Mã nguồn của Giao Hàng Tiết Kiệm bị tung lên mạng
Một trong những đơn vị vận chuyển hàng hóa lớn nhất Việt Nam là Giao Hàng Tiết Kiệm, đang đối mặt với nguy cơ rò rỉ và bị khai thác thông tin khách hàng.
Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi với trên 1.000 chi nhánh khắp Việt Nam, hơn 20.000 nhân viên hoạt động. Đơn vị có tập khách hàng khổng lồ với đầy đủ thông tin gồm tên, số điện thoại, địa chỉ cư trú/giao nhận hàng cùng lịch sử giao dịch.
Mới đây, blog cá nhân của một hacker sử dụng tên Elliot Alderson (nhân vật giả tưởng là kỹ sư an ninh mạng trong series phim Mr. Robot của Mỹ) cho biết một nhóm tin tặc trên internet đã khai thác và trao đổi hơn 4 GB dữ liệu mã nguồn của GHTK. Kẻ tấn công vào mã nguồn của GHTK cho biết hành vi được thực hiện thành công nhờ phát hiện được lỗ hổng quan trọng cho phép y xem, chỉnh sửa, thay đổi các đoạn mã tùy thích.
“Để tận dụng, tôi đã tải hết toàn bộ xuống. Nhưng giờ lỗ hổng đó bị vá rồi”, kẻ tấn công chia sẻ thêm.
Thông tin trên được một nhóm kỹ sư an ninh mạng xác thực sau khi có được các bằng chứng. Tuy nhiên tin tặc không chia sẻ thêm chi tiết về các lỗ hổng giúp chúng thực hiện vụ tấn công. Dựa trên phỏng đoán của nhóm an ninh, lỗi có thể do sơ suất cấu hình DevOps của các lập trình viên hay quản trị hệ thống, hoặc cũng có thể do sử dụng mật khẩu yếu.
Hình ảnh tin tặc sử dụng để chứng minh đã lấy được mã nguồn của GHTK Ảnh chụp màn hình
|
Một chuyên gia an ninh nói: “Không loại trừ khả năng tin tặc có tác động tới ai đó trong GHTK và truy cập được vào hệ thống, sau đó phát hiện ra các lỗ hổng truy cập vào máy chủ. Có thể nói chiến thuật điều khiển nạn nhân để có được thông tin mật luôn là điểm yếu nhất trong bảo mật thông tin bởi chẳng bao giờ có bản vá nào cho sự khờ dại của con người”.
Việc mất kiểm soát mã nguồn trên internet cũng giống như giao sơ đồ ngân hàng vào tay kẻ trộm vậy. GHTK không phải là công ty đầu tiên trên thế giới đối mặt với hiểm họa từ việc mất dữ liệu hay rò rỉ mã nguồn. Hiện có hàng chục công ty lớn nhỏ khác nhau, từ Microsoft, Adobe, Lenovo tới Nintendo, Disney… là nạn nhân của tin tặc.
Vẫn chưa có nguồn tin nào xác nhận các dữ liệu cá nhân của khách hàng GHTK đã bị khai thác từ vụ việc nêu trên.
Anh Quân
Thanh niên
|