Mua đất xen kẹt, làm thế nào để tránh nếm 'trái đắng'?
So với giá của đất thổ cư (có sổ đỏ), đất xen kẹt rẻ hơn một nửa, vì thế rất nhiều người hám rẻ đã vội vàng xuống tiền mà không tìm hiểu kỹ.
“Đất xen kẹt” chỉ là cụm từ mà những người bán và mua loại đất này tự đặt tên, chứ trong luật định không có khái niệm này. Nói một cách dân dã, đất xen kẹt là đất vườn, đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư đô thị, hoặc đất dư sau quy hoạch chưa được công nhận là đất thổ cư (đất ở).
Thông thường, những loại đất này không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà chỉ được chuyển nhượng thông qua giấy tờ viết tay. Cũng chính vì quyền sử dụng đất mù mờ nên giá các loại đất này thường rẻ hơn 50 - 80% so với đất có đầy đủ giấy tờ ở cùng khu vực.
Có nên ham rẻ mua đất xen kẹt? (Ảnh minh họa)
|
Đơn cử, tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) giá chào bán đất xen kẹt từ 22 -25 triệu đồng/m², trong khi giá thị trường đất đã có sổ đỏ tại đây khoảng 40 -60 triệu đồng/m².
Còn tại khu vực Hà Đông, loại đất xen kẹt chào bán từ 8-15 triệu đồng/m² trong khi giá thị trường của đất thổ cư dao động từ 20-25triệu đồng/m². Đất xen kẹt tại Vĩnh Hưng, Định Công Thượng (Hoàng Mai) có giá bán 13-18 triệu đồng/m², đất đã có sổ đỏ là 40-50 triệu đồng/m².
Đất xen kẹt ở Ngọc Trục, Đại Mỗ, Phú Diễn, Tân Mỹ, Mễ Trì Thượng (Nam Từ Liêm) là 13-25 triệu đồng/m², bằng 1/2 giá thị trường của những mảnh đã đầy đủ pháp lý (20-40 triệu đồng/m²).
Tuy giá rẻ nhưng theo giới chuyên gia, mua đất xen kẹt cũng không khác chơi 1 canh bạc mà người mua có thể mất trắng bất cứ lúc nào.
Anh Nguyễn Văn Nam (Thái Bình) cho biết, cách đây 4 năm, anh từng mua một mảnh đất xen kẹt bên Gia Lâm với giá khá rẻ. Trong thời gian mua, anh cũng đã hỏi han kỹ lưỡng và xem xét địa bàn, cứ ngỡ dự án gần khu đất nhà mình, khi triển khai mảnh đất đó sẽ lên giá. Nhưng không ngờ anh Nam trắng tay vì đất đã mua thuộc vào quy hoạch làm đường của địa phương.
Vợ chồng anh Tiến (Hà Đông, Hà Nội) cũng là một trong những trường hợp phải "nếm trái đắng" vì mạo hiểm đầu tư đất xen kẹt. Thu nhập của hai vợ chồng anh cũng thuộc hàng trung bình (khoảng 20 triệu đồng/tháng), có nằm mơ họ cũng không dám nghĩ tới một ngôi nhà ở Hà Nội.
Cách đây khoảng 3 năm, nghe theo lời khuyên của bạn bè hai vợ chồng đã vay mượn họ hàng được hơn 700 triệu để mua một mảnh đất nhỏ 50m² tại khu vực Mỹ Đình, Hà Nội. Anh Tiến chia sẻ, đây là mảnh đất xen kẹt nằm trong ngõ và không có sổ đỏ.
Theo như lời cò đất, chỉ sau khoảng 1 năm họ sẽ lo cho giấy tờ, thủ tục để chuyển đổi sang thành đất thổ cư, khi đó an tâm để xây dựng nhà cửa. Tuy nhiên đã 3 năm vợ chồng anh Hoà vẫn chưa thể làm được sổ đỏ cho miếng đất giá trị hơn 700 triệu đồng.
Không có sổ đỏ, nên mảnh đất đến nay vẫn đang để không vì không được cấp phép xây dựng, dù chỉ là nhà tạm.
Theo các chuyên gia bất động sản, đất xen kẹt bề ngoài thì hấp dẫn, nhưng bên trong lại tiềm ẩn muôn vàn rủi ro, không cẩn thận thì nhà đầu tư rất dễ mất trắng.
Vì vậy, nếu muốn mua đất xen kẹt, nhà đầu tư nên xem xét kỹ những điều như: Tìm hiểu thông tin quy hoạch và chủ sở hữu tại cơ quan chức năng địa phương.
Làm hợp đồng mua bán bằng văn bản, có đầy đủ chữ ký của 2 bên và nên có thêm xác nhận của bên thứ 3 để đề phòng trường hợp xảy ra kiện tụng về sau.
Đối với trường hợp đất có giấy chứng nhận quyền sở hữu, phải kiểm tra kỹ lưỡng và làm đúng các thủ tục mua bán.
Như vậy, dù giá bán rẻ nhưng việc mua đất xen kẹt tiềm ẩn rủi ro rất cao, người mua phải cân nhắc thật kỹ trước khi xuống tiền đầu tư vào loại hình này, đồng thời, tìm hiểu rõ thông tin nguồn gốc, giấy tờ thửa đất, quy định quy hoạch của địa phương tại nơi có đất để tránh thiệt thòi, tranh chấp đất sau này.
Ngọc Vy
VTCNews
|