Petrolimex lãi ròng 853 tỷ đồng trong quý 3, giảm 5% so cùng kỳ
Quý 3/2020 tiếp tục ghi nhận đà hồi phục kết quả kinh doanh của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX). Công ty báo lãi ròng hơn 853 tỷ đồng, cao hơn kết quả quý 2 liền trước và chính thức có lãi trở lại sau 9 tháng.
PLX vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2020 với doanh thu thuần gần 27,462 tỷ đồng, giảm 44% so cùng kỳ; lợi nhuận gộp thu được hơn 3,136 tỷ đồng, giảm 3%. Sau khi trừ đi các khoản, PLX có lãi ròng hơn 853 tỷ đồng, giảm 5% so cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 của PLX. Đvt: Đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 của PLX
|
Với Công ty mẹ, đơn vị này báo lãi ròng quý 3/2020 ở mức 704 tỷ đồng, tăng 79% so cùng kỳ. PLX cho biết kết quả đi lên chủ yếu do chính sách điều hành giá bán nội bộ giữa Công ty mẹ và các công ty xăng dầu thành viên để đảm bảo mục tiêu của Tập đoàn trong từng chu kỳ kinh doanh. Thứ 2 là việc giá xăng dầu thế giới đã tăng trở lại sau chu kỳ giảm mạnh vào cuối quý 1/2020 và biến động trong biên độ nhỏ, nên trong quý 3 không phải dự phòng giảm giá hàng tồn. Ngoài ra, lợi nhuận tài chính trong kỳ gia tăng nhờ khoản cổ tức lợi nhuận được chia của các công ty con, công ty liên kết.
Như vậy cùng với kết quả quý 2 liền trước, PLX đã xóa sạch con số lỗ ròng gần 1,900 tỷ đồng trong quý 1/2020. Lũy kế 9 tháng đầu năm, ông lớn ngành xăng dầu đã đem về hơn 92,647 tỷ đồng doanh thu thuần và 37 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt giảm 34% và 99% so cùng kỳ.
Tính tới thời điểm 30/09, PLX đang có tổng tài sản gần 57,472 tỷ đồng, giảm 7% so với hồi đầu năm. Giá trị hàng tồn ghi nhận ở mức 8,423 tỷ đồng, giảm 29%; Công ty dự phòng giảm giá hàng tồn số tiền 92 tỷ đồng, tăng 64%. Nhớ lại trong quý đầu năm, việc trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo quy định với số tiền khoảng 1,500 tỷ đồng chính là nguyên nhân khiến PLX thua lỗ lịch sử gần 1,900 tỷ đồng.
Cho năm 2020, Ban lãnh đạo PLX đề ra các giải pháp về hoạt động kinh doanh xăng dầu như: Đảm bảo đủ nguồn hàng trong mọi tình huống và kinh doanh có hiệu quả, trong đó chú trọng tạo nguồn từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước (Dung Quất và Nghi Sơn); đẩy mạnh hoạt động pha chế, tích cực làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước để được sử dụng nguồn xăng nền có trị số octan thấp (như Ron88/Naptha) nhằm chủ động tạo nguồn và nâng cao hiệu quả kinh doanh; tổ chức thay thế, tiêu thụ nhiên liệu hàng hải mới; tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để tận dụng, gia tăng tiện ích tại hệ thống CHXD;…
Tập đoàn ENEOS Corporation đã gom 13 triệu cp PLX
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, diễn biến đáng chú ý trong quý 3 là việc ENEOS Corporation, Tập đoàn đứng đầu về bán lẻ xăng dầu tại Nhật Bản, đã mua vào 13 triệu cp PLX. Các giao dịch được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 27/08-14/09/2020.
Như vậy, ENEOS Corporation đã nắm 13 triệu cp tương đương 1% vốn tại PLX. Tính chung với công ty con (của ENEOS) là Công ty TNHH Tư vấn và Holdings JX Nippon Oil & Enegry Việt Nam, nhóm cổ đông này hiện nắm 9% vốn tại PLX.
Trước đó, PLX đăng ký thoái 13 triệu cp quỹ từ ngày 27/08-25/09/2020, trùng với thời gian mà ENEOS Corporation mua vào. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, Ban lãnh đạo PLX cũng chia sẻ Công ty đã liên lạc với nhà đầu tư chiến lược JX Nippon Oil & Energy (đơn vị liên quan với ENEOS Corporation) để chào bán lượng cổ phiếu quỹ. Ông Toshiya Nakahara - Thành viên HĐQT PLX - hiện cũng là Thành viên HĐQT ENEOS Corporation.
Cổ phiếu PLX trên sàn HOSE ghi nhận tăng giá 13% kể từ đáy hồi cuối tháng 7. Trong phiên giao dịch chiều ngày 03/11, PLX đang được giao dịch quanh mức giá 48,350 đồng/cp.
Diễn biến giá cổ phiếu PLX qua 6 tháng. Đvt: Đồng
|
Duy Na
FILI
|