Trong bản báo cáo giữa năm vào tháng 7, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) dự báo tỉ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng nước này có thể tăng vọt trên 12,5% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2021, so với con số 8,5% của năm tài khóa kết thúc tháng 3-2020. Tỉ lệ nợ xấu còn có thể tăng lên 14,7% do những ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, cơ hội thâm nhập thị trường ngân hàng của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á lại mở ra.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói tỉ lệ tăng trưởng nợ xấu của Ấn Độ đứng đầu trong khối G20 trong 5 năm qua. Ấn Độ đang lâm vào suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh, số ca nhiễm hiện gần 10 triệu người và số ca tử vong gần 135.000 người. Ấn Độ là nền kinh tế chịu nhiều tổn thất nặng vì dịch bệnh, chỉ xếp sau Mỹ, với dự báo kinh tế tăng trưởng âm 9,5% trong năm nay. Đây cũng là lần đầu tiên kinh tế Ấn Độ rơi vào suy thoái kể từ năm 1979.
Khủng hoảng tín dụng của Ấn Độ bắt nguồn từ tình trạng nợ xấu kéo dài trong nhiều năm qua. Đồ họa: Nikkei Asia
|
Nợ xấu nhấn chìm nền kinh tế
Nợ xấu của các ngân hàng đang kéo nền kinh tế Ấn Độ chìm trong bế tắc khi con số này vượt quá 10 lần tỉ lệ nợ xấu của các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới.
Giữa ngân hàng và cơ quan quản lý Ấn Độ vẫn tồn tại các định nghĩa khác nhau về nợ xấu. Vì thế, cách thức xử lý cũng khác nhau. Hãng tư vấn thuộc tập đoàn Nikkei dựa vào một yếu tố duy nhất để đánh giá khoản vay có thể trở thành nợ xấu hay không: Đó là khoản nợ mà các công ty không thể trả lãi suất bằng lợi nhuận có được.
Các doanh nghiệp này chiếm đến 21% tổng số nợ của các công ty lên sàn ở Ấn Độ có cung cấp giấy tờ và số liệu rõ ràng. Con số này gần gấp 5 lần con số trung bình toàn cầu là 4,3%. Tỉ lệ nợ xấu của các công ty ngành viễn thông là 30%, sắt thép và cơ sở hạ tầng khoảng 15%, riêng ở lĩnh vực năng lượng và dệt may tương đương với mức chung của ngành ngân hàng.
Sự sụp đổ của công ty tài chính Infrastructure Leasing & Financial Services (IL&FS) tháng 10-2018 đã buộc các cơ quan quản lý ở Ấn Độ siết chặt hơn nữa các quy định đối với các công ty tài chính phi ngân hàng. Tình trạng này khiến việc cho vay vô tội vạ ở nông thôn chấm dứt, nhưng cũng tạo khó khăn cho người dân nông thôn tiếp cận với các tổ chức tín dụng.
Khủng hoảng tài chính do IL&FS gây ra và dịch Covid-19 là hai đòn giáng mạnh nhất vào hệ thống ngân hàng Ấn Độ. “Hậu quả của hai sự kiện này sẽ sớm thể hiện trong các bản cân đối tài chính của ngân hàng. Các ngân hàng quốc doanh sẽ có tỉ lệ nợ xấu cao hơn và dễ vỡ nợ hơn”, nhà kinh tế trưởng Sunil Kumar của tổ chức India Ratings nhận định. Còn Thống đốc RBI Shaktikanta Das nói “tỉ lệ nợ xấu sẽ đạt đỉnh cao chưa từng có trong vòng sáu tháng tới”.
“Các ngân hàng đang phải cưu mang những vị khách thuộc các lĩnh vực kinh tế bị tổn thất nhiều nhất, hay các ngân hàng đang tìm các khoản bù đắp cho nợ có khả năng mất vốn và mức độ lợi nhuận trước khi trích quỹ dự phòng sẽ cần bổ sung vốn gấp. Về mặt này, các ngân hàng quốc doanh cấp bách hơn”, theo lời giám đốc Saswata Guha của Fitch Ratings.
Mức nợ xấu gia tăng trong đại dịch đã buộc ngân hàng trung ương RBI hành động. Hồi tháng 8, RBI “ép” các ngân hàng thương mại tăng vốn thêm 1.000 tỉ rupee, khoảng 13,4 tỉ đô la. Axis Bank, HDFC và ngân hàng tư nhân lớn nhất Ấn Độ ICICI Bank là những định chế đầu tiên đáp ứng được yêu cầu nâng vốn này. Thống đốc RBI Das đã thúc giục các ngân hàng nâng mức dự trữ bởi dịch bệnh và các biện pháp phong tỏa có thể làm gia tăng nợ xấu, “nuốt hết” dự trữ tiền mặt.
“Các ngân hàng phải cải thiện quản trị rủi ro, đồng thời phải tăng vốn để chuẩn bị ứng phó với tình hình mới thay vì chờ đợi khả năng xấu nhất xảy ra. Điều này cần thiết đối với cả hệ thống ngân hàng quốc doanh và tư nhân cần tăng vốn và quỹ dự phòng”, Thống đốc Das phát biểu.
Nền kinh tế Ấn Độ lâm vào suy thoái lần đầu tiên từ năm 1979, nhưng cũng tạo nhiều cơ hội tăng trưởng mới sau dịch. Ảnh: Reuters
|
Trong năm năm qua, chính phủ đã bơm 3.000 tỉ rupee, hơn 40,5 tỉ đô la, để duy trì vốn ở các ngân hàng quốc doanh thua lỗ theo yêu cầu của RBI. Hiện chính phủ Ấn Độ vẫn chưa tuyên bố sẽ tiếp tục bơm thêm vốn cho các ngân hàng quốc doanh.
“Tôi cho rằng đề nghị nâng vốn với các ngân hàng quốc doanh từ nguồn lực tư nhân không đủ để có thể giảm nhẹ các nguy cơ với nhóm ngân hàng này. Chính phủ vẫn chưa công bố thêm chính sách gì, nhưng tôi tin rằng dòng vốn từ chính phủ có thể hỗ trợ sáng kiến nâng vốn của các ngân hàng”, nhà phân tích Saswata Guha nói.
Trong gói cứu trợ gần 10 tỉ đô la công bố vào giữa tháng 10, chính phủ Ấn Độ đã ưu tiên kích thích tiêu dùng, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và các hỗ trợ dành cho công chức. Hệ thống ngân hàng quốc doanh bết bát đã không nằm trong danh sách ưu tiên.
Cơ hội cho ngân hàng nước ngoài
Tuần trước, tập đoàn ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) từ Nhật Bản đã tăng thêm 600 triệu đô la tiền vốn cho chi nhánh New Delhi của tập đoàn nhằm đón trước làn sóng hồi phục sau dịch. Với đợt châm vốn này, nguồn vốn của chi nhánh New Delhi đạt 1,2 tỉ đô la, lớn nhất trong các ngân hàng Nhật Bản đang hoạt động tại Ấn Độ.
Nguồn vốn mới giúp SMBC vượt qua “cửa khó” của luật Ấn Độ: không cho phép một ngân hàng cho vay hơn 20% số vốn đối với một khách vay. Thông cáo của SMBC nói “sự mở rộng của ngành chế tạo smartphone, các vụ sáp nhập đang gia tăng sau dịch tạo cơ hội mới cho ngân hàng Nhật Bản”.
Hôm 24-11, SMBC thông báo sẽ mở phòng kinh doanh thứ ba ở thành phố Chennai – cái nôi công nghiệp của Ấn Độ.
Trong khi đó, theo kế hoạch của ngân hàng trung ương RBI, Lakshmi Vilas Bank (LVB) – dưới sự kiểm soát của RBI – được ấn định sẽ trở thành ngân hàng chi nhánh của tập đoàn ngân hàng DBS của Singapore.
Chính phủ Ấn Độ đã áp các mức trần rút vốn với LVB kể từ khi ngân hàng thua lỗ này tìm kiếm đối tác để giải quyết khối nợ khổng lồ và các vấn đề về quản trị cuối năm ngoái. Kế hoạch xử lý LVB của ngân hàng trung ương Ấn Độ sẽ tạo cú hích giúp DBS đạt được tham vọng bành trướng của mình khi đại ngân hàng hàng đầu Đông Nam Á hiện chỉ có 30 chi nhánh ở Ấn Độ. Trong khi đó, LVB có trụ sở chính ở thành phố Chennai lại có mạng lưới rộng khắp với hơn 550 chi nhánh và trên 900 ATM khắp Ấn Độ.
“Đây là tín hiệu tốt cho DBS bởi sau khi sáp nhập họ đã có sẵn nguồn khách và mạng lưới chi nhánh. DBS từ lâu đã chờ cơ hội mở rộng kinh doanh ở Ấn Độ”, nhà phân tích Asutosh Mishra thuộc hãng môi giới chứng khoán Ashika Stock Broking nhận định. Vụ sáp nhập sẽ mang lại cho DBS nguồn khách khổng lồ dù rằng các khoản nợ xấu của LVB cũng lớn không kém.
“DBS sẽ có sẵn nguồn khách và người gửi tiết kiệm trị giá đến 210 tỉ rupee, tương đương 2,85 tỉ đô la, mà ngân hàng nước ngoài không dễ xây dựng được nếu thâm nhập thị trường Ấn Độ”, nhà phân tích Mona Khetan của hãng Dolat Capital phân tích.
Trong hồ sơ nộp Chính phủ Ấn Độ tuần rồi, DBS nói sẽ bơm thêm 25 tỉ rupee, khoảng 336 triệu đô la, cho chi nhánh ở Ấn Độ nếu ngân hàng trung ương RBI chuẩn thuận. Ngân hàng Singapore nói rằng nguồn tiền đến từ “các nguồn lực hiện có” của ngân hàng này.