Thứ Tư, 25/11/2020 09:00

Đường trở lại gập ghềnh của "Vua tôm" Minh Phú

Tiền thân là doanh nghiệp tư nhân cung ứng hàng xuất khẩu, Minh Phú (MPC) được thành lập năm 1992 với số vốn điều lệ ban đầu là 120 triệu đồng. Trải qua 4 đợt tăng vốn, hiện vốn điều lệ của MPC đã tăng lên mức 2,000 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của MPC là thu mua, chế biến, sản xuất thủy sản để cung ứng cho các đơn vị trong nước xuất khẩu.

Năm 2006, MPC chuyển sang công ty cổ phần và niêm yết trên sàn HNX với 60 triệu cp và chuyển sang HOSE trong năm sau đó. Năm 2015, MPC được HOSE thông qua việc hủy niêm yết tự nguyện với lý do là để tìm kiếm đối tác chiến lược và tái cơ cấu công ty. Sau 2 năm vắng bóng trên sàn chứng khoán, MPC quay trở lại giao dịch trên UPCoM hồi giữa tháng 10/2017.

Tính đến ngày 30/09/2020, MPC hiện đang sở hữu tổng cộng 15 công ty con và 2 công ty liên kết.

 

Hiện tại, bà Chu Thị Bình đang là Chủ tịch HĐQT MPC. Bà Bình mới  vừa được bổ nhiệm kể từ ngày 01/08/2020, thay chồng là ông Lê Văn Quang. Sau khi rời ghế Chủ tịch HĐQT đã 14 năm gắn bó, ông Quang sẽ giữ chức vụ duy nhất là TGĐ MPC, đồng thời là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.

Giai đoạn niêm yết trên HNXHOSE (2006-2014), doanh thu của MPC tăng trưởng khá ổn định. Tuy nhiên, sau khi hủy niêm yết tự nguyện, doanh thu năm 2015 và 2016 sụt giảm và lãi ròng cũng ghi nhận chỉ còn 32 tỷ đồng và 72 tỷ đồng. Năm 2017 - năm mà MPC quay trở lại giao dịch trên UPCoM cũng là năm đánh dấu cho sự “bứt phá” trong kết quả kinh doanh của MPC, với doanh thu và lãi ròng lần lượt đạt 15,665 tỷ đồng và 639 tỷ đồng.

Từ đó, doanh thu của MPC liên tục tăng trưởng cho đến năm 2019, MPC ghi nhận doanh thu ở mức cao nhất kể từ trước đến nay, đạt 16,998 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi ròng lại giảm 37% so với năm trước, chỉ ghi nhận 441 tỷ đồng. Nguyên nhân là do nguồn cung tôm nguyên liệu thiếu hụt khiến giá tăng cao. Không chỉ vậy, MPC còn phải chịu sự cạnh tranh từ các nước nhập khẩu tôm khác.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, MPC ghi nhận doanh thu thuần giảm 22% so cùng kỳ, còn 9,982 tỷ đồng. Chi phí tài chính và chi phí bán hàng cũng đồng loạt giảm. Ngược lại, doanh thu hoạt động tài chính tăng 69%, đạt 159 tỷ đồng với 56% đến từ lãi tiền gửi và 42% là lãi chênh lệch tỷ giá. Kết quả, MPC báo lãi ròng tăng 23%, đạt hơn 477 tỷ đồng.

Trong năm 2020, MPC dự kiến mang về 15,206 tỷ đồng doanh thu và 915 tỷ đồng lãi sau thuế. Như vậy, khép lại 3 quý đầu năm, MPC đã thực hiện được 66% kế hoạch doanh thu và 52% kế hoạch lãi sau thuế năm 2020.

Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm 2020, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của MPC âm hơn 817 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 1,036 tỷ đồng, chủ yếu do hàng tồn kho âm 912 tỷ đồng (cùng kỳ dương 773 tỷ đồng).

 

Tính đến ngày 30/09/2020, tổng tài sản ghi nhận gần 9,622 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm 39%, ghi nhận 3,791 tỷ đồng với hơn 3,442 tỷ đồng là thành phẩm, hàng hóa (tăng 28%). Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 32%, lên hơn 1,852 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 9, nợ phải trả ghi nhận hơn 4,482 tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn gần 4,428 tỷ đồng (tăng 48%) và nợ vay dài hạn gần 55 tỷ đồng (giảm 4% so với đầu năm).

Trong năm 2020, MPC công bố kế hoạch kinh doanh năm 2020 với lãi trước thuế hợp nhất đạt 1,368 tỷ đồng, gấp 3 lần so với kết quả thực hiện năm trước. Tuy nhiên, sau đó, MPC lại điều chỉnh giảm kế hoạch lãi sau thuế xuống còn 915 tỷ đồng và doanh thu đạt 15,206 tỷ đồng. Về việc đặt kế hoạch năm 2020 gấp đôi năm 2019, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 diễn ra hồi cuối tháng 6, ông Lê Văn Quang - TGĐ MPC cho biết: “5 tháng đầu năm sản xuất gần đạt kế hoạch là 92% nhưng xuất khẩu giảm 25% nên lượng tồn kho tương đối nhiều, hợp đồng ký đến cuối năm thì rất nhiều, khách hàng chưa cho xuất, phải cuối tháng 6 trở đi mới xuất khẩu mạnh và lợi nhuận sẽ hoàn lại”.

Đáng chú ý, trong 3 năm trở lại đây, MPC liên tục đưa ra kế hoạch cao nhưng chưa một lần nào hoàn thành kế hoạch được giao. Và rồi kế hoạch năm 2020 mà Minh Phú đưa ra có tái diễn điệp khúc thất hẹn với cổ đông?

 

MPC cũng lên kế hoạch sẽ mở rộng vùng nuôi tại Kiên Giang, Lộc An để thả nuôi khoảng trên dưới 1,000 ao và kết hợp xây dựng khu nuôi tôm công nghệ cao thông qua áp dụng các mô hình như thu tỉa ba giai đoạn, mô hình ba sạch, mô hình semi Biofloc, nuôi trong bể nổi,... nhằm có nguồn nguyên liệu ổn định.

Về hoạt động nuôi tôm CNC, vùng nuôi tôm của MPC đã hoàn thiện hơn 760 ao tại hai vùng Lộc An và Kiên Giang, kết quả vụ 1 trong đầu năm 2020 đạt tỷ lệ thành công rất tốt, trong đó tại vùng nuôi Lộc An tỷ lệ thành công đạt 100%. Tổng sản lượng tôm dự kiến đạt 30,000 tấn.

Khi kết quả kinh doanh vẫn chưa thực sự như mong đợi thì Minh Phú lại đối mặt với vấn đề lớn hơn. Mới đây, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) vừa kết luận có đủ bằng chứng vi phạm luật thương mại của MSeafood Corporation (MSeafood) – Công ty con của Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) khi nhập khẩu tôm từ Ấn Độ và trộn lẫn với tôm Việt Nam để tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ.

 

Kết quả là CBP sẽ xem lượng tôm nhập khẩu của Mseafood là đối tượng chịu thuế chống bán phá giá đối với tôm Ấn Độ và sẽ đánh giá thuế đối với khoản mục này khi Bộ Thương mại Mỹ chỉ thị. Ngược lại, MPC sẽ tiếp tục kháng cáo và quá trình xem xét dự kiến diễn ra trong 60 ngày.

Trước đó, Minh Phú được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA do đa phần các sản phẩm của Công ty đều xuất khẩu. EU là một trong 5 thị trường xuất khẩu chính của MPC từ nhiều năm qua. Hiệp định EVFTA được ký kết vào tháng 8/2020 kỳ vọng sẽ đẩy mạnh giao thương giữa MPC với các Công ty nhập khẩu khối EU.

Trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của MPC đạt 643.71 triệu USD, giảm 14% so với năm 2018 do chịu sự cạnh tranh từ những nước khác đặc biệt là Ấn Độ, Indonesia. Thêm nữa, rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu thương mại ngày càng tăng khiến cho chi phí sản xuất, bán hàng, kiểm soát chất lượng sản phẩm tăng lên. Riêng kim ngạch xuất khẩu ở thị trường EU chiếm 11.25% trong tổng kim ngạch, tương đương với tổng giá trị 72.40 triệu USD, tăng 10% so với năm trước.

 

Theo chia sẻ của ông Lê Văn Quang - TGĐ MPC tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 diễn ra hồi cuối tháng 6: “Minh Phú chưa được hưởng lợi nhiều từ EVFTA trong thời gian đầu vì thuế suất giảm đối với mặt hàng tôm tươi. Trong 3-7 năm tới khi các mặt hàng như tôm luộc được giảm thuế suất thì Minh Phú sẽ được hưởng lợi nhiều hơn và Minh Phú có kế hoạch tăng tỷ trọng thị trường EU lên 25%.

Ấn Độ và Ecuador đang chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Trong khi Việt Nam đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh nên người dân vẫn nuôi tôm bình thường với năng suất cao. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài làm nhiều nhà máy chế biến phải dừng hoạt động, đã làm giá nguyên liệu năm 2020 giảm mạnh, khi nguyên liệu cho việc sản xuất của Minh Phú vẫn đủ nên có lợi nhuận tốt nhờ giá nguyên liệu tôm giảm.”

Sau kẽ hở từ việc CBP xác nhận rằng MPC đã nhập tôm từ Ấn Độ và trộn lẫn với tôm Việt Nam để xuất sang Mỹ, liệu rằng các đối tác ở thị trường EU có bị tác động?

Sau 2 năm kể từ ngày hủy niêm yết (31/3/2015) tại sàn HOSE, Minh Phú đã trở lại giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 79,000 đồng/cp kể từ ngày 16/10/2017. Tại ngày hủy niêm yết, cổ phiếu MPC có giá 122,000 đồng/cp.

Nguyên nhân hủy niêm yết do giá cổ phiếu MPC trên thị trường chưa phản ánh đúng giá trị thực của Công ty. Đồng thời, MPC muốn hủy niêm yết để tái cấu trúc và tìm kiếm đối tác ngoại. Tuy nhiên, sau khi quay lại sàn vào năm 2017, MPC vẫn chưa có động thái tăng vốn và chưa có sự xuất hiện của đối tác nào trong cơ cấu cổ đông của MPC.

Cho đến tháng 5/2019, MPM Investments Pte.LTD chính thức bước chân vào danh sách cổ đông lớn của MPC. Được biết, MPM Investment Pte. Ltd. là công ty chuyên đầu tư tài chính có trụ sở tại Singapore được thành lập vào tháng 2/2019. Đây cũng chính là công ty con của Tập đoàn Mitsui Nhật Bản.

Trước đó, Tập đoàn Mitsui từng đầu tư vào CTCP Minh Phú Hậu Giang, công ty con của Tập đoàn Minh Phú từ năm 2013.

Theo chia sẻ của ông Kenichi Hori - giám đốc đại diện Mitsui với Forbes Việt Nam, việc tăng đầu tư vào MPC nhằm hỗ trợ chiến lược tăng trưởng của Mitsui, mở rộng hoạt động và tăng doanh số ở thị trường quốc tế. Ngoài ra, đầu tư của Mitsui sẽ giúp MPC mở rộng sự hiện diện tại các thị trường mới như Trung Quốc, châu Âu, Nga và Trung Đông; hiện đại hóa phương thức quản lý và nâng cao hiệu quả quản trị tại công ty và nhà máy sản xuất với sự trợ giúp của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo”.

Tính đến ngày 30/06/2020, gia đình ông Quang hiện đang nắm giữ 39.7% vốn tại MPC, tương đương hơn 79 triệu cp.

Trên thị trường, giá cổ phiếu MPC hiện đang giao dịch quanh mức 27,400 đồng/cp (chốt phiên 23/11/2020), tăng 10% qua 1 quý trở lại đây với khối lượng giao dịch bình quân hơn 143,000 cp/phiên. Tuy nhiên, mức giá này khá khiêm tốn và chỉ bằng 1/3 mức giá tham chiếu hồi phiên trở lại UPCoM (79,000 đồng/cp).

Đối với cổ tức năm 2019, MPC dự kiến sẽ chi 300 tỷ đồng để trả cho cổ đông với tỷ lệ 15% (1,500 đồng/cp).

Ông Lê Văn Quang chia sẻ: "Vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên HĐQT mong muốn giữ lại một phần lợi nhuận để đảm bảo tài chính, do đó HĐQT thống nhất chi trả cổ tức 1,500 đồng/cp cho năm 2019”.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của MPC, cổ đông cho rằng mức cổ tức 15% phù hợp với kết quả kinh doanh năm 2019 của doanh nghiệp nhưng không thực hiện được cam kết với cổ đông Nhật Bản MPM Investments (công ty con của Mitsui).

Theo Chủ tịch MPC, bản thân muốn giữ nguyên tỷ lệ chia 50% tiền mặt. Tuy nhiên, chính đối tác Nhật đề xuất chỉ chi ra khoảng 88 tỷ đồng chia cổ tức. Mitsui & Co cho rằng trong bối cảnh doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19, xuất khẩu 5 tháng đầu năm giảm thì không nên chia cổ tức 5,000 đồng/cp.

Sau khi trao đổi, các bên đã đi tới thống nhất chia 1,500 đồng/cp, tương đương 300 tỷ đồng. Như vậy, con số này đã gấp 3 lần so với mức đề xuất của đối tác Nhật đưa ra. Tuy nhiên, nếu tình hình cuối năm khả quan thì MPC có thể chia thêm cổ tức.

Trong năm 2020, MPC lên kế hoạch sẽ phân phối 50% lợi nhuận để chia cổ tức cho cổ đông. Mức cổ tức 5,000 đồng/cp có lẽ khá hấp dẫn so với mặt bằng chung. Thế nhưng, sau “scandal” vừa xảy ra, câu hỏi đặt ra là còn nhà đầu tư nào dám đặt cược vào MPC để hưởng mức cổ tức này?

Tiên Tiên

FILI

Các tin tức khác

>   FUEVFVND: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 19/11/2020 (20/11/2020)

>   FUEVFVND: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng tuần từ 13/11/2020 đến 19/11/2020 (20/11/2020)

>   PSI: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020 (20/11/2020)

>   RDP: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2020 và Trả cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu (20/11/2020)

>   FUEVN100: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng tuần từ 13/11/2020 đến 19/11/2020 (20/11/2020)

>   FUEVN100: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 19/11/2020 (20/11/2020)

>   E1VFVN30: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 19/11/2020 (20/11/2020)

>   E1VFVN30: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng tuần từ 13/11/2020 đến 19/11/2020 (20/11/2020)

>   FUESSVFL: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 19/11/2020 (20/11/2020)

>   FUESSV50: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 19/11/2020 (20/11/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật