Dầu vọt 4% khi nguồn cung tại Mỹ giảm mạnh
Giá dầu tiếp tục tăng mạnh vào ngày thứ Tư (04/11), sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tuyên bố sai lầm về chiến thắng trong cuộc bầu cử căng thẳng với hàng triệu phiếu bầu vẫn chưa được kiểm đếm và sau khi dữ liệu cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm mạnh, CNBC đưa tin.
Một chiến thắng của ông Trump được xem là một yếu tố thúc đẩy dầu tăng giá bởi vì các lệnh trừng phạt Iran và sự ủng hộ của ông đối với động thái cắt giảm sản lượng do Ả-rập Xê-út dẫn đầu để hỗ trợ giá.
Một kết quả bầu cử gây tranh cãi và không chắc chắn kéo dài được xem là kết quả tiêu cực nhất đối với dầu mỏ nói riêng và các thị trường nói chung, trong khi một chiến thắng của ông Biden được xem là một yếu tố khiến dầu suy giảm bởi vì ông Biden ủng hộ chính sách xanh và có lập trường mềm mỏng hơn với Iran.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu WTI vọt 1.49 USD (tương đương 4%) lên 39.15 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent cộng 92 xu (tương đương 2.3%) lên 40.63 USD/thùng.
Cả 2 hợp đồng dầu đều nới rộng đà tăng lên mức đỉnh trong phiên sau khi dữ liệu cho thấy nguồn cung dầu thô tại Mỹ sụt 8 triệu thùng trong tuần trước, khi bão Zeta đổ bộ buộc giảm sản xuất ở khu vực Vịnh Mexico trong thời gian này.
Xuất khẩu dầu thô hàng tuần tại Mỹ giảm 1.2 triệu thùng/ngày xuống 2.3 triệu thùng/ngày trong tuần trước, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 01/2020, do bão Zeta làm gián đoạn.
Ông Trump đã tuyên bố một cách sai lệch rằng ông giành chiến thắng sau khi ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden cho biết ông tự tin chiến thắng trong cuộc tranh cử, vốn sẽ không có kết quả cho đến khi một số bang kết thúc kiểm phiếu trong vài giờ hoặc vài ngày tới.
Phố Wall đã chứng kiến đà leo dốc sớm và đà tăng của đồng USD đang chững lại, khi cuộc bầu cử Tổng thống khiến nhà đầu tư dự đoán một Thượng viện bị chia rẽ sẽ tiếp tục khiến các gói kích thích bị chậm trễ nhưng giữ tăng thuế và kiểm soát quy định.
Ngoài ra, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi khả năng các nhà sản xuất Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga sẽ xem xét hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu của OPEC+ từ tháng 01/2021, khi làn sóng nhiễm Covid-19 thứ 2 chặn đứng đà phục hồi nhu cầu nhiên liệu.
Nhiều lệnh phong tỏa có thể kìm hãm đà tăng của dầu. Italy, Na Uy và Hungary đã thắt chặt các lệnh hạn chế vì dịch Covid-19, sau Anh, Pháp và các nước khác.
An Trần
FILI
|