Những cổ phiếu thường tăng trong tháng 11
VN-Index tăng 2.24% trong tháng 10, cũng là tháng tăng điểm thứ ba liên tiếp của chỉ số. Chọn nơi để rót tiền trong bối cảnh nhiều cổ phiếu đã tăng hàng chục phần trăm là thách thức không nhỏ.
Tại HOSE, có 19 cổ phiếu duy trì được thành tích tăng giá trong tất cả các tháng 11 giai đoạn 2017-2019. Trong đó phải kể đến những cái tên có thanh khoản lên đến hàng triệu đơn vị giao dịch bình quân mỗi phiên như BID, KBC, HCM, VND hay TCH.
Tháng 11 là thời điểm mùa BCTC vừa trôi qua. Tuy nhiên, những con số tăng trưởng của kết quả kinh doanh thậm chí không phải là bảo chứng cho sự tăng giá của cổ phiếu ngay sau đó. Đơn cử trong nhóm kể trên, CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (HOSE: TCH) có doanh thu tăng trên 290% và lãi ròng tăng gần 120% nhưng cổ phiếu giảm gần 13% kể từ ngày BCTC được công bố (19/10/2020).
Cổ phiếu HOSE tăng trong tất cả tháng 11 giai đoạn 2017-2019
|
Nếu so sánh với VN-Index cùng giai đoạn, có 6 cổ phiếu vượt qua chỉ số chính của thị trường (TCH, SJS, DHC, DBD, BID, VND) trong mọi tháng 11.
VN-Index tháng 11
Nguồn: VietstockFinance
|
Đối với chiều giảm, có 13 cổ phiếu niêm yết HOSE chứng kiến thị giá đi lùi trong tất cả tháng 11 những năm 2017-2019. Trong đó, bao gồm những cái tên đáng chú ý như HBC, ROS, TTF.
Cổ phiếu HOSE giảm trong tất cả tháng 11 giai đoạn 2017-2019
Nguồn: VietstockFinance
|
Tháng 11/2020 có thể sẽ tiếp tục là khoảng thời gian kém vui với những nhà giao dịch nắm giữ TTF khi cổ phiếu này đã sụt gần 11.9% sau 2 phiên giao dịch đầu tháng (02-03/11).
CTCP Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) bước sang năm thứ tư của cuộc tái cấu trúc sau bê bối hàng tồn kho bốc hơi vào năm 2016. Những cổ phiếu “xác sống hồi sinh” luôn thu hút sự chú ý của thị trường. Quá khứ u ám với những khoản lỗ lũy kế, khoản nợ ngàn tỷ vẫn thể hiện tại BCTC của TTF, trong khi đó, các nhà máy mới và những đợt tuyển dụng nhân sự liên tục hun đúc kỳ vọng về sự trở lại của vua gỗ một thời.
Chuỗi tăng điểm liệu có nối dài trong tháng 11?
VN-Index tăng 2.24% trong tháng 10, cũng là tháng tăng điểm thứ ba liên tiếp của chỉ số bất chấp khối ngoại liên tục bán ròng hàng ngàn tỷ đồng. Bước sang tháng 11, thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ đối diện một yếu tố rủi ro tiềm tàng là sự bất ổn tại chính trường Mỹ sau khi kết quả bầu cử Tổng thống được công bố. Trước đó, ông Trump từng cho biết có thể sẽ không chấp nhận kết quả bỏ phiếu nếu thất cử. Ai sẽ là Tổng thống Mỹ tiếp theo là mắc xích trọng yếu quyết định số phận của gói hỗ trợ ngàn tỷ USD của Chính phủ Mỹ - thứ được giới đầu tư kỳ vọng là động lực tiếp theo thúc đẩy sự hồi phục của nền kinh tế.
Các thị trường chứng khoán toàn cầu có xu hướng dịch chuyển tương quan trong thời kỳ biến động phức tạp. Tuy nhiên, sự phân hóa giữa các nền kinh tế đã kiểm soát thành công dịch bệnh và những quốc gia đối mặt với làn sóng thứ hai thảm khốc đang bắt đầu nới lỏng dây cương của sự tương quan.
Biến động tại một số thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay
Chiếu theo các chỉ số cổ phiếu chính của thị trường mục tiêu. Nguồn: Bloomberg
|
Việt Nam thuộc số ít nền kinh tế có thể tăng trưởng trong năm 2020, nhờ đó, VN-Index chỉ giảm 2.69% lũy kế đến ngày 03/11. Trong khi đó, thị trường cùng khu vực là Philippines - quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 nhiều thứ hai tại Đông Nam Á (sau Indonesia) - sụt hơn 19%. Các thị trường chứng khoán lớn tại châu Âu, nơi đang đối diện làn sóng dịch bệnh thứ hai nặng nề, chịu mức giảm hai chữ số.
Những lợi thế của Việt Nam như quá trình kiểm soát dịch bệnh thành công, tiềm năng của một trung tâm đón dòng vốn FDI toàn cầu, các kế hoạch đầu tư công được đốc thúc, những thay đổi chính sách nhằm hiện đại hóa thị trường tài chính… được kỳ vọng là nam châm thu hút dòng vốn vào cổ phiếu trong giai đoạn sau của đại dịch.
Thừa Vân
FILI
|