Nuôi cá, tôm… bằng công nghệ số, thu 1 tỉ/ha
Doanh nghiệp, nông dân đã áp dụng công nghệ số để cho bò nghe nhạc, massage cho vật nuôi để chúng phát triển nhanh và đạt chất lượng tốt hơn.
Con đường duy nhất để làm giàu từ nông nghiệp là áp dụng công nghệ cao, công nghệ số. Trong ảnh: Tập đoàn Lộc Trời sử dụng thiết bị không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng lúa. Ảnh: TL
|
Sáng 15-10, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tổ chức gặp gỡ báo chí để thông tin về chương trình “Bình chọn và công nhận danh hiệu Sao VIDA” dành cho các doanh nghiệp (DN) thành viên. Tại đây, nhiều vấn đề về nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ số đã được chia sẻ.
Đã vượt qua ước mơ 50 triệu đồng/ha
Bà Ninh Thị Ty, người say mê với việc xuất khẩu lá tía tô xanh sang Nhật Bản, cho hay: Trước đây nông nghiệp phấn đấu thu nhập 50 triệu đồng/ha nhưng bây giờ đã có những vùng đạt 1 tỉ đồng/ha. Bà Ty nhận định có được thành quả trên chính là nhờ những nơi này đã áp dụng khá tốt công nghệ số, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh.
“Ví dụ, tưới phân cho cây trồng đã dùng robot, máy bay không người lái. Làm nấm cao cấp, trồng cây ăn quả thì bản thân chúng tôi cũng áp dụng công nghệ số. Chúng tôi làm tía tô xanh, xuất đi Nhật thì quy trình rất là chặt chẽ, cần ứng dụng công nghệ cao. Nếu không áp dụng công nghệ thì khó đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng” - bà Ty chia sẻ.
Tổng giám đốc Công ty Visimex Thân Văn Hùng cũng chia sẻ từ khi thành lập VIDA, hầu hết đơn vị thành viên đều áp dụng công nghệ số trong các lĩnh vực của mình. Điều này nhằm gia tăng hiệu quả cho sản xuất và giá trị cho nông sản, đáp ứng yêu cầu cao của các nước nhập khẩu.
Chẳng hạn như với lĩnh vực nuôi tôm, công nghệ số đã được áp dụng để phân tích mẫu nước, thức ăn, quy trình chăm bón, cung cấp các dữ kiện khoa học trong nhân bản giống tôm… Qua đó đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế.
“Hay đối với lĩnh vực chăn nuôi gà, bò, lợn… thì đã áp dụng công nghệ số để cho bò nghe nhạc, massage cho vật nuôi để chúng phát triển nhanh và đạt chất lượng tốt hơn. Đối với lĩnh vực trồng trọt đã áp dụng công nghệ chiếu sáng cho thanh long, rau sạch…” - ông Hùng nói.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VIDA, bổ sung thêm trường hợp Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, một trong những đại gia thủy sản Việt Nam với sản phẩm đang có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bài toán đầu tiên mà tập đoàn này giải là làm thế nào để áp dụng công nghệ dự đoán được sản lượng tôm trong tương lai. Đây là bài toán quan trọng để Minh Phú xác định được nhu cầu tiêu thụ trước khi thu hoạch tôm.
“Tôm Việt Nam xuất khẩu lớn nhưng chưa có thương hiệu, vậy làm thế nào để xây dựng? Khi nào thông tin về quy trình sản xuất con tôm minh bạch từ khi nở ra cho đến khi đến tay người tiêu dùng thì khi đó sẽ có thương hiệu tôm Việt Nam đặc biệt” - ông Bình chia sẻ và cho biết Minh Phú là công ty tiên phong trong vấn đề này. Hiện công ty đang hoàn thiện quy trình và sắp bước vào giai đoạn triển khai.
Con đường duy nhất để làm giàu từ nông nghiệp là áp dụng công nghệ cao, công nghệ số. Trong ảnh: Tập đoàn Lộc Trời sử dụng thiết bị không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng lúa. Ảnh: TL
|
Có dự án khả thi thì được vay
Dù việc áp dụng công nghệ cao mang lại nhiều lợi ích nhưng việc hỗ trợ vốn cho lĩnh vực này đang “có vấn đề”. Tại buổi gặp gỡ báo chí, Pháp Luật TP.HCM đặt vấn đề: Từ năm 2017, Thủ tướng đã quyết định gói 100.000 tỉ đồng dành để hỗ trợ cho nông nghiệp công nghệ cao. Vậy hiện gói hỗ trợ này đã được sử dụng ra sao, mang lại hiệu quả thế nào và có giúp gì được cho nông nghiệp công nghệ số hay không.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Phó Chủ tịch VIDA, cho biết: Theo thông tin tôi có được, có lẽ gói 100.000 tỉ đồng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao chưa đạt các mục tiêu. Chỉ một số công ty, tập đoàn lớn có thể vay được, chứ DN nhỏ và vừa thì chưa được vay.
Bà Thực cho rằng nông nghiệp Việt Nam có những đặc thù và vì vậy, nông sản cũng phải có những sản phẩm công nghệ đặc thù, phù hợp với điều kiện canh tác của Việt Nam. Các công ty nông nghiệp công nghệ số của Việt Nam dường như không đáp ứng đủ các tiêu chí hoặc không xác định được các tiêu chí để vay được gói 100.000 tỉ đồng.
Nông nghiệp là cơ hội làm giàu rất to lớn cho người dân, DN và đất nước. Vậy làm thế nào để giàu có từ nông nghiệp? Con đường duy nhất phải là nông nghiệp công nghệ cao, mà đỉnh của nó phải là nông nghiệp công nghệ số.
Ông TRƯƠNG GIA BÌNH, Chủ tịch VIDA
|
“Gói 100.000 tỉ đồng theo tôi mới cho vay được vài ba chục ngàn tỉ. Bởi thế mới có chuyện công ty Việt chế tạo được công nghệ, ứng dụng được công nghệ số phù hợp nhưng lại chưa tiếp cận được nguồn này. Để nông nghiệp phát triển, phù hợp với chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ thì mục tiêu và các tiêu chí cho vay của gói này cần cụ thể và phù hợp hơn với thực tế” - bà Thực kiến nghị.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường Bộ NN&PTNT, người mới đây tham dự các hội nghị về tín dụng nông nghiệp, cho hay:“Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước thì đến ngày 30-8, gói 100.000 tỉ đồng hỗ trợ DN nông nghiệp công nghệ cao đã giải ngân được 68.000 tỉ đồng, dư nợ 28.000 tỉ đồng”.
Tuy thế, bà Thủy thừa nhận lúc đầu triển khai gói hỗ trợ này gặp khó khăn vì tiêu chí cho vay vượt quá khả năng thực tế của DN. Việc thế chấp để vay gói này của các tổ chức, cá nhân cũng khó khăn nhưng sau đó Chính phủ đã ban hành nghị định để tháo gỡ các vướng mắc. Theo đó, DN nông nghiệp nào có ứng dụng công nghệ cao đều được tham gia vay.
Nhưng khi triển khai thì các ngân hàng thương mại lại gặp khó khăn như các DN nhỏ, hộ nông dân vẫn khó tiếp cận. Bởi thế, Bộ NN&PTNT đã đề xuất tất cả DN, dự án, thậm chí là phương án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có tính khả thi… đều được vay.
Lãnh đạo Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường Bộ NN&PTNT cũng nêu quan điểm rằng công nghệ số chính là tác nhân kết nối nông dân với thị trường, nông dân với thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Bởi lẽ hiện nay, cùng với yêu cầu cao của người tiêu dùng thì các hiệp định thương mại tự do cũng đặt ra vấn đề số hóa, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý… cho nông sản.
Chưa kịp vươn ra ngoài, người ta đã vào đầy sân
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Phó Chủ tịch VIDA, nhận định các chính sách, hàng rào kỹ thuật bảo vệ nông sản của Việt Nam đang được ban hành rất chậm.
Ví dụ cách đây vài tháng, Trung Quốc chặn một số mã vùng của xoài tại Việt Nam. Bởi họ đã có quá trình theo dõi, tổng hợp mã vùng của xoài Việt Nam trong hai năm. Trong khi đó, việc cấp mã vùng cho các nông sản của Việt Nam lại quá chậm và trách nhiệm này không phải của DN.
“Tôi hay nói chúng ta mở cửa nhưng chưa kịp vươn ra ngoài thì người ta đã vào đầy sân rồi. Như mặt hàng rau, củ quả… người ta có thể ào ào đi vào rồi vượt 3.000 km để bán. Chúng ta thua ngay trên sân nhà và bị tổn thương” - bà Thực nêu.
|
CHÂN LUẬN
Pháp luật TPHCM
|