Coteccons đang mất đi 'tài sản quý giá nhất'
Gần một ngàn nhân sự đã chia tay với Coteccons kể từ giai đoạn đỉnh cao. Trong số sáu lãnh đạo điều hành chủ chốt giai đoạn 2016-2017, đến nay chỉ một người còn gắn bó với doanh nghiệp.
Nguyên Chủ tịch Nguyễn Bá Dương (giữa), người vừa từ nhiệm khỏi HĐQT Coteccons.
|
Tin tức chấn động về sự rời đi của ông Nguyễn Bá Dương đã dần lắng xuống, tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều thời gian để biết được số phận tương lai của CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD), bất chấp những lời trấn an từ tân Chủ tịch Bolat Duisenov - một đại diện của cổ đông lớn Kustocem Pte Ltd.
* Sự rời đi của ông Nguyễn Bá Dương là dấu chấm hết của một Coteccons hùng mạnh?
Thời gian gần đây, Coteccons đã bổ nhiệm một số nhân sự cấp cao mới, cùng việc đăng tuyển hàng loạt vị trí, kể cả các vị trí cấp thấp. Công cuộc xây dựng đội ngũ điều hành mới được khởi động sau khi thời kỳ chảy máu chất xám tại doanh nghiệp đã kéo dài 3 năm.
Chảy máu chất xám
Các lãnh đạo Coteccons nhiều lần khẳng định tài sản quan trọng nhất tạo nên giá trị doanh nghiệp chính là đội ngũ nhân sự, trong quá khứ huy hoàng và cả hiện tại khó khăn. “… Con người là cốt lõi của sự thay đổi và phát triển của Coteccons”, ông Bolat Duisenov cho biết trong bức thư gửi nhân viên Công ty vào đầu tháng 10.
Đấy là khi con số thực tế diễn tả thực trạng bi đát tại doanh nghiệp vốn là khách quen của các giải thưởng về môi trường làm việc tốt nhất. 9 tháng đầu năm 2020, số lượng nhân sự của Coteccons giảm 479 người. Nếu tính từ đỉnh điểm cuối quý 3/2018 đến cuối quý 3/2020, nhân sự Coteccons giảm 962 người.
CHẢY MÁU CHẤT XÁM
Số lượng nhân sự của Coteccons vào cuối mỗi quý
Đvt: Người
Nguồn: Vietstock tổng hợp
|
Bất chấp sự khó khăn của ngành xây dựng, việc 35% nhân sự rời công ty giữa giai đoạn bất đồng nội bộ là điều cần lưu ý. Trong khoảng thời gian này, Coteccons không hề đối mặt với bất kỳ khó khăn nghiêm trọng nào về tài chính , để có thể dẫn đến việc phải cắt giảm lượng lớn nhân sự - thứ luôn được các lãnh đạo xem là tài sản quý giá nhất.
Đỉnh cao của Coteccons là năm 2017, sau đó, nhà thầu này phải đối diện với những cơn gió ngược từ một thị trường bất động sản bị bó buộc bởi pháp lý, rồi đến đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, những hục hặc sâu trong nội bộ mới là “gót Achilles” âm ỉ của người khổng lồ ngành xây dựng.
Trong số gần một ngàn nhân viên rời đi có cả những lãnh đạo cốt cán gắn bó với doanh nghiệp từ những ngày đầu. Ban Điều hành đã biến Coteccons trở thành nhà thầu hùng mạnh nhất nước (giai đoạn 2009-2017) hiện chỉ còn duy nhất Phó Tổng Giám đốc Từ Đại Phúc gắn bó với doanh nghiệp.
Ban Điều hành Coteccons vào năm 2016. Từ trái sang phải là các ông Trần Văn Chính, Từ Đại Phúc, Nguyễn Bá Dương, Trần Quang Quân, Trần Quang Tuấn, Phan Văn Vĩnh. Thời điểm này, ông Dương vẫn là Tổng Giám đốc Coteccons, còn lại là các Phó Tổng Giám đốc. Ảnh: Báo cáo thường niên 2016 của Coteccons
|
Quyền Tổng Giám đốc hiện nay của Coteccons - ông Võ Thanh Liêm mới được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Công ty kể từ giữa năm 2017.
|
Ông Dương và ông Chính rời Coteccons vào tháng 10/2020; các ông Công và ông Quân chia tay doanh nghiệp vào tháng 8 trước đó. Ông Vĩnh sau khi rời đi vào năm 2019 đã gia nhập và giữ chức Tổng giám đốc một doanh nghiệp xây dựng khác là Viteccons; ông Tuấn đã sáng lập nên Centralcons - ngựa ô mới nổi trên đường đua của ngành xây dựng.
Hệ lụy thị trường
Trong những ngày sau khi tin tức về sự rời đi của ông Nguyễn Bá Dương xuất hiện, lượng giao dịch CTD tăng đột biến. Riêng trong 3 ngày 06-08/10, 9.18 triệu đơn vị cổ phiếu đã được sang tay, tương ứng 12% lượng cổ phiếu lưu hành của Coteccons. 6 phiên giao dịch tiếp theo từ 09-16/10, trên 11.62 triệu cp CTD được sang tay, tương ứng 15.3% cổ phần lưu hành. Gần như tất cả đều được khớp lệnh trực tiếp trên sàn.
Trong giai đoạn kể trên, CTD giảm gần 19%. Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại vẫn duy trì ổn định.
Tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2020, lượng lớn cổ đông (đại diện cho 27.35 triệu cp) – trong đó bao gồm nhân viên Coteccons – cho thấy sự ủng hộ đối với các cựu lãnh đạo (như Chủ tịch Dương hay TGĐ Công) khi biểu quyết không tán thành việc miễn nhiệm ông Công khỏi HĐQT. Tuy nhiên, nhóm cổ đông tán thành (dẫn đầu bởi Kustocem Pte Ltd) vẫn thắng thế khi nắm lượng cổ phần áp đảo.
|
Những con số đột biến về giao dịch của CTD có thể nhìn theo hai hướng. Thứ nhất, thay đổi quan trọng tại vị trí Chủ tịch đã thúc đẩy làn sóng đầu cơ lướt sóng cổ phiếu CTD trong ngắn hạn. Hoặc, thứ hai - và có khả năng lớn hơn - là sự rời đi của ông Dương như một phát súng thúc giục lệnh bán từ giới đầu tư trong nước (những người trước đó tin rằng Coteccons sẽ trở lại quỹ đạo sau khi những mâu thuẫn nội bộ lắng xuống), trong đó có thể bao gồm cả cổ phần trong tay những nhân viên của Coteccons.
Việc chảy máu chất xám có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Những nhân sự rời đi không những góp sức vào các doanh nghiệp đối thủ, mà nhiều khả năng sẽ bán ra các cổ phần CTD nắm giữ từ lâu. Tình hình kinh doanh kém sắc kết hợp với nguồn cung cổ phiếu mới ra thị trường sẽ tạo thành món salad khó nuốt đối với giới đầu tư CTD.
Trong trường hợp của vị nguyên Chủ tịch, ông đã nhanh chóng bán cổ phần và không còn là cổ đông lớn tại Coteccons.
* Doanh thu và lợi nhuận sụt mạnh, Coteccons đón quý kinh doanh kém nhất trong hơn 5 năm
Thừa Vân
FILI
|