Khốn đốn vì dính dự án 'ma'
Tình trạng lừa bán nhà đất 'ảo' này vẫn đang hoành hành, trong khi nạn nhân các dự án 'ma' trước đó đến nay vẫn mỏi mòn chờ... kết luận.
Người dân bức xúc căng băng rôn tố cáo dự án "ma” Thành Phát City 1. ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG
|
Thông tin cơ quan điều tra công an hàng loạt tỉnh thành liên tiếp phát lệnh truy nã các giám đốc bất động sản lừa bán nhà đất “ảo” cho thấy tình trạng này vẫn đang hoành hành. Trong khi đó, nạn nhân các dự án “ma” mà cơ quan điều tra vào cuộc trước đó đến nay vẫn mỏi mòn chờ kết luận.
Chưa biết kết quả ra sao
Ngày 29.11, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Bình Dương) cho biết vẫn đang xác minh nhiều đơn thư người dân tố giác tội phạm về hàng loạt dự án “ma”, lừa bán đất nền giá rẻ khi chưa đầy đủ thủ tục pháp lý.
Dự án Thành Phát City 1 sau khi đã bán cho nhiều người đến nay vẫn là bãi đất trống. ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG
|
Điển hình nhất là “dự án” mang tên Thành Phát City 1. Thông qua môi giới trên mạng, đầu năm 2019, anh Nguyễn Anh L. (ngụ Hà Tĩnh) đặt mua 1 nền đất (rộng 100 m2) với giá 315 triệu đồng tại “dự án” mang tên Thành Phát City 1 (xã Lai Hưng, H.Bàu Bàng, Bình Dương) do Công ty CP xây dựng và phát triển địa ốc Ba Thành Phát làm chủ đầu tư. Sau khi nộp tiền đầy đủ mà không được giao nền đất như cam kết, tháng 1.2020 anh L. cùng nhiều người đã đóng tiền mua đất nền tại Thành Phát City 1 (chủ yếu là công nhân) tìm đến thực địa dự án. “Đến nơi, chúng tôi phát hoảng khi nơi đây vẫn còn là khu đất trống. Chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư cho xem quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng công ty không đưa ra được”, anh L. nói.
Biết đã bị lừa nên nhiều nạn nhân liên tục kéo đến Công ty CP xây dựng và phát triển địa ốc Ba Thành Phát (đường Huỳnh Thúc Kháng, P.Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) căng băng rôn để đòi lại tiền và cầu cứu cơ quan chức năng. Theo Sở Xây dựng Bình Dương, dự án Thành Phát City 1 đã bị trả hồ sơ do không đủ điều kiện, thủ tục pháp lý phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.
Cũng tại Bình Dương, đã 10 tháng trôi qua từ khi Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an tỉnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thanh Hùng (Giám đốc) và Hoàng Anh Vui (Phó giám đốc Công ty CP thương mại dịch vụ - xây dựng đầu tư phát triển địa ốc Bình Dương City Land (Công ty Bình Dương City Land) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các nạn nhân dự án “ma” liên quan 2 bị can này vẫn mỏi mòn chờ kết quả xử lý.
Theo thông tin điều tra bước đầu, Hùng và Vui đã “vẽ” lên các dự án Phúc Long City, Happy Home (tại xã Phước Hòa, H.Phú Giáo); khu nhà ở Phúc Long 1, Phúc Long 2, khu dân cư 1+2+3 (xã Lai Hưng, Bàu Bàng)... để bán đất nền. Chị Lê Kim P. (29 tuổi, ngụ Bạc Liêu), một trong số hàng trăm nạn nhân, cho biết năm 2018 cùng chồng từ Bạc Liêu lên Bình Dương làm công nhân, qua một người bạn giới thiệu mua đất thuộc dự án Green City (TT.Lai Uyên, H.Bàu Bàng) của Công ty Bình Dương City Land với giá 360 triệu đồng/100 m2 với cam kết công ty giao đất ngày 27.7.2019. “Sau nhiều lần thất hứa, chúng tôi đi tìm hiểu thì mới hay dự án chưa được cấp phép. Biết bị lừa, tôi cùng nhiều người khác kéo đến trụ sở công ty để đòi đất, đòi tiền nhưng đều không được”, chị P. bức xúc.
Tương tự, ông C.T.G (61 tuổi, ngụ Nghệ An) cho biết vào năm 2018 cùng các con hùn tiền để mua 7 nền đất (100 m2/nền) với giá 350 triệu đồng/nền thuộc dự án Green City 2 (xã Lai Hưng, H.Bàu Bàng). “Vào thời điểm này, nhân viên của Công ty Bình Dương City Land dẫn tôi đến dự án để xem đất. Thấy công ty đang tổ chức san lấp mặt bằng, đưa ống cống đến làm hạ tầng, tôi mới tin tưởng, quyết định mua, ai ngờ trúng phải dự án “ma”, ông G. nói.
Theo ghi nhận của PV, dự án mang tên gọi Green City 2 mà Công ty Bình Dương City Land mở bán cho ông G. cũng như nhiều người khác từ năm 2018 đến nay vẫn là một bãi đất trống.
Mất tiền còn mang tiếng lừa đảo
Trong khi đó, CQĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết sau khi bắt giữ theo lệnh truy nã vì bán dự án “ma” và ôm hàng chục tỉ đồng bỏ trốn, CQĐT đang tiếp tục làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Dương Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH kỹ thuật kiến trúc - xây dựng Hoàng Long (Công ty Hoàng Long). Theo CQĐT, năm 2018, Long từ TP.HCM đến P.Hắc Dịch (TX.Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu) lập Công ty Hoàng Long rồi “vẽ” hàng loạt dự án “ma” ở địa phương này và tại xã Tóc Tiên (cũng thuộc TX.Phú Mỹ) để phân lô bán nền. Sau khi lừa hàng trăm khách hàng, Long tháo biển công ty rồi bỏ trốn.
Các nạn nhân tố cáo một dự án “ma” tại Công an tỉnh Bình Dương
|
Anh N. (cán bộ làm việc trên địa bàn TX.Phú Mỹ) cho biết từ ngày Long bị bắt giữ, anh hết sức khốn khổ vì mang tiếng... lừa đảo. Do tin tưởng dự án đất nền Hoàng Long (KP.5, P.Hắc Dịch) nên anh đầu tư gần 5 tỉ đồng và “gom” nhiều tỉ đồng của các đồng nghiệp khác để mua khoảng 20 lô đất nền nhằm kinh doanh kiếm lời. “Sau khi Giám đốc Công ty Hoàng Long bỏ trốn, nhiều người trong nhóm cho rằng tôi tiếp tay Long lừa đảo. Tôi phải vay mượn để trả lại cho đồng nghiệp nhằm tránh mang tiếng xấu”, anh N. cho hay. Mới đây, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mời anh N. tới lấy lời khai với tư cách là người bị hại. “Tôi nghe cán bộ công an nói hiện công ty này không có dự án. Đất mà công ty phân lô, bán nền do người khác đứng tên. Như vậy thì làm sao đòi được tiền đây”, anh N. buồn bã.
Cũng tại Bà Rịa-Vũng Tàu, CQĐT đang tạm giam Trần Văn Hội, Giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng và địa ốc Hưng Phú Group (Công ty Hưng Phú, trụ sở tại TP.Bà Rịa), để điều tra hành vi tự “vẽ” dự án “ma” đem bán rồi ôm tiền bỏ trốn. Nhiều nạn nhân sập bẫy dự án “ma” của Hội tại địa bàn TP.Bà Rịa và H.Long Điền, H.Đất Đỏ. Anh T. (ngụ TP.Bà Rịa) cho biết đã cầm sổ đỏ vay ngân hàng, vay thêm bạn bè 500 triệu đồng để đầu tư. Giờ để trả nợ, tiền lãi ngân hàng, anh phải sang lại quán cà phê rồi ra công viên mở quán bán kem, trà sữa kiếm sống. “Giờ chỉ mong có tiền đóng lãi ngân hàng là mừng lắm rồi. Người bạn tôi từng là giám đốc một ga ra ô tô cũng vay tiền đầu tư các lô đất “dự án” của Công ty Hưng Phú nhưng giờ phải bỏ trốn”, T. cho hay.
Dự án “ma” nhắm vào công nhân
Trước diễn biến quá phức tạp của vấn nạn dự án “ma”, Công an TX.Tân Uyên (Bình Dương) vừa lên tiếng cảnh báo thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng nhu cầu mua đất nền, nhà ở... giá rẻ của người dân, công nhân nên đưa ra các thông tin sai lệch, tự “vẽ” dự án để lừa đảo. Sau khi nhận tiền cọc của người mua thì các đối tượng này bỏ trốn.
Tại Đồng Nai, Công an tỉnh hôm qua 29.11 tiếp tục ra thông báo ai là nạn nhân mua đất dự án “ma” của Công ty bất động sản Rồng Đất (trụ sở xã Bình Minh, H.Trảng Bom, Đồng Nai) đến Công an tỉnh Đồng Nai trình báo, phục vụ công tác điều tra... Trước đó, CQĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt tạm giam Nguyễn Đình Chính, Giám đốc Công ty bất động sản Rồng Đất. Theo điều tra ban đầu, năm 2018 Chính lập ra dự án khu dân cư tại P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) với quy mô gần 200 nền đất (từ 89 - 250 m2/nền), rao bán giá từ 380 triệu đồng đến 1 tỉ đồng; qua đó đã chiếm đoạt 16,4 tỉ đồng của 42 khách hàng. Trong số này, có rất nhiều công nhân tích cóp được chút tiền, vay mượn mua đất với hy vọng có nơi ở...
Trao đổi với PV ngày 29.11, ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương, khẳng định các dự án chỉ đủ điều kiện mở bán, nhận đặt chỗ, huy động vốn... khi có quyết định của Sở Xây dựng và được công bố công khai trên website của sở này. “Những dự án mặc dù đã có chủ trương đầu tư, có quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng chưa có quyết định công bố đủ điều kiện của Sở Xây dựng mà đã mở bán, huy động vốn là vi phạm pháp luật”, ông Ngân nói và cho biết Sở Xây dựng Bình Dương đang phối hợp Sở TN-MT, Công an tỉnh tập trung rà soát, xử lý. “Các địa phương cũng phải tăng cường kiểm tra, tích cực phối hợp xử lý rốt ráo những trường hợp rao bán, mở bán khi chưa đủ điều kiện xảy ra ở địa phương”, ông Ngân nói.
Đánh vào tâm lý hám rẻ
TAND TP.Đà Nẵng vừa hoãn phiên xét xử sơ thẩm vụ lừa đảo bất động sản lớn nhất TP nhiều năm qua, do vắng nhiều bị hại. Dự kiến phiên tòa sẽ mở lại trong tháng 12.2020. Đây là vụ việc mà Thanh Niên đã phản ánh, cảnh báo từ tháng 8.2018.
Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Bích Thuận (38 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP Quảng Đà) và Hồ Cẩm Uyên (31 tuổi, nhân viên của Thuận) tự dựng lên dự án “ma” ở khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ (TP.Đà Nẵng), đưa ra giá rẻ hơn thị trường. Từ tháng 7.2018 - 4.2019, Thuận nhận và chiếm đoạt 103,6 tỉ đồng tiền đặt cọc của 192 người. Còn Uyên “nổ” với Thuận là quen biết lãnh đạo T.Ư, nhận của Thuận 92,2 tỉ đồng để “chạy” cho Công ty Quảng Đà làm chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, Uyên không thực hiện mà lấy tiền tiêu xài, nhờ người đứng tên các bất động sản. Theo CQĐT Công an TP.Đà Nẵng, đây là vụ lừa đảo bất động sản lớn nhất địa bàn nhiều năm qua với số lượng bị hại và số tiền chiếm đoạt. Hiện CQĐT cũng đã kê biên nhiều tài sản của Thuận và Uyên.
Nguyễn Tú
|
Lê Lâm
Thanh niên
|