Dịch vụ
Các quỹ đầu tư quốc tế quan tâm đến các dự án năng lượng sạch của FECON
Sáng ngày 19/1, tại Hà Nội, CTCP FECON (HOSE: FCN) đã phối hợp cùng CTCP Chứng khoán HSC tổ chức buổi gặp gỡ trực tuyến với các nhà đầu tư quốc tế.
Phiên họp có sự tham gia của nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đang quan tâm và tìm kiếm cơ hội hợp tác với FECON, tiêu biểu như: MBG Capital, VinaCapital, Mirae Asset, Endurance Capital, Fides Investment Management…
Tại đây, nhiều nội dung quan trọng được FECON chia sẻ tới các nhà đầu tư như mô hình hoạt động, tình hình kinh doanh 9 tháng năm 2020, chiến lược kinh doanh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030…
Về chiến lược phát triển giai đoạn 2020-2025, ông Trần Phương - Trưởng ban Quan hệ nhà đầu tư - cho biết FECON sẽ đẩy mạnh vào 5 lĩnh vực kinh doanh, bao gồm: Nền và móng, công trình ngầm, hạ tầng giao thông, xây dựng dân dụng và công nghiệp, đầu tư dự án. Doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu là 10,000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 825 tỷ đồng vào năm 2025.
Trong đó, một trong những mảng kinh doanh chiến lược mà FECON đang nhắm tới là Xây dựng công nghiệp nặng, đặc biệt là các dự án năng lượng sạch như nhà máy điện mặt trời, điện gió, điện khí… Năm 2020 được coi là năm bản lề của FECON khi trúng hàng loạt gói thầu lớn tại các dự án điện gió như dự án B&T Quảng Bình (chủ đầu tư AMI / AC Energy), dự án Thái Hòa (chủ đầu tư PACIFIC), dự án Trà Vinh V1.3 (chủ đầu tư REE), dự án Lạc Hòa – Hòa Đông (chủ đầu tư UPC Renewables)…
Nhà máy điện gió Trà Vinh V1.3
|
Liên quan đến chỉ số ROE, ROA và các bước đi của FECON trong thời gian tới để đưa mức tăng trưởng trở lại của chỉ số trên về 16% (ROE) và 5.75% (ROA), ông Trần Phương cho biết mức ROE, ROA của FCN thấp hơn trong hai năm gần đây do những tác động tiêu cực từ bối cảnh thế giới như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là đại dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay, thị trường xây dựng bị ảnh hưởng khá nhiều so với 2 năm trước đó. Các kết quả ký hợp đồng và triển khai dự án từ quý 3/2020 đến nay chưa kịp thể hiện lên báo cáo tài chính của 3 quý đầu năm.
“FECON đang vươn lên mạnh mẽ trở thành nhà thầu chính trong nhiều dự án, tăng mạnh thị phần trong mảng xây dựng công nghiệp và hạ tầng đô thị, duy trì vị thế top đầu trong lĩnh vực công trình ngầm, đặc biệt là công trình ngầm đô thị. Ở vai trò nhà thầu chính, FECON có thể thúc đẩy được tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với khi chỉ là thầu phụ”, ông Phương chia sẻ.
Về mảng đầu tư, các dự án năng lượng của FECON cũng là một trong những điểm thu hút sự quan tâm của các quỹ nước ngoài. Trả lời các câu hỏi về tỷ lệ sở hữu của FECON tại các dự án đầu tư năng lượng, ông Phương cho biết: “Các nhà máy điện hiện do FECON Power - công ty con 100% vốn của FECON - phụ trách phát triển. FECON đang kêu gọi các đối tác tiềm năng hợp tác đầu tư vào mảng này, tuy nhiên, FECON vẫn sẽ nắm số lượng cổ phần chi phối tại FECON Power và đồng ý cho các đối tác đầu tư nắm quyền chi phối tại một số dự án lớn trong danh mục gần 10 dự án”.
Đến nay, FECON đã hoàn thành 1 dự án 30 MW, đang triển khai đầu tư 1 dự án 50 MW và có 7 dự án đang phát triển với tổng công suất lên tới 1,200 MW. Đây đều là các dự án đầu tư xây dựng mới, trong đó có 3 dự án điện mặt trời và 6 dự án điện gió.
Ngoài việc đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, FECON cũng đang đẩy mạnh việc phát triển các khu công nghiệp tại 5 tỉnh phía Bắc với tổng diện tích khoảng 1,000 ha và các khu đô thị ven đô theo hướng sinh thái, chất lượng cao với tổng diện tích khoảng 250 ha.
FILI
|