GDP Singapore giảm 5.8% trong quý 3
GDP Singapore tiếp tục giảm mạnh trong quý 3/2020 giữa lúc sự hồi phục của hoạt động thương mại chưa đủ để xua tan sự ảm đạm tại đảo quốc sư tử.
Cụ thể, giai đoạn tháng 7-9/2020, GDP Singapore giảm 5.8% so với cùng kỳ năm trước, theo ước tính cuối cùng của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI). Con số này tốt hơn ước tính giảm 7% trước đó của MTI.
Đà giảm về số ca nhiễm Covid-19 tại Singapore đã tạo khoảng trống để các nhà quyết sách nới bớt các biện pháp kiểm soát dịch và từ đó tác động tích cực hơn tới hoạt động kinh doanh tại đảo quốc sư tử. Số ca nhiễm Covid-19 mới – bao gồm cả những ca nhập cảnh – hiện chỉ ở mức 1 con số trong nhiều tuần qua.
Các quan chức Singapore cho rằng vẫn còn khả năng cung cấp thêm gói kích thích tài khóa sau khi cam kết hỗ trợ 100 tỷ Đôla Singapore (74 tỷ USD) tính tới thời điểm này của năm 2020. Thủ tướng Lý Hiển Long dự báo Chính phủ sẽ thâm hụt ngân sách cho tới ít nhất là đầu năm 2021 và có thể kéo dài hơn nữa với mục tiêu hỗ trợ cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Xét trên cơ sở hàng quý, nền kinh tế Singapore tăng trưởng 9.2% so với quý trước đó – giai đoạn GDP Singapore sụt 13.3% so với cùng kỳ.
Trong năm 2020, MTI điều chỉnh dự báo thành giảm 6-6.5%, thu hẹp phạm vi so với mức giảm 5-7% trước đó nhờ sự cải thiện của hoạt động sản xuất, chủ yếu là thiết bị điện tử.
Hồi phục mạnh trong năm 2021
Singapore cho biết nền kinh tế có thể tăng trưởng 4-6% vào năm tới giữa lúc kinh tế toàn cầu gượng dậy từ đại dịch Covid-19, các giới hạn di chuyển và biện pháp kiểm soát dịch được nới lỏng.
“Nhìn chung, xét tới triển vọng tăng trưởng tích cực hơn của các nền kinh tế lớn ở bên ngoài, cũng như việc nới lỏng các biện pháp giới hạn di chuyển trên toàn cầu và các biện pháp kiểm soát dịch trong nước trong năm tới, nền kinh tế Singapore được dự báo trở lại tăng trưởng năm 2021”, MTI cho biết.
Singapore điều chỉnh dự báo tăng trưởng ngay khi các bước đột phá gần đây về vắc-xin Covid-19 làm dấy lên hy vọng đại dịch có thể được kiểm soát. Dù vậy, rủi ro vẫn còn đó, bao gồm các biện pháp kiểm soát mới và việc rút lại các gói hỗ trợ chính sách quá sớm. Việc cởi bỏ biện pháp giới hạn di chuyển cũng sẽ không đơn giản.
“Bức tranh lớn hơn sẽ phụ thuộc vào tiến trình phát triển vắc-xin, làn sóng bùng phát dịch bệnh gần đây sẽ tác động đến nhu cầu nước ngoài như thế nào và triển vọng mở cửa lại biên giới quốc tế”, Selena Ling, Trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược tài chính tại Oversea-Chinese Banking ở Singapore, cho hay. “Dịch vụ trong nước vẫn còn phụ thuộc vào diễn biến dịch trong thời điểm này”.
“Chúng tôi không mong sẽ có nhiều bước tiến trong quý 4 khi mà các biện pháp giãn cách vẫn còn được thực thi. Chúng tôi cũng dự báo kinh tế Singapore khó trở về mức tăng trưởng dương cho tới quý 2/2021. Một đà hồi phục hoàn toàn cho trung tâm thương mại này sẽ cần sự bình thường hóa của hoạt động đi lại và thương mại toàn cầu – vốn khó mà xảy ra trước năm 2022”, bộ phận Bloomberg Economics nhận định.
Đà hồi phục của Singapore phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, bao gồm tiến triển của mối quan hệ Mỹ-Trung, làn sóng dịch bệnh và sự phát triển vắc-xin, Bộ trưởng MTI Chan Chun Sing cho biết trong cuộc họp báo sau khi công bố dữ liệu về GDP.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|