Không để đường sắt Cát Linh-Hà Đông sai hẹn về đích lần thứ 9
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường kiến nghị Chính phủ tháo gỡ các khó khăn để dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vận hành cuối năm nay, không để sai hẹn về đích lần thứ 9.
Ngày 3-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội theo chương trình kỳ họp thứ 10. Vấn đề đường sắt đô thị nói chung và tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông nói riêng đã được đại biểu (ĐB) Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nêu ra tại phiên thảo luận.
Theo ĐB Nguyễn Phi Thường, trong bối cảnh các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM đang gặp áp lực về gia tăng dân số cơ học, tắc đường thì đường sắt đô thị được xem là giải pháp cứu cánh, then chốt của hai thành phố này.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu nhiều bất cập trong việc đầu tư xây dựng đường sắt đô thị - Ảnh: Quochoi.vn
|
Dù đây là xu hướng tất yếu và bức bách nhưng thực tế, việc xây dựng các tuyến đường sắt hiện nay có nhiều vấn đề mà "mẫu số chung" đó là tổng mức đầu tư lớn, đội vốn nhiều và chậm tiến độ, gây bức xúc dư luận. Điển hình là dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Bến Thành-Suối Tiên, Bến Thành-Tham Lương.
Đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, ĐB Nguyễn Phi Thường cho biết cử tri Hà Nội đặc biệt quan tâm đến dự án này, trong khi đó Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đã nhiều lần trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Tuy nhiên, vị ĐB cho rằng, dự án còn nhiều vướng mắc liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước, nghiệm thu, an toàn hệ thống. "Đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm chỉ đạo tháo gỡ để cuối năm vận hành, không để sai hẹn về đích lần thứ 9"- ĐB Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.
Về đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị nói chung, ĐB Nguyễn Phi Thường cho rằng cần chú ý đến quy hoạch đô thị, giao thông, làm sao để gắn kết dự án đường sắt với không gian đô thị. Hiện nay đường sắt đô thị chỉ tập trung vào yếu tố khả thi, kỹ thuật, ít chú ý tới sự liên kết phát triển không gian đô thị.
Đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn để dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông không lỡ hẹn về đích lần thứ 9
|
"Các dự án đường sắt dường như chỉ là một hệ thống "nhập khẩu", một phép cộng thuần túy cho một loại hình giao thông mới. Trong khi để một hệ thống đường sắt đô thị tồn tại theo đúng nghĩa vận tải công cộng thì phải có lượng người tham gia đông tương ứng. Việc đó chủ yếu phụ thuộc vào sự tiện nghi, phù hợp kết nối giữa nhà ga và đô thị"- ông Nguyễn Phi Thường phân tích và cho rằng đường sắt đô thị phải thuận lợi thì người dân mới lựa chọn.
Bên cạnh đó, hiện Việt Nam chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn hệ thống đường sắt đô thị nên khi triển khai dự án khó khăn, phụ thuộc vào nhà đầu tư, nước tài trợ vốn. Vấn đề khác nhau về công nghệ giữa các dự án cũng gây khó khăn trong quá trình kết nối mạng lưới hệ thống đường sắt đô thị.
Cuối cùng, ĐB Nguyễn Phi Thường cho rằng các tuyến đường sắt đô thị hầu hết là triển khai từ vốn ODA, ngân sách nhưng cũng khó khăn. Do đó, vị ĐB đề nghị xem xét triển khai mô hình đường sắt đô thị tư nhân như Tokyo (Nhật Bản) để các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư.
Minh Chiến - Văn Duẩn
Người lao động
|