Dịch bệnh đợt 2 chặn đứng đà hồi phục của hàng không Việt
Bước vào quý 3/2020, sự gia tăng về số chuyến bay nội địa đã giúp ngành hàng không Việt sôi động trở lại. Nhưng rồi dịch bệnh Covid-19 trở lại vào cuối tháng 7 đã “bẻ gãy” đà hồi phục vừa mới chớm đó.
Ngành hàng không một lần nữa bị kẹp giữa hai gọng kìm: Thị trường quốc tế đóng cửa và dịch Covid-19 đợt 2 bùng phát trong nước.
Thiết kế: Tuấn Trần
|
Hoạt động kinh doanh cốt lõi có sự cải thiện
Giai đoạn tháng 7-9/2020, tổng số chuyến bay khai thác ghi nhận thêm một quý giảm mạnh, giảm gần 46% so với cùng kỳ xuống mức gần 47,000 chuyến, do bị kiềm tỏa bởi dịch Covid-19 đợt 2. Tuy vậy, con số này tăng hơn 28% so với quý 2/2020.
Nguồn: Cục Thống kê Hàng không Việt Nam
|
Khi dịch Covid-19 đợt 2 ập đến Đà Nẵng, kịch bản cũ lại tái hiện. Chịu trận đầu tiên vẫn là những hãng vận tải hàng không khi phải hủy hoặc hoãn lại các chuyến bay đã lên lịch trình trước đó. Do vậy, hai hãng bay Vietnam Airlines (HVN) và Vietjet (VJC) lỗ gộp lần lượt là 3,201 tỷ đồng và 612 tỷ đồng, mặc dù sản lượng khai thác có phần cải thiện hơn so với quý 2, thậm chí có thời điểm vượt mức trước dịch.
Lý giải cho kết quả ảm đạm, Vietnam Airlines cho biết các hãng hàng không trong nước tăng tải ồ ạt, đồng thời thực hiện nhiều chương trình kích cầu (giảm giá vé), trong khi thị trường hàng không quốc tế chưa được khai thác trở lại. Chính điều này đã kéo giảm hiệu quả hoạt động của Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO).
Về phần Vietjet, bên cạnh nguyên nhân về dịch bệnh, sự suy giảm còn đến từ việc không còn ghi nhận lãi từ hoạt động chuyển giao quyền sở hữu và thương mại tàu bay như cùng kỳ.
Bên cạnh đó, các hãng kinh doanh dịch vụ hàng không như Dịch vụ Hàng không Taseco (AST), Dịch vụ Sân bay Quốc tế (CIA) và Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS) cũng đều báo lỗ do tình trạng dịch bệnh tái bùng phát tại Đà Nẵng. Đối với CIA và AST, đòn giáng còn đến từ tình trạng đóng cửa thị trường quốc tế.
Trong khi các doanh nghiệp vận tải hàng không lỗ nặng thì các ông lớn dịch vụ hàng hóa chịu ảnh hưởng ít hơn do không phải tiếp xúc với hành khách như những công ty dịch vụ hàng không và vận tải hàng không. Bởi lẽ đó, các dịch vụ liên quan đến hàng hóa không bị tác động quá nhiều bởi lệnh phong tỏa và giãn cách. Kết quả là Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) và Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT) ghi nhận kết quả giảm lần lượt 12% và 6% so với cùng kỳ - giảm yếu nhất trong nhóm hàng không.
LỢI NHUẬN GỘP CỦA NHÓM HÀNG KHÔNG
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
Nhìn chung, hoạt động kinh doanh cốt lõi của các doanh nghiệp hàng không dù có cải thiện so với quý trước đó, nhưng vẫn chưa đủ để xua tan vẻ ảm đạm của ngành hàng không.
Sự phân hóa về doanh thu tài chính
Quý 3/2020, nhiều doanh nghiệp chứng kiến doanh thu tài chính tăng mạnh như SCS (105%), NCS (20%), AST (16%) và CIA (165%) và từ đó phần nào cải thiện bức tranh kinh doanh quý 3/2020.
Đáng chú ý nhất là ACV thoát lỗ ròng nhờ ghi nhận doanh thu tài chính gần 580 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ khoản lãi từ 33,000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.
LÁ CHẮN TỪ DOANH THU TÀI CHÍNH
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong khi đó, điều ngược lại đang diễn ra với hai hãng hàng không lớn nhất Việt Nam. Vietjet đành ngậm ngùi báo lỗ hơn 971 tỷ đồng trong quý 3 khi không còn lực đỡ mạnh từ các khoản doanh thu bất thường như quý 2 – giai đoạn hãng hàng không chi phí thấp ghi nhận lãi 1,063 tỷ đồng nhờ doanh thu tài chính và thu nhập khác.
Tương tự, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu tài chính giảm 56% so với cùng kỳ, xuống 131.9 tỷ đồng. Quý 3/2020, hãng hàng không với biểu tượng sen vàng báo lỗ 3,912 tỷ đồng, nối tiếp mức lỗ 3,945 tỷ đồng của quý trước đó.
Trong số 11 doanh nghiệp hàng không niêm yết trên sàn, có 6 doanh nghiệp báo lỗ. Đáng chú ý, SCS và NCT báo lãi ròng giảm không quá mạnh, tương ứng 10% và 8%. Trong khi đó, SAS giảm lãi ròng 36%, nhưng bớt nghiêm trọng hơn mức giảm 79% của quý 2/2020.
Hy vọng mở cửa thị trường nước ngoài trong năm nay dần tàn lụi
Hiện nay, chính phủ Việt Nam tiếp tục tạm dừng nhập cảnh vào Việt Nam đối với tất cả người nước ngoài. Sự bùng phát dịch trở lại ở một số nước, như Mỹ, Anh, và các nước châu Âu đang đập tan hy vọng mở cửa lại thị trường quốc tế trong năm nay.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đang thực hiện nhiều chính sách kích cầu du lịch nội địa. Do đó, theo quan điểm của VDSC Research, sản lượng khách quốc tế chưa thể phục hồi trở lại mức trước dịch ít nhất đến hết năm nay.
Gần đây Pfizer đã thông báo về độ hiệu quả của vắc-xin do hãng này phát triển đạt trên 90%. Thông tin về vắc-xin ngừa Covid-19 được kỳ vọng là “liều thuốc” hóa giải những khó khăn hiện tại của ngành hàng không trong thời gian tới. Tuy nhiên, vắc-xin không thể sản xuất trong một sớm một chiều.
VDSC Research cảnh báo các vấn đề liên quan đến việc vận chuyển, phân phối, tiêm chủng vắc-xin đại trà sẽ cần nhiều thời gian để triển khai, do đó lượt khách quốc tế sẽ cần nhiều thời gian để hồi phục.
Quốc hội nhấn nút "giải cứu" Vietnam Airlines
Để giải quyết những khó khăn chồng chất tạiVietnam Airlines, Quốc hội đã thông qua các phương án giải cứu vào chiều ngày 11/11.
Theo đó, cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, còn cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định của Luật Chứng khoán. Ở đây, Vietnam Airlines được miễn trừ điều kiện hoạt động kinh doanh phải có lãi năm liền trước khi chào bán.
Bên cạnh đó, Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua. Đồng thời cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A.
Trước đó, theo kiến nghị của Vietnam Airlines, Chính phủ với vai trò chủ sở hữu phần vốn nhà nước hỗ trợ “tái cấp vốn” với quy mô 12,000 tỷ đồng, trong đó, cho vay tối thiểu 4,000 tỷ đồng trong ba năm lãi suất ưu đãi. Phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn đối với phần còn lại 8,000 tỷ đồng, cổ đông nhà nước có thể giao một đơn vị mua cổ phần này, có thể là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước - SCIC.
|
* Cấp bách 'cứu' hàng không vượt Covid
* Khó khăn mùa dịch, nhiều hãng hàng không tung ra chương trình khuyến mại chưa từng có
* Hà Nội – Tp.HCM là tuyến bay đông khách thứ hai thế giới giữa Covid-19
* Vietnam Airlines được phép chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu
* Có gói "giải cứu", Vietnam Airlines sẽ thoát hiểm?
Vũ Hạo
FILI
|