Thứ Sáu, 13/11/2020 19:02

Nikkei: Vietjet hợp tác với UPS để vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và Mỹ

Hãng hàng không Vietjet (HOSE:VJC) và Dịch vụ Bưu Chính Mỹ (UPS) – công ty vận chuyển hàng hóa lớn nhất thế giới – thông báo đã bắt đầu hợp tác để vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không giữa châu Á và nước Mỹ, nguồn tin từ Nikkei Asia cho biết.

Từ tháng 9, hãng hàng không chi phí thấp Vietjet và UPS đã bắt đầu tập hợp hàng may mặc, hải sản, sản phẩm y tế và nhiều sản phẩm khác từ Việt Nam, Thái Lan và các nước láng giềng, rồi chuyển từ Hà Nội đến Mỹ trên các chuyến bay hàng tuần quá cảnh ở Incheon (Hàn Quốc).

Hai công ty cũng hợp tác vận chuyển hàng hóa giữa Bangkok, Kuala Lumpur, Hà Nội và Tp.HCM.

Như nhiều hãng hàng không khác giữa đại dịch, Vietjet cũng chịu đòn giáng vì nhu cầu thấp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam đón gần 3.8 triệu lượt du khách trong 9 tháng đầu năm 2020, giảm 70.6% so với cùng kỳ. Hãng hàng không này phải tạm ngưng hầu hết dịch vụ xuyên biên giới, chỉ vận hành 15,000 chuyến bay trong quý 3/2020 (chủ yếu tại Việt Nam và Thái Lan), giảm từ mức 34,000 chuyến bay đến khắp 12 quốc gia châu Á trong quý 3/2020.

Tuy vậy, triển vọng của Vietjet vẫn khá tích cực. “Vietjet là một trong những hãng hàng không đầu tiên tại châu Á chuyển hướng sang vận chuyển hàng hóa như một phần của chiến lược mới giữa đại dịch Covid-19”, ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng Giám đốc tại Vietjet kiêm CEO phụ trách hoạt động vận tải hàng hóa tại Vietjet Air Cargo, cho biết trong một tuyên bố.

Vietjet là một trong những hãng đầu tiên sử dụng khoảng trống trên khoang chở khách để vận tải hàng hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Thỏa thuận hợp tác với UPS nhiều khả năng giúp Vietjet mở rộng mảng vận tải hàng hóa.

Trong 10 năm qua, Việt Nam là một trong những nước có tăng trưởng xuất khẩu cao nhất thế giới, nhất là khi chuỗi cung ứng công nghệ bắt đầu chuyển hướng ra khỏi Trung Quốc.

Trước năm 2020, chi phí ngày càng tăng tại Trung Quốc và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang dần dần thôi thúc các công ty chuyển sang Việt Nam và những quốc gia lân cận. Thế nhưng, Việt Nam có lợi thế, nhờ đường bờ biển dài dọc theo các tuyến đường vận chuyển, và đã từng có nhiều thỏa thuận thương mại thành công với các quốc gia Đông Nam Á.

Đại dịch Covid-19 càng nâng vị thế của Việt Nam, khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy thúc các doanh nghiệp đa dạng hóa ra khỏi Trung Quốc.

“Sự hợp tác với UPS dọn đường để Vietjet biến Hà Nội, Tp.HCM và Bangkok trở thành trung tâm logistics khu vực đối với các dịch vụ vận tải hàng hóa chỉ có 1 điểm đến từ châu Á đến các quốc gia phương Tây”, ông Quang nhấn mạnh.

Việt Nam lo ngại dịch Covid-19 sẽ phá vỡ hoạt động thương mại toàn cầu - vốn là một đầu kéo tăng trưởng của đất nước hình chữ S. Thay vào đó, nền kinh tế này lại được hưởng lợi từ xuất khẩu khi các nước phương Tây mua các sản phẩm gia công và các quốc gia châu Á khác khóa chặt nền kinh tế của họ.

Ông Russell Reed, Giám đốc điều hành UPS khu vực Việt Nam và Thái Lan, cho biết Việt Nam “sắp hưởng lợi từ sự thay đổi của dòng chảy sản xuất và thương mại toàn cầu”.

Đại dịch đã sớm gây ra mối đe dọa đối với việc chuyển dịch hàng hóa quốc tế sau khi các hãng hàng không cắt giảm các chuyến bay chở khách. Được biết, các nhà xuất khẩu cũng dựa vào các chuyến bay này để vận chuyển hàng hóa. Cùng lúc đó, nhu cầu hàng hóa tăng vọt gây ra tình trạng thiếu container. Việc hợp tác với UPS và Vietjet đánh dấu một nỗ lực để điều chỉnh lại ngành logistics trong bối cảnh đại dịch.

Việt Nam đặt mục tiêu tổng sản phẩm quốc nội tăng trưởng 2.0% -2.5% vào năm 2020, có thể là một trong những mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới trong năm nay. Khi xuất khẩu tăng mạnh, VinaCapital – quỹ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam - ước tính thặng dư thương mại của Việt Nam có thể đạt mức kỷ lục 9% GDP trong 12 tháng kết thúc vào tháng 10.

Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)

FILI

Các tin tức khác

>   NVL: Nghị quyết HĐQT về việc thông qua giao dịch với bên có liên quan (13/11/2020)

>   SVT: Nghị quyết HĐQT về việc thoái vốn đầu tư (13/11/2020)

>   MCF: Nghị quyết Hội đồng quản trị (13/11/2020)

>   PGN: Nghị quyết Hội đồng quản trị (13/11/2020)

>   JVC: Nghị quyết HĐQT về việc bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc Công ty (13/11/2020)

>   SPV: Thông báo chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHĐCĐ bất thường năm 2020 (13/11/2020)

>   HTC: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (13/11/2020)

>   SGR: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 15 (13/11/2020)

>   TCH: Nghị quyết HĐQT về các nội dung họp định kỳ của HĐQT quý 3.2020 (13/11/2020)

>   TLD: Biên bản họp và Nghị quyết HĐQT về việc triển khai chi trả cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu (13/11/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật