Phương án sắp xếp phường ở TP.HCM
TP.HCM đã có phương án bố trí, sắp xếp và giải quyết đối với số cán bộ dôi dư, bảo đảm đúng lộ trình theo quy định.
Phường Bình An (quận 2) là một trong những phường nằm trong đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã ở TP.HCM giai đoạn 2012-2021. Ảnh: THANH TUYỀN
|
Mới đây, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã giai đoạn 2012-2021 và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM.
Một số lưu ý với phường Thủ Thiêm
Theo đề án Chính phủ trình, đối với cấp huyện, trong giai đoạn 2019-2021, TP.HCM không có đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện nào thuộc diện phải sắp xếp. TP đã có đề án thực hiện sắp xếp đối với ba quận theo diện khuyến khích, cụ thể là nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập TP Thủ Đức.
Đối với cấp xã, TP.HCM có 10/322 ĐVHC cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp, chín đơn vị liền kề có liên quan đến việc sắp xếp và không có đơn vị nào thuộc diện khuyến khích.
Tuy nhiên, tám ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp nhưng chưa đạt tiêu chuẩn, trong đó bảy ĐVHC cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích và một ĐVHC cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.
Riêng đối với việc thành lập phường Thủ Thiêm trên cơ sở nhập phường An Khánh và phường Thủ Thiêm (quận 2), đây là ĐVHC sau sắp xếp không đạt cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. ĐVHC mới hình thành có diện tích tự nhiên hơn 3.200 km2 (đạt tỉ lệ hơn 59%), quy mô dân số 428 người.
Tuy nhiên, đề án Chính phủ trình cho biết An Khánh và Thủ Thiêm là hai phường “giải tỏa trắng” nằm trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dù sau sắp xếp chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định nhưng hai phường đã được quy hoạch và triển khai xây dựng các khu đô thị. “Khi các dự án hoàn thành và khai thác thì quy mô dân số sẽ đạt trên 130.000 người, gấp khoảng tám lần so với quy định” - đề án nêu rõ.
Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị TP.HCM cần đẩy nhanh tiến độ dự án tại hai phường An Khánh và Thủ Thiêm, tránh tình trạng thành lập tổ chức bộ máy ở ĐVHC nhưng lại không có dân cư.
Tại phiên thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã của TP.HCM như trong đề án Chính phủ trình. “Đề án đã được lấy ý kiến cử tri và ý kiến của HĐND ở các ĐVHC chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỉ lệ tán thành khá cao” - báo cáo của Thường trực Ủy ban Pháp luật nêu rõ. Đề án cũng được lấy ý kiến thành viên Chính phủ với 21 thành viên thống nhất đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Khó bố trí số cán bộ dôi dư
Trong quá trình thực hiện, TP.HCM cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã, đặc biệt là việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức tại ĐVHC mới sau khi sáp nhập. “Số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức dôi dư quá nhiều, rất khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp” - đề án Chính phủ trình nêu.
Theo đề án, sau khi sắp xếp ba quận (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức) thành TP Thủ Đức, số cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng dôi dư là 399 người. Còn sau khi sắp xếp 19 phường thành các ĐVHC mới, số cán bộ, công chức dôi dư là 102 người, số người hoạt động không chuyên trách dôi dư là 133 người.
TP.HCM đã có phương án bố trí, sắp xếp và giải quyết đối với số dôi dư bảo đảm đúng lộ trình theo quy định.
Riêng đối với số dôi dư ở cấp xã, TP.HCM dự kiến sẽ thực hiện việc tinh giảm biên chế theo Nghị định 108/2014. Số cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sẽ thực hiện giảm dần trong 60 tháng theo Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Việc thực hiện quy định số lượng cấp phó, số lượng biên chế công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị liên quan do sáp nhập, hợp nhất trong khoảng thời gian đầu có thể cao hơn quy định nhưng giảm dần để đảm bảo số lượng biên chế và bố trí đúng quy định. “Trường hợp dôi dư không bố trí, sắp xếp được sang các đơn vị khác thì động viên thôi việc và được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định chính sách của TP” - đề án nêu.
Đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, TP sẽ bố trí, sắp xếp, điều chuyển sang các đơn vị (xã, phường, thị trấn) trong quận, huyện còn thiếu. Trường hợp dôi dư không bố trí, sắp xếp được thì giải quyết theo hướng như trên.
Không thu phí khi chuyển đổi giấy tờ do sắp xếp
Kèm theo tờ trình, Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tác động của Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM.
Liên quan đến tác động về cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công, báo cáo cho hay UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND các quận, phường tại những ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp chủ động triển khai, hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan do thay đổi địa giới ĐVHC.
Việc chuyển đổi được thực hiện ngay khi nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp có hiệu lực thi hành, đảm bảo công khai trên cổng thông tin điện tử, trụ sở UBND cấp huyện, cấp xã, thông báo đến các tổ dân phố... Việc chuyển đổi phải tạo thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức, không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ do thực hiện sắp xếp ĐVHC.
Trường hợp cá nhân, tổ chức chưa chuyển đổi các loại giấy tờ được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo ĐVHC cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn tiếp tục được sử dụng tại ĐVHC mới.
|
ĐỨC MINH
Pháp luật TPHCM
|