Thị trường chứng khoán đã ngắt kết nối với nền kinh tế
Lời giải thích tốt nhất cho lý do tại sao thị trường chứng khoán vẫn tăng giá bất chấp suy thoái kinh tế là các doanh nghiệp vốn hóa lớn không phải chịu nhiều thiệt hại vì đại dịch COVID-19. Nhưng sau khi tránh được mối đe dọa từ virus corona, họ lại lọt vào tầm ngắm của những chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy.
* Bài viết thể hiện quan điểm của Kenneth Rogoff
Nguồn: Bloomberg
Những đối tượng bị thiệt hại nhiều nhất lại không niêm yết trên thị trường chứng khoán
Tại sao thị trường chứng khoán lại tăng mạnh trong khi nền kinh tế vẫn còn yếu? Có một thực tế đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn: cuộc khủng hoảng đã gây ra những tác động tiêu cực to lớn lên các doanh nghiệp nhỏ và những người có thu nhập thấp. Họ là nguồn lực thiết yếu cho nền kinh tế nhưng lại không thực sự cần thiết cho thị trường chứng khoán, nơi nhà đầu tư thường chỉ chú ý đến các doanh nghiệp vốn hóa lớn. Thật vậy, có những cách giải thích khác cho việc định giá cổ phiếu cao ngất ngưỡng hiện nay nhưng mỗi cách đều có những hạn chế riêng.
Thứ nhất, do thị trường chứng khoán luôn hướng đến tương lai, giá cổ phiếu hiện tại đang phản ánh sự lạc quan về vắc-xin điều trị COVID-19 sắp xuất hiện, việc xét nghiệm và điều trị được cải tiến triệt để; giúp cải thiện tình hình thay vì hạn chế tiếp xúc và ban hành các lệnh đóng cửa. Quan điểm này nghe có vẻ hợp lý. Thị trường chứng khoán có thể đang đánh giá thấp khả năng xảy ra một làn sóng thứ hai nghiêm trọng vào mùa đông năm nay và đồng thời đánh giá quá cao hiệu quả và tác động của vắc-xin đợt đầu.
Lời giải thích thứ hai cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán hiện nay nghe có vẻ thuyết phục hơn. Đó chính là các ngân hàng trung ương đã giảm lãi suất xuống mức gần như bằng không. Các nhà đầu tư tin rằng có rất ít khả năng lãi suất sẽ tăng trong tương lai gần. Điều này làm các tích sản dài hạn như nhà cửa, tác phẩm nghệ thuật, vàng và thậm chí cả Bitcoin đều đã bị đẩy giá lên. Do dòng thu nhập của các công ty công nghệ chủ yếu nghiêng về tương lai nên họ đã được hưởng lợi rất nhiều từ lãi suất thấp.
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ này không rõ ràng khi mà các ngân hàng trung ương không đưa ra thời điểm kết thúc của tình trạng lãi suất thấp. Rốt cuộc, những tác động bất lợi trong dài hạn, đặc biệt là từ quá trình phi toàn cầu hóa (deglobalization), có thể còn kéo dài đến sau khi nhu cầu toàn cầu phục hồi.
Lời giải thích thứ ba là ngoài việc giảm lãi suất xuống mức cực thấp, các ngân hàng trung ương đã trực tiếp hỗ trợ thị trường trái phiếu tư nhân, sự can thiệp chưa từng có của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Việc mua trái phiếu riêng lẻ không nên được coi là chính sách tiền tệ theo nghĩa thông thường. Thay vào đó, chúng tương tự như chính sách tài khóa, với Fed đóng vai trò như một đại lý cho Kho bạc Mỹ trong tình huống khẩn cấp.
Do đó, sự can thiệp này có thể chỉ là tạm thời, ngay cả khi nhiều ngân hàng trung ương vẫn chưa thành công trong việc truyền tải thông tin này đến thị trường. Bất chấp kinh tế vĩ mô biến động mạnh và nợ doanh nghiệp tăng, chênh lệch lãi suất trái phiếu chính phủ đã thực sự thu hẹp ở nhiều thị trường và số lượng các công ty lớn bị phá sản cho đến nay vẫn ở mức thấp đáng kể nếu xét đến mức độ lan rộng của cuộc khủng hoảng kinh tế.
Đến một lúc nào đó, thị trường sẽ không còn quan niệm cho rằng người nộp thuế sẽ là đối tượng chịu thiệt hại cho mọi cuộc khủng hoảng. Các ngân hàng trung ương cuối cùng rồi cũng sẽ nhận ra những giới hạn của mình và niềm tin rằng “mọi thứ vẫn ổn” chắc chắn sẽ bị lung lay nếu một làn sóng dịch bệnh thứ hai nghiêm trọng hơn đến vào mùa đông này.
Ba điều trên đã giải thích cho lý do tại sao thị trường chứng khoán lại tăng mạnh trong khi nền kinh tế thực vẫn đang gặp khó khăn. Sự thật là dịch COVID-19 không gây ra nhiều thiệt hại cho các công ty đại chúng. Mà nó nhắm vào những doanh nghiệp nhỏ lẻ và hộ kinh doanh cá thể - từ tiệm giặt khô, nhà hàng cho đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giải trí - không niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Về cơ bản, những doanh nghiệp này không có đủ nguồn vốn cần thiết để chống chọi với những cú sốc lớn. Dù các chính sách hỗ trợ của chính phủ đã giúp các doanh nghiệp này sống sót trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, đến nay sự hỗ trợ này dường như không còn hiệu quả như giai đoạn đầu, thậm chí còn làm tăng nguy cơ xảy ra hiệu ứng “hòn tuyết lăn” trong trường hợp có đợt dịch thứ hai bùng phát.
Chủ tịch Fed Jerome Powell. Nguồn: Reuters
Cái gì đã đi lên mạnh thì cũng có thể đi xuống mạnh không kém
Sự phá sản của một số doanh nghiệp nhỏ được coi là một phần của quá trình chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế mà đại dịch đã gây ra. Điều đó sẽ mang lại một vị thế tốt cho các công ty đang niêm yết trên thị trường so với giá trị nội tại của chúng. Trên thực tế thì đây cũng là một lý do thúc đẩy đà tăng trưởng của thị trường. Mặc dù có một số công ty lớn đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản, nhưng hầu hết chúng đã gặp khó khăn từ trước khi đại dịch bùng phát.
Để nhấn mạnh hơn nữa về tác động không đồng đều của đại dịch, sự sụt giảm nguồn thu thuế của chính phủ không lớn như mọi người dự kiến so với mức độ suy thoái kinh tế và mức thất nghiệp kỷ lục. Nguyên nhân là do thất nghiệp tập trung ở những người có thu nhập thấp, đối tượng đóng thuế ít.
Thị trường chứng khoán gần đây phải đối mặt với những rủi ro không chỉ về kinh tế, mà còn có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đã có làn sóng phản ứng dữ dội về các chính sách dường như có lợi cho Wall Street hơn là Main Street. Lần này, Wall Street sẽ lại bị gièm pha nhưng cơn thịnh nộ của những người theo chủ nghĩa dân túy cũng sẽ hướng về phía Thung lũng Silicon.
(*) Main Street mô tả các nhà đầu tư trung bình, các doanh nghiệp nhỏ hoặc nền kinh tế thực. Wall Street đại diện cho các nhà đầu tư có vốn lớn, các tập đoàn đa quốc gia hoặc thị trường tài chính.
Một kết quả khác có thể xảy ra, nếu quá trình phi toàn cầu hóa khiến cho các doanh nghiệp khó chuyển hoạt động sang các nước có thuế suất thấp hơn thì sẽ chuyển xu hướng sang giảm thuế suất doanh nghiệp… Điều này không có lợi cho giá cổ phiếu và sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng phản ứng của phía chủ nghĩa dân túy chỉ dừng lại ở đó.
Cho đến khi giá trị vốn hóa cao ngất ngưỡng của thị trường chứng khoán được củng cố bởi sự phục hồi trên diện rộng cả về sức khỏe dân chúng và nền kinh tế thực, các nhà đầu tư không nên quá yên tâm với những khoản lợi nhuận khổng lồ của họ. Bởi cái gì đã đi lên mạnh thì cũng có thể đi xuống mạnh không kém!
Giới thiệu về tác giả Kenneth Rogoff
Kenneth Rogoff là giáo sư kinh tế học và chính sách công tại Đại học Harvard. Ông từng là Kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF - International Monetary Fund) từ năm 2001 đến 2003.
Ông là đồng tác giả của các cuốn sách “This Time is Different: Eight Centuries of Financial Folly và The Curse of Cash”.
Nguồn: World Economic Forum
Phòng Tư vấn Vietstock (Theo Project Syndicate)
FILI
|