Đề xuất tăng 5% thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết 159 của Chính phủ thông qua dự án Nghị quyết của Quốc hội về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với mặt hàng phân bón. Phương án được Bộ Tài chính đưa vào dự thảo nghị quyết của Quốc hội là chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%.
Theo các chuyên gia của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, việc tăng 5% thuế giá trị gia tăng mặt hàng phân bón, sẽ giúp các phân bón sản xuất trong nước cạnh tranh tốt hơn với hàng nhập khẩu, giá phân bón sẽ giảm, có lợi cho sản xuất nông nghiệp.
|
Theo Nghị quyết trên, Chính phủ thông qua hồ sơ trình Quốc hội về Dự án Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất GTGT đối với mặt hàng phân bón theo đề nghị của Bộ Tài chính tại Tờ trình số 192. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu báo cáo.
Nghị quyết giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung Dự thảo Nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV theo quy trình một kỳ họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bộ Tài chính khẩn trương gửi hồ sơ, tài liệu liên quan cho Bộ Tư pháp theo quy định.
Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội Dự thảo Nghị quyết để cho ý kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV theo quy trình một kỳ họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định.
Trước đó, trong văn bản trả lời Bộ Tài chính về việc sửa chương, điều về thuế suất GTGT phân bón trong Luật thuế số 71 (có hiệu lực từ đầu năm 2015), các Bộ NN&PTNT, Công Thương, Tư pháp, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đều đồng ý theo dự thảo của Bộ Tài chính đưa phân bón từ mặt hàng không chịu thuế GTGT sang mặt hàng có thuế suất GTGT 5%.
Theo Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất GTGT 5% sẽ có nhiều tác động tích cực và toàn diện với nhiều đối tượng, đặc biệt, trả lại sự công bằng cho sản xuất phân bón trong nước và giá phân bón sẽ giảm.
Theo tính toán chi tiết của các chuyên gia của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nếu tăng thuế GTGT 5%, sẽ giúp giá phân bón tới tay nông dân không những không bị ảnh hưởng tiêu cực gì, còn có những tác động tích cực và toàn diện trên nhiều khía cạnh.
Đặc biệt, bà con nông dân sẽ được hưởng lợi, bởi trong dài hạn giá cả phân bón thấp hơn, có nhiều loại phân bón tốt hơn, góp phần giảm giá trị vật tư đầu vào, cải thiện hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập đáng kể của ngành nông nghiệp cả nước.
Theo thống kê của cơ quan Hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng năm 2019 là khoảng hơn 1 tỷ USD (tương đương 23.400 tỷ đồng). Nếu nếu tính 5% thuế GTGT, số thu ngân sách về thuế GTGT phải nộp khâu nhập khẩu sẽ tăng là 1.170 tỷ đồng.
Đối với sản xuất trong nước, theo quy định của Luật Thuế GTGT, số thuế GTGT doanh nghiệp phải nộp bằng số thuế GTGT đầu ra trừ đi số thuế GTGT đầu vào. Do hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế hoặc có thuế suất thuế GTGT là 5% và 10%. Vì vậy, nếu tính thuế GTGT thuế suất 5% đầu ra đối với mặt hàng phân bón, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ cơ bản không phải nộp thuế GTGT đối với hoạt động sản xuất phân bón.
Theo số liệu tính toán sơ bộ của cơ quan thuế và báo cáo của Hiệp hội phân bón, số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất phân bón không được khấu trừ và phải tính vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong giai đoạn 2016 - 2019, trung bình mỗi năm khoảng 1.200 tỷ đồng.
Nếu tính thuế GTGT thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón, số thuế GTGT đầu vào doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ tương ứng với số thuế GTGT đầu ra phải nộp khoảng 950 tỷ đồng. Số thuế được khấu trừ này doanh nghiệp không phải tính vào chi phí sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước giảm được giá thành sản xuất tương đương với 5% trên giá bán (khoảng 950 tỷ đồng). Do đó, giá phân bón sản xuất trong nước có thêm điều kiện để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, từ đó có thêm cơ hội để hạ giá phân bón so với phân bón nhập khẩu theo cơ chế thị trường.
Nam Khánh
Tiền phong
|