu quả cũng như việc gia tăng tỷ trọng nguyên liệu nội địa trong cơ cấu hàng xuất khẩu là mục tiêu quan trọng hàng đầu để thúc đẩy phát triển xuất khẩu.
Diễn đàn xuất khẩu 2020. Ảnh: VGP/Lê Anh
|
Ông Nguyễn Hữu Tín, Giám đốc ITPC cho biết, năm 2020, dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề tới hoạt động giao thương, làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, Việt Nam lại nổi lên như một điểm sáng với thành tích phòng chống dịch được cả thế giới ghi nhận và đánh giá cao; GDP 9 tháng năm 2020 tăng trưởng dương 2,12% (thuộc số ít quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương); xuất khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2020 tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Tín nhấn mạnh, với việc 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã có hiệu lực, hiệp định RCEP mới được ký kết, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, thu hút sự dịch chuyển của các DN FDI và các tập đoàn đa quốc gia, tạo điều kiện cho các DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng.
Trước những ưu thế đó, ITPC đã và đang tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp để có thể tận dụng hiệu quả lợi thế mà các FTA đem lại cũng như nâng cao trình độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong nước với hệ thống bán lẻ nội địa và nước ngoài như Big C, AEON,… cũng như làm cầu nối đáng tin cậy giúp doanh nghiệp phát triển các hoạt động giao thương thông qua các sàn thương mại điện tử như Alibaba, Amazon…
Nhận định về xu hướng dịch chuyển của chuỗi cung ứng hàng hóa, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho rằng: Hành vi của người tiêu dùng hậu COVID-19 sẽ có 5 đặc điểm đáng chú ý đó là tiếp tục tăng cường nhu cầu cho các sản phẩm/dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe; đẩy mạnh “số hóa” các hoạt động như truyền thông, học tập, làm việc, du lịch, giải trí…; mở rộng hoạt động mua sắm trực tuyến và sử dụng dịch vụ giao hàng tiện lợi; thận trọng hơn trong các khoản chi tiêu ngắn hạn; quan tâm đến các vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững...
Ngoài ra, thương mại điện tử trong chuỗi cung ứng trong đó mua sắm trực tuyến, xu hướng thanh toán kỹ thuật số cũng hứa hẹn sẽ tăng tốc trong thời gian tới. Đây chính là những nền tảng để giúp cho hoạt động thương mại điện tử sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng thời gian tới và các DN cần phải nắm bắt nhanh cơ hội này để điều chỉnh chiến lược kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.