Huawei định xây nhà máy sản xuất chip để bớt phụ thuộc vào công nghệ Mỹ
Huawei đang nỗ lực lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Thượng Hải, trong đó không sử dụng công nghệ của Mỹ. Nhờ đó, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc sẽ đảm bảo về nguồn cung cho mảng cơ sở hạ tầng viễn thông bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.
Nguồn tin thân cận cho biết nhà máy này sẽ được vận hành bởi một đối tác của Huawei là Shanghai IC R&D Center (ICRD) – một công ty nghiên cứu chip điện tử có sự hậu thuẫn của chính quyền thành phố Thượng Hải.
Các chuyên gia trong ngành cho biết dự án này có thể giúp Huawei – vốn không có kinh nghiệm sản xuất chip – vẽ ra con đường để tồn tại lâu dài.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mà Mỹ áp lên Huawei trong tháng 5/2020 đã tận dụng sự thống trị của các công ty Mỹ trong mảng thiết bị sản xuất chip và phần mềm thiết kế chip để chặn đứng nguồn cung cho gã khổng lồ Trung Quốc.
Các chuyên gia trong ngành cho biết cơ sở sản xuất tại Thượng Hải có thể là nguồn cung thiết bị bán dẫn mới sau khi dự trữ chip nhập khẩu của Huawei dần cạn kiệt.
Nhà máy chế tạo chip điện tử ban đầu sẽ thử nghiệm sản xuất chip 45 nm cấp thấp – một công nghệ đã được các công ty hàng đầu sử dụng từ 15 năm về trước.
Tuy vậy, Huawei muốn sản xuất loại chip tân tiến hơn có kích cỡ 28nm trước cuối năm 2021, theo các nhà điều hành và kỹ sư trong ngành biết về kế hoạch của Huawei. Kế hoạch này có thể cho phép Huawei sản xuất TV thông minh và các thiết bị có áp dụng công nghệ “Internet Vạn vật” (IoT).
Sau đó, Huawei hướng mục tiêu đến sản xuất chip 20nm trước cuối năm 2022 và dùng chip này để sản xuất các thiết bị viễn thông 5G và cho phép hoạt động kinh doanh tiếp tục diễn ra bất chấp lệnh trừng phạt từ Mỹ.
“Các dây chuyền sản xuất mới dự tính này sẽ không có ích cho mảng điện thoại thông minh vì các loại chip dùng cho điện thoại thông minh cần phải được sản xuất bằng quy trình sản xuất công nghệ tân tiến hơn”, một vị giám đốc trong ngành bán dẫn cho biết.
“Thế nhưng, nếu thành công, đây có thể trở thành cây cầu dẫn tới một tương lai bền vững cho mảng cơ sở hạ tầng, cùng với lượng hàng tồn kho họ đã tích trữ - đủ dùng cho 2 năm hoặc hơn”, ông cho biết.
“Họ có khả năng làm điều đó, nhưng có thể mất 2 năm”, Mark Li, Chuyên viên phân tích thiết bị bán dẫn tại Bernstein ở Hồng Kông.
Ông nói thêm, mặc dù các con chip mà Huawei sử dụng để sản xuất các trạm mạng di động lý tưởng nhất nên được sản xuất ở kích cỡ 14nm hoặc công nghệ xử lý tân tiến hơn, cũng có thể sử dụng kích cỡ 28nm.
“Huawei có thể bù đắp cho những thiếu sót về phần mềm hoặc hệ thống”, ông nói. Các nhà sản xuất Trung Quốc có thể chịu được mức chi phí và mức độ không hiệu quả về hoạt động cao hơn so với các đối thủ ở nước ngoài.
Dự án này có thể khởi đầu cho tham vọng giảm bớt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ chip nước ngoài, nhất là từ Mỹ. Hiện Mỹ đang tìm cách kìm hãm sự phát triển về công nghệ của Trung Quốc.
Huawei trước đó đã đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn trong nước, một giám đốc điều hành ngành bán dẫn cho biết.
“Huawei có khả năng lớn trong mảng thiết kế chip và chúng tôi rất vui khi giúp một chuỗi cung ứng đáng tin cậy phát triển năng lực sản xuất chip, thiết bị và nguyên vật liệu. Giúp đỡ họ cũng là giúp chính chúng tôi”, Chủ tịch Guo Ping nói với giới phóng viên trong tháng 9/2020.
Theo những chuyên gia trong ngành, Huawei dự định sử dụng máy móc do Trung Quốc sản xuất tại cơ sở tại Thượng Hải.
Thế nhưng, giới phân tích cảnh báo mục tiêu này cần phải mất vài năm để thực hiện. “Cơ sở này nhiều khả năng sẽ dùng thiết bị từ nhiều nhà cung ứng Trung Quốc như AMEC và Naura, cộng với một số công ty có sử dụng công cụ nước ngoài”, ông Li cho biết.
Ông nói thêm việc sản xuất chip theo cách đó sẽ kém hiệu quả hơn và tốn kém hơn. Tuy vậy, Huawei có đủ tiềm lực để làm vì số lượng thiết bị bán dẫn cần để làm nên trạm cơ sở thấp hơn nhiều so với sản xuất hàng loạt như điện thoại thông minh.
“Bạn sẽ không lấy được thông tin gì từ chúng tôi đâu, chúng tôi chẳng thể cho bạn biết gì cả”, Huang Yin, phát ngôn viên tại ICRDm cho biết. “Đây là vấn đề nhạy cảm”.
Vũ Hạo (Theo Financial Times)
FILI
|