Doanh nghiệp bất động sản kinh doanh ra sao sau 9 tháng đầu năm?
Số doanh nghiệp bất động sản lỗ trong 9 tháng đầu năm 2020 nhiều hơn gấp đôi cùng kỳ năm trước. Dù vậy, tổng lợi nhuận toàn ngành vẫn duy trì như cùng kỳ nhờ công của ông lớn VHM và VIC.
Theo dữ liệu thống kê của VietstockFinance, doanh thu của 79 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trong quý 3/2020 vượt ngưỡng 87,446 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2019. Sự tích cực này đã bù đắp lại mức sụt giảm 33% doanh thu của doanh nghiệp trong ngành trong quý 2. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, nhóm doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã tạo ra hơn 188,500 tỷ đồng doanh thu thuần, chỉ còn giảm 9.5% so với cùng kỳ.
Tương ứng, lợi nhuận toàn ngành bất động sản tăng trưởng 30% trong quý 3/2020 (đạt hơn 13,658 tỷ đồng), qua đó, giúp lãi sau 9 tháng xấp xỉ cùng kỳ, đạt trên 30,500 tỷ đồng.
Như thường lệ, đóng góp lớn vào doanh thu và lợi nhuận chung toàn ngành là Vinhomes (HOSE: VHM) khi doanh thu 9 tháng hơn 49,300 tỷ và lãi ròng 16,330 tỷ đồng, lần lượt tăng 31% và gần 7% so cùng kỳ. EPS 9 tháng đạt 4,966 tỷ đồng, tăng 9%.
Kết quả của VHM đạt được chủ yếu nhờ bàn giao các sản phẩm của 4 dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Grand Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Marina. Riêng trong quý 3/2020, Vinhomes ra mắt phân khu căn hộ cao cấp The Origami tại Đại đô thị Vinhomes Grand Park. Tính đến 14/10/2020, hơn 4,500 căn hộ đã được bán.
Top 20 doanh nghiệp có lãi ròng 9 tháng 2020 cao nhất
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong khi đó, Tập đoàn Novaland (HOSE: NVL) báo doanh thu giảm đến 60% nhưng lãi 9 tháng ghi nhận 2,131 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ, chủ yếu nhờ hoạt động tài chính tăng mạnh lên hơn 2,391 tỷ đồng (gấp 6.6 lần cùng kỳ). Theo giải trình của NVL, nguyên nhân do lãi từ đánh giá lại khoản đầu tư khi hợp nhất kinh doanh từng giai đoạn tăng.
Trong top 10 doanh nghiệp bất động sản báo lãi lớn nhất sau 9 tháng, Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với doanh thu gần 2,500 tỷ và lãi ròng 718 tỷ đồng. Nếu tính trong giai đoạn 9 tháng đầu năm, thì mức lãi ròng của PDR đạt được trong năm nay là mức cao kỷ lục.
Nguồn: VietstockFinance
|
Tập đoàn Nam Long (HOSE: NLG) cũng góp mặt vào danh sách doanh nghiệp lãi ròng cao nhất sau 9 tháng đầu năm 2020 với mức lãi 208 tỷ đồng. Tiến độ bàn giao hiện tại của dự án Mizuki Park P1 (dự án chưa hợp nhất) và Flora Novia dẫn dắt lợi nhuận 9 tháng của NLG.
Không những thế, nhờ tận dụng đà phục hồi của tâm lý thị trường đối với thị trường bất động sản (BĐS) nhà ở diễn ra từ tháng 5, doanh số bán hàng của NLG đạt 540 sản phẩm, tương ứng giá trị bán hàng 2.3 ngàn tỷ đồng trong quý 3/2020. NLG đã thành công trong đợt mở bán dự án Southgate với tổng cộng 345 căn hộ, tương ứng giá trị bán hàng khoảng 1.9 ngàn tỷ đồng trong quý 3/2020. Tổng giá trị hợp đồng bán hàng 9 tháng đầu năm đạt 3.3 ngàn tỷ đồng, tăng 23% so cùng kỳ.
Tại sự kiện NLG Day ngày 05/11, ông Phạm Đình Huy, Giám đốc khối Đầu tư Nam Long, cho biết Công ty đã thương lượng xong các điều khoản thương mại để mua 2 khu đất ở quận 9 và Thủ Đức. Tổng diện tích hai khu đất hơn 100 ha, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2020-2021. Giá trị mỗi dự án đạt hơn 2,000 tỷ đồng.
Cũng tại sự kiện này, ông Châu Quang Phúc, Giám đốc Khối Tài chính kế toán Nam Long, cho biết sẽ bàn giao đúng tiến độ, doanh số bán hàng năm nay dự kiến vượt kế hoạch. Công ty tự tin có thể đạt được kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm nay và tăng trưởng 20% năm tiếp theo.
Kết quả kinh doanh của NLG từ 2015 đến nay (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Ấn tượng tăng trưởng bằng lần
Dữ liệu thống kê của VietstockFinance cũng cho thấy 65 doanh nghiệp bất động sản có lãi sau 3 quý đầu năm nay. Tuy nhiên, chỉ 28 doanh nghiệp ghi nhận lãi tăng trưởng, còn lại 35 đơn vị sụt giảm so cùng kỳ và 2 đơn vị chuyển từ lỗ sang lãi.
Dẫn đầu về tăng trưởng lãi sau 9 tháng đầu năm 2020 là Nhà Đà Nẵng (HNX: NDN) với mức tăng 340%. Kết quả này của NDN đến chủ yếu trong quý 3 nhờ tiếp tục ghi nhận doanh thu chuyển nhượng căn hộ Dự án Monarchy Block B.
Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (HOSE: TDC) Công ty con của ông lớn Becamex IDC (HOSE: BCM) - báo kết quả tăng trưởng đứng thứ 2 toàn ngành, đạt trên 300%.
Một trường hợp đáng chú ý là Saigonres (HOSE: SGR) báo lãi 9 tháng tăng trưởng hơn 120% so cùng kỳ dù doanh thu thuần chỉ hơn 40 tỷ đồng, giảm 42%. Theo giải trình của SGR, yếu tố giúp lợi nhuận 9 tháng tăng trưởng là doanh thu chuyển nhượng vốn (đạt 150 tỷ đồng). Cụ thể, SGR đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ phần góp vốn tại Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn Riverside và CTCP Đầu tư BĐS Lê Gia.
Điều đáng chú ý, đây không phải là năm đầu tiên SGR ghi nhận con số lớn từ doanh thu tài chính mà kịch bản này đã diễn ra từ năm 2018. Ngay trước khi năm 2018 khép lại, SGR đã kịp chuyển nhượng Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Du lịch Phước Lộc cho 1 cá nhân và qua đó giúp lãi ròng tăng mạnh trong quý 4/2018.
Nguồn: VietstockFinance
|
Nói đi cũng phải nói lại, vẫn có nhiều đơn vị đạt mức tăng trưởng tốt sau 3 quý đầu năm nhờ chiến lược hợp lý. Chẳng hạn, CTCP Thống Nhất (HNX: BAX) ghi nhận doanh thu bán đất nền, nhà ở dự án Khu Trung tâm dịch vụ Khu công nghiệp Bàu Xéo, nhờ đó, doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt hơn 283 tỷ và 135 tỷ đồng, tăng 74% và 94% so cùng kỳ.
Văn Phú – Invest (HOSE: VPI) đạt doanh thu gần 926 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 97 tỷ đồng từ việc ghi nhận dự án The Terra - An Hưng, The Terra – Hào Nam, chuyển nhượng bất động sản ở dự án Grandeur Palace - Giảng Võ và hoạt động cho thuê căn hộ dịch vụ khách sạn tăng mạnh ở căn hộ dịch vụ khách sạn Oakwood Residence Hanoi.
9 tháng đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của VPI dương hơn 650 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng 129% so với đầu năm, đạt 1,483 tỷ đồng (tăng hơn 518 tỷ đồng so với cuối quý 2/2020). Đây là khoản tiền trả trước của khách hàng theo các hợp đồng mua bán bất động sản nhưng chưa nhận bàn giao, minh chứng cho việc bán hàng đều đặn trong 9 tháng đầu năm.
Top 20 doanh nghiệp có lãi 9 tháng tăng trưởng cao nhất
Nguồn: VietstockFinance
|
Hay như DIC Corp (HOSE: DIG), việc chuyển nhượng căn hộ dự án Gateway Vũng Tàu đã giúp Tập đoàn này ghi nhận doanh thu và lãi ròng tăng trưởng hơn 40% so với cùng kỳ.
Nhiều ông lớn còn lỗ sau 9 tháng
So với 2 quý đầu năm, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản khởi sắc hơn nhiều trong quý 3 năm nay. Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) ghi nhận lãi ròng 287 tỷ đồng trong quý 3/2020, gấp 10 lần cùng kỳ. Dù không thể bù đắp được khoản lỗ lớn sau quý đầu năm do dịch bệnh nhưng đây là tín hiệu tích cực hơn.
Cần thừa nhận rằng thị trường bất động sản nói chung vẫn rất khó khăn, không chỉ do ảnh hưởng từ dịch bệnh mà còn do câu chuyện pháp lý tồn tại mấy năm gần đây.
Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) được biết đến là nhà môi giới có thị phần môi giới dẫn đầu thị trường bất động sản cũng phải chịu cảnh kinh doanh bết bát. Lãi quý 1 giảm 78%, quý 2 báo lỗ, trong đó hoạt động môi giới chịu mức sụt giảm 63%. Quý 3/2020, mảng môi giới bất động sản giảm 46% và là một trong những nguyên nhân chính kéo lãi ròng giảm 71%, còn hơn 100 tỷ đồng.
Tính chung 3 quý, doanh thu DXG giảm hơn 50%, phản ánh sự suy yếu ở các hoạt động kinh doanh chính. Thêm vào đó, nghiệp vụ lỗ do thoái vốn tại CTCP Đầu tư LDG (HOSE: LDG) khiến DXG chịu lỗ hơn 388 tỷ đồng sau 9 tháng.
Trong nhóm doanh nghiệp báo lỗ, còn có nhiều cái tên lớn như Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO), ông trùm hạ tầng Tasco (HNX: HUT), Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (HOSE: LGL)…
Những doanh nghiệp bất động sản còn lỗ sau 9 tháng
Nguồn: VietstockFinance
|
Nhiều doanh nghiệp may mắn hơn khi vẫn có lãi sau 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, mức lãi đạt được của những đơn vị được xem là ông lớn không khỏi khiến nhà đầu tư bận lòng.
Đầu tiên là LDG Group với mức lãi còn hơn 12.5 tỷ đồng, giảm 96% so cùng kỳ, bất chấp doanh thu thuần tăng 75%, đạt 1,191 tỷ đồng. Biên lãi gộp co hẹp và chi phí bán hàng tăng mạnh là hai nguyên nhân kéo lợi nhuận đơn vị này lao dốc.
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) có lẽ khiến cổ đông buồn hơn khi lần đầu sau 7 năm báo lỗ 21 tỷ đồng trong quý 3. Qua đó, lãi 9 tháng chỉ còn hơn 30 tỷ đồng, giảm 94% so cùng kỳ.
Top 20 doanh nghiệp có lãi 9 tháng giảm mạnh nhất
Nguồn: VietstockFinance
|
Dữ liệu thống kê của VietstockFinance cho thấy tổng giá trị hàng tồn kho của 75 doanh nghiệp BĐS niêm yết đến cuối quý 3/2020 gần 337,500 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm 2019. Trong khi VHM giảm đáng kể hàng tồn kho thì NVL vượt lên dẫn đầu toàn thị trường với giá trị 79,380 tỷ đồng, tăng gần 40% so với đầu năm.
Trong khi đó, tổng nợ vay của các doanh nghiệp bất động sản tăng hơn 18% kể từ đầu năm, ở mức 298,450 tỷ đồng. Một lần nữa, NVL gây "dấu ấn" khi tổng nợ vay và nợ thuê tài chính ghi nhận 44,396 tỷ đồng vào cuối quý 3, tăng hơn 9,800 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm gần 29% tổng dư nợ vay, ghi nhận 12,774 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng 21% so với cuối năm 2019, ghi nhận 31,622 tỷ đồng.
|
Thiên Mục
FILI
|