Thứ Năm, 26/11/2020 16:22

Ngân hàng cần thay đổi để thúc đẩy số hóa nền kinh tế

Tại Hội thảo “Vai trò dịch vụ ngân hàng bán lẻ trong việc thúc đẩy số hóa nền kinh tế thời kỳ hậu Covid” diễn ra sáng ngày 26/11/2020, các chuyên gia chia sẻ nhiều vấn đề cho thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số hậu Covid-19 và nêu ra những kiến nghị thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Các diễn giả tại buổi Hội thảo sáng ngày 26/11/2020.

Covid-19 tạo ra bước nhảy vọt trong thanh toán không dùng tiền mặt

Ông Nguyễn Toàn Thắng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nặng nề đến nền kinh tế, các giao dịch ngân hàng trực tuyến trở nên quan trọng và có mức tăng đột biến trong thời kỳ cao điểm dịch bệnh. Đằng sau đó, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ mới, hiện đại như công nghệ phi tiếp xúc, ứng dụng sinh trắc học trong xác thực khách hàng, tích hợp các dịch vụ khác nhau trên cùng ứng dụng, giao dịch từ xa… Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa các ngân hàng và công ty Fintech cũng được đẩy mạnh, giúp các ứng dụng phát triển và cung ứng sản phẩm, dịch vụ hiện đại nhanh hơn nhiều so với vài năm trước.

Số liệu của các ngân hàng cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng khách hàng thực tế sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, đặc biệt là internet banking, mobile banking tăng cao so với cùng kỳ năm 2019, từ 1.4-2.6 lần, và chiếm trên 40% tổng số giao dịch, cá biệt có một vài ngân hàng có tỷ lệ trên 80% tổng giao dịch. Đặc biệt, thanh toán không dùng tiền mặt có sự dịch chuyển mạnh trong cơ cấu giao dịch. Theo số liệu của CTCP Thanh toán quốc gia (NAPAS), giao dịch chuyển mạch của khách hàng qua NAPAS từ chỗ chủ yếu là giao dịch rút tiền mặt từ ATM (chiếm gần 90% tổng giao dịch), đến năm 2020 giảm xuống còn 26.6%, trong khi tổng số lượng giao dịch chuyển tiền nahnh 24/7 tăng từ chỗ chỉ chiếm 1.1% (năm 2015) đã đạt 66.6% số lượng giao dịch vào năm nay. Giá trị giao dịch cũng dịch chuyển tương ứng tỷ trọng tổng giá trị giao dịch rút tiền mặt qua ATM, giảm từ 84.4% năm 2015 xuống chỉ còn 5.4% năm 2020, lượng giá trị giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 tăng 11 lần, từ 6.3% năm 2015 lên 93.5% năm 2020.

Chưa dừng lại ở đó, dịch Covid-19 đã tạo bước nhảy vọt trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và các con số thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ ra điều này. Trong 6 tháng đầu năm 2020, có 200 triệu giao dịch thanh toán qua Internet với giá trị khoảng 12.9 triệu tỷ đồng, tăng 36% so cùng kỳ. Số lượng giao dịch qua điện thoại di động lên tới 472 triệu giao dịch (bằng 178% năm 2019) với giá trị giao dịch khoảng 4.9 triệu tỷ đồng (bằng 177% năm 2019).

Trong 6 tháng đầu năm, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN đã xử lý khoảng 69.2 triệu giao dịch, giá trị xấp xỉ 50 triệu tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ. Hệ thống chuyển mạch tài chính bù trừ điện tử đã xử lý gần 498 triệu giao dịch, đạt 3.9 triệu tỷ đồng, tăng 72.4% về số lượng và tăng 102.8% về giá trị so cùng kỳ.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, trong năm 2021 và những năm tới, khi dịch Covid-19 được khống chế tốt hơn, kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi, ngành ngân hàng cần có sự bứt phá để góp phần quan trọng và việc thúc đẩy tiến trình số hóa nền kinh tế.

TPHCM là thị trường tiềm năng phát triển ngân hàng bán lẻ

Riêng TPHCM, ông Trần Đình Cường – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước CN TPHCM cho biết số dân đang sinh sống tại TPHCM khoảng 13 triệu, nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, chuyển tiền, thanh toán của người dân rất lớn, đó là thị trường tiềm năng để phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán. Dân số đông dẫn đến nhu cầu thanh toán hàng hóa, dịch vụ trong nhiều lĩnh vực như: Nhu cầu thanh toán hàng hóa tiêu dùng; thanh toán các dịch vụ lưu trú ăn uống, lữ hành của khách du lịch; thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, học phí, viện phí, thu chi bảo hiểm xã hội, nộp thuế, thanh toán phí dịch vụ công trực tuyến… Đây là thị trường tiềm năng cho việc phát triển thanh toán qua internet banking, Mobile banking của các ngân hàng và phát triển dịch vụ giá trị gia tăng của các Ví điện tử.

Các dịch vụ ngân hàng điện tử phát triển nhanh đáp ứng nhu cầu giao dịch trực tuyến của khách hàng, số lượng khách hàng tham gia sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến từ 2016-2019 bình quân năm tăng gần 30%.

Thị trường thẻ ở TPHCM khá phát triển, tính đến tháng 10/2020, số lượng thẻ đang hoạt động tăng 8.45% so với cuối năm 2019, sản phẩm thẻ nội địa vẫn là sản phẩm chủ yếu của các ngân hàng trong nước, thẻ nội địa hiện chiếm 69.25%; các điểm chấp nhận thanh toán chủ yếu đặt tại các cửa hàng, trung tâm thương mại, du lịch, nhà hàng... trên địa bàn TPHCM để phục vụ nhu cầu mua sắm, thanh toán nhanh chóng của người dân.

Ông Cường cho biết hiện nay, các ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số để nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ. Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới đã đem lại sự thay đổi rõ rệt về phương thức thực hiện giao dịch; nhờ số hóa các quy trình, nghiệp vụ ngân hàng, khách hàng có thể thực hiện hầu hết giao dịch ngân hàng cơ bản như gửi tiền tiết kiệm, thanh toán, chuyển tiền... bằng hình thức trực tuyến. Ngoài ra, một số ngân hàng (VPBank, TPBank, HDBank, Bản Việt,...)  được phép triển khai thí điểm áp dụng phương thức định danh điện tử (eKYC), là nền tảng để xây dựng mô hình ngân hàng số toàn diện, đem lại cơ hội tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Về phía người tiêu dùng, do tác động của dịch Covid-19 vừa qua, việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã hình thành thói quen sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến của nhiều người dân, điều này tạo thuận lợi cho các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cung ứng sản phẩm mới trên nền tảng ngân hàng số.

Ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV chia sẻ thêm về tác động của dịch Covid-19 đối với ngân hàng bán lẻ trên thế giới và tại Việt Nam. Ông Lực nhận định các loại rủi ro (tín dụng, thị trường, hoạt động, thanh khoản, pháp lý…) đều tăng. Khẩu vị rủi ro về tín dụng và đầu tư của các ngân hàng thay đổi theo hướng thận trọng hơn. Ngoài ra, tâm lý, hành vi nhu cầu về tiêu dùng, đầu tư và vay mượn của khách hàng thay đổi, đòi hỏi các ngân hàng phải thay đổi theo. Số liệu cho thấy tại Việt Nam, 63% số người được khảo sát sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn sau đại dịch.

Nhân sự là vấn đề cần giải quyết của các ngân hàng

Ông Nguyễn Hải Long - Phó Tổng Giám đốc Agribank cho hay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trước xu hướng bùng nổ của công nghệ, ngân hàng cũng xác định chiến lược phát triển sản phẩm dịch vụ theo hướng tập trung nâng cao trải nghiệm và đáp ứng đồng bộ nhu cầu tài chính của khách hàng. Agribank đang triển khai thử nghiệm mô hình ngân hàng tự động áp dụng định danh khách hàng điện tử (eKYC) bằng công nghệ sinh trắc giúp khách hàng đăng ký thông tin, mở tài khoản trực tuyến…

Trong quá trình này, một trong những vấn đề gây đau đầu cho lãnh đạo ngân hàng là bài toán nguồn nhân lực, khi nhân sự liên quan đến lĩnh vực công nghệ, số hoá… không nhiều nhưng lại rất dễ nhảy việc.

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc VietinBank cũng thừa nhận các ngân hàng không chỉ cạnh tranh với nhau về nhân sự mà còn bị cạnh tranh bởi các công ty tài chính công nghệ (fintech), khi họ sẵn sàng trả lương cao hơn để lôi kéo. Nhu cầu thị trường cao nhưng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được.

Ông Phùng Duy Khương - Phó Tổng Giám đốc VPBank lại xem làn sóng nhân sự nhảy việc như kỳ luân chuyển, đang tạo ra yếu tố tích cực và cạnh tranh trên thị trường.

Đại diện các ngân hàng có mặt tại buổi Hội thảo nêu ra những vấn đề để thúc đẩy chuyển đổi số. Thứ nhất, cần có các Đại học đào tạo chuyên sâu về Fintech. Thứ hai, các ngân hàng tham gia vào, tạo điều kiện định hướng chuyển đổi số cho nhân lực mới trong tương lai. Thứ ba, cần có liên minh giữa các ngân hàng trong chuyển đổi số. Chuẩn bị như thế nào cho các vị trí mới, phân tích trải nghiệm khách hàng, quản lý rủi ro, an ninh mạng... Tham gia, kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số.

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   Gửi tiết kiệm ở đâu 10 triệu đồng, có quà và cơ hội trúng 1 tỷ? (26/11/2020)

>   Sacombank nâng cấp công nghệ bảo mật thanh toán trực tuyến mới nhất  (25/11/2020)

>   HDBank nhận Giải thưởng Chất lượng Thanh toán quốc tế xuất sắc 3 năm liên tiếp (25/11/2020)

>   Đại án DongA Bank giai đoạn 2: Phạm tội có tính hệ thống (25/11/2020)

>   Ngân hàng khấu trừ thuế trên tài khoản khách hàng: Mọi giao dịch đều bị kiểm soát? (25/11/2020)

>   Sở Giao dịch NHNN giảm giá USD mua vào sau 1 năm giữ cố định (24/11/2020)

>   Trần Phương Bình bị VKS đề nghị án chung thân, bồi thường hơn 75,6 tỉ đồng (24/11/2020)

>   Cổ đông chiến lược DOJI muốn gom gần 12 triệu cp TPBank (23/11/2020)

>   Kienlongbank chuẩn bị họp ĐHĐCĐ bất thường, bầu bổ sung thành viên HĐQT (23/11/2020)

>   Ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng định kỳ cho cơ quan thuế (22/11/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật