Bức xúc với quy hoạch 'treo'
Nhiều ý kiến đề nghị phải quy trách nhiệm những người duyệt quy hoạch không khả thi...
Quy hoạch “treo” kéo dài tại khu vực ga Bình Triệu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dânẢnh: Độc Lập
|
Như Thanh Niên thông tin, liên quan đến việc xóa quy hoạch “treo” trên địa bàn TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã giao UBND các quận, huyện tổ chức công bố công khai 108 dự án với diện tích hơn 473 ha được điều chỉnh, hủy bỏ trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện do không thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được UBND TP phê duyệt. Đối với các dự án chậm triển khai, ông thay mặt UBND TP giao các quận, huyện phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường để rà soát, xử lý, từ đó đề xuất, trình UBND TP xem xét thu hồi các dự án vi phạm. Đồng thời, kịp thời xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định; xem xét, giải quyết quyền của người sử dụng đất.
Gây thiệt hại cho dân, ai bồi thường?
Phản hồi về thông tin này, nhiều ý kiến bạn đọc (BĐ) bức xúc cho biết rất khổ sở với quy hoạch “treo”, có nhà hàng chục năm không thể xây dựng thêm, không thể mua bán, sống thì nơm nớp lo lắng không biết sẽ đi đâu về đâu. Nói về vấn đề này, BĐ Văn Thành ám ảnh: “Quá hãi hùng khi nghe đến cụm từ quy hoạch treo”. “Tôi có miếng đất nằm trong quy hoạch từ năm 2013 mà đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện. Người dân chúng tôi rất khổ sở, muốn thế chấp để vay ngân hàng cũng không được, bán lấy tiền cũng không xong. Không thể an cư lập nghiệp. Xin hỏi chính quyền TP.HCM có trách nhiệm với người dân chúng tôi không?”, BĐ Huu Hung bức xúc.
BĐ Mỹ Nguyễn chất vấn: “Quy hoạch treo nhưng không làm được thì bỏ, vậy thiệt hại của dân trong thời gian treo đó thì ai bồi thường?”.
Trong khi đó BĐ Trung Nguyên thẳng thắn: “Phải có quy định thời gian nhất định, không thể để những quy hoạch treo nằm mãi như vậy được, người dân đã khổ mà nhà nước lại mất không ít tiền”.
Phải quy trách nhiệm cụ thể
Theo KTS Trần Tuấn (chuyên gia về quy hoạch), luật đã có quy định khá rõ ràng, quy hoạch xây dựng phải được định kỳ xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn... Mặc dù vậy, cơ quan chức năng có thẩm quyền không thực hiện, nếu có cũng làm chiếu lệ, qua loa đại khái khiến quy hoạch treo kéo dài. Đã đến lúc cần quy định rõ trách nhiệm của những nơi duyệt quy hoạch; nếu duyệt ẩu, duyệt không khả thi, không thực hiện được, phải đền bù thiệt hại cho người dân. Đối với việc không rà soát một cách nghiêm túc dẫn đến thiệt hại của người dân cũng phải đền bù.
Cùng quan điểm với KTS Trần Tuấn, BĐ Thái cho rằng: “Đã đến lúc phải quy trách nhiệm về quy hoạch treo để trả lại quyền lợi cho người dân. Phải thực hiện bằng hành động chứ đừng nói suông”. Tương tự, BĐ Van Anh ý kiến: “Tôi đồng ý phải quy trách nhiệm đối với việc thiếu trách nhiệm của người làm quy hoạch, gây thất thoát nguồn tài nguyên”.
“Cần phải có những ràng buộc pháp lý đối với người làm quy hoạch, không thể để tình trạng vẽ ra quy hoạch rồi treo đó không biết khi nào mới thực hiện được, như vậy sẽ làm cho quyền lợi hợp pháp của người dân mất đi giá trị khi muốn xây dựng hay mua bán. Một dự án quy hoạch phải có thời gian tối đa là 5 năm, nếu không thực hiện được phải hủy bỏ quy hoạch và người vẽ ra quy hoạch phải chịu trách nhiệm với dự án mà mình đã phê duyệt”, BĐ Tam Nguyen ý kiến.
Đ.Huân
Thanh niên
|