Tư duy 'không quản được thì cấm', không thể có đô thị thông minh
Việt Nam với tốc độ đô thị hóa nhanh, việc phát triển đô thị gắn với khoa học công nghệ thông tin, CMCN 4.0 được coi là giải pháp thúc đẩy hướng tới phát triển đô thị toàn diện hơn, bền vững hơn.
Xu hướng tất yếu
Hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 19,6% với 629 đô thị (năm 2009) lên khoảng 39,2% với 835 đô thị (12/2019).
Tính đến tháng 3/2020 đã có 35 tỉnh, thành phố trực thuộc trung đã ký kết hợp tác chiến lược với các tập đoàn viễn thông để xây dựng đô thị thông. Trong đó Viettel đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 24 địa phương, Tập đoàn VNPT ký kết hợp tác với 20 địa phương.
Trong khoảng 4 năm gần đây, Chính phủ Việt Nam ngày càng quan tâm đến phát triển đô thị thông minh. Rất nhiều các cam kết, thoả thuận hợp tác đã được ký kết giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng là các quốc gia, tổ chức đã phát triển thành công đô thị thông minh bao gồm: Hà Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới,… và gần đây nhất là với cộng đồng chung ASEAN để xây dựng mạng lưới đô thị thông minh ASEAN.
Con người trong đô thị thông minh
|
Sau khi Việt Nam tham gia Mạng lưới Đô thị thông minh ASEAN (ASCN) vào năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Phát triển đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030”, với 3 nhóm nội dung ưu tiên gồm: Quy hoạch đô thị thông minh; quản lý đô thị thông minh và tiện ích đô thị thông minh.
Trên nền tảng cơ sở dữ liệu liên thông, hiện nay nhiều đô thị ở Việt Nam đã có những thành công bước đầu trong việc cung cấp các tiện ích thông minh trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, xây dựng, môi trường... từng bước tối ưu hóa quản lý phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống cư dân đô thị và tạo ra cơ hội phát triển con người, không bỏ lại ai phía sau.
Điển hình, Hà Nội đang tập trung triển khai hệ thống đỗ xe cho phép người dùng có thể tìm kiến vị trí đỗ phù hợp; thanh toán thông qua ứng dụng cài trên thiết bị điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, Hà Nội còn phát triển hệ thống bản đồ giao thông kỹ thuật số để quản lý giao thông đô thị.
Đáng chú ý, việc triển khai dự án thành phố thông minh Bắc Hà Nội với 272 ha tại huyện Đông Anh dự kiến sẽ góp phần giải quyết vấn đề quy hoạch, hạ tầng giao thông, năng lượng, giáo dục, y tế, môi trường phát triển theo hướng bền vững, dựa trên nền tảng công nghệ số thông minh.
TPHCM và Hà Nội dẫn đầu thành phố năng động nhất thế giới
|
Tương tự, Thành phố Hồ Chí Minh cũng tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng dữ liệu lớn, trung tâm điều khiển dữ liệu, trung tâm điều khiển an ninh và hệ thống dữ liệu mở. Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh đang lập kế hoạch xây dựng giải pháp thông minh cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, an toàn thực phẩm, giáo dục, quản lý giao thông, kiểm soát ngập úng.
Đối với Đà Nẵng, đây là địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông Việt Nam - Viet Nam ICT Index trong thời gian qua.
Thành phố Đà Nẵng đạt điểm tối đa về ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ các cơ quan nhà nước. Từ năm 2018, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kiến trúc tổng thể Thành phố thông minh và Đề án xây dựng Thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam với 3 trụ cột chính là quy hoạch và xây dựng đô thị thông minh, quản lý đô thị thông minh và thực hiện các dịch vụ, tiện ích đô thị một cách thông minh dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn và xây dựng một xã hội đô thị phát triển hài hòa, phát huy bảo tồn giữu gìn được truyền thống, bản sắc văn hóa.
Phát triển đô thị thông minh là một hướng đi tất yếu, phù hợp với xu hướng quốc tế, tận dụng được những cơ hội, thành quá của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.
Động lực phát triển đô thị thông minh
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thiếu cơ chế chính sách dẫn đến các địa phương khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lực, đặc biệt vốn ngân sách khi đô thị thông minh chưa được cụ thể hóa trong văn bản quy phạm pháp luật hay như xây dựng đề án xong thì gặp khó khăn trong triển khai thực hiện do chưa có căn cứ pháp lý.
Từ điều kiện hiện trạng đô thị nêu trên, việc phát triển đô thị thông minh ở cấp độ đô thị cần phải thận trọng, không nên vội vàng chạy theo phong trào. Mỗi đô thị trước khi triển khai ứng dụng mô hình đô thị thông minh cần phải rà soát tổng thể tiềm lực, ưu thế cũng như cần biết chắc nên ứng dụng vào lĩnh vực nào, địa điểm nào và mỗi giai đoạn cần đạt đến cái gì để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất sẵn có, nguồn lực đầu tư hướng tới đô thị thông minh trở thành nền tảng và thế mạnh phát triển cho đô thị.
Phát triển đô thị thông minh cần lấy người dân làm trung tâm và bám sát thực tế, tiến hành dần từng bước, có những tiến bộ cụ thể và vững chắc; dựa trên đặc điểm riêng của đô thị mình và đáp ứng đúng nhu cầu; định hướng thị trường và tránh sự can thiệp không cần thiết từ Chính quyền…
Bộ trưởng Bộ xây dựng nhận định, trong thời gian tới sẽ tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã được xác định trong Đề án phát triển đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn 2018- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, xây dựng nền tảng pháp lý cho phát triển đô thị thông minh, những công cụ quản lý, những định chế, cơ chế phối hợp giữa các cấp các ngành, giữa Trung ương và địa phương thế nào để đảm bảo điều phối, dẫn dắt, định hướng phát triển đô thị trong cả nước một cách đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, tránh lãng phí phân tán tài nguyên và các nguồn lực.
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết, phần lớn các chuyên gia hàng đầu thế giới cũng đánh giá rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 về bản chất là một cuộc cách mạng về thể chế. Bản chất cách mạng là việc phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số tạo ra lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh và thậm chí có thể dùng từ là bùng nổ.
Theo ông Bình cần phải có cách tiếp cận mở, sáng tạo và mạnh dạn cho làm thí điểm. “Từ trước đến nay vẫn có cái tư duy quản lý theo lối mòn là cái gì chưa quản lý được hoặc không quản lý được thì cấm. Không thể có cách mạng công nghiệp 4.0 nếu vẫn tiếp tục với cách tư duy như thế để quản lý kinh tế và quản lý xã hội”, ông nhấn mạnh.
D. Anh
Vietnamnet
|