Thứ Tư, 21/10/2020 08:20

Nợ xấu đã được xử lý thế nào dưới thời Thống đốc Lê Minh Hưng?

Chánh văn phòng T.Ư Đảng, Lê Minh Hưng với 1 nhiệm kỳ làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đạt kết quả như thế nào về việc xử lý nợ xấu?

* Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm Chánh văn phòng Trung ương Đảng

Nợ xấu đã được xử lý thế nào dưới thời Thống đốc Lê Minh Hưng?
Thống đốc Lê Minh Hưng giải trình tại Quốc hội. Ảnh: Ngọc Thắng

1,1 triệu tỉ đồng nợ xấu được xử lý

Sáng 20.10, Văn phòng T.Ư Đảng đã công bố quyết định của Bộ Chính trị về điều động, phân công ông Lê Minh Hưng, Ủy viên T.Ư Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, giữ chức Chánh văn phòng T.Ư Đảng.

Ông Hưng nhận nhiệm vụ Thống đốc vào tháng 4.2016. Ngồi "ghế nóng" của ngành, ông phải đối mặt với nhiều thách thức: kiểm soát lạm phát, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, giảm lãi suất, nắn dòng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, giảm nợ xấu…

Nhìn lại 1 nhiệm kỳ, có thể thấy nợ xấu đã giảm khá mạnh. Cụ thể, theo báo cáo của NHNN vừa gửi tới Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 14, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3% (tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 7.2020 ở mức 1,92%, ước tính đến cuối tháng 8.2020 ở mức 1,96%).

Nếu tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7.2020, toàn hệ thống các TCTD ước tính đã xử lý được hơn 1,1 triệu tỉ đồng nợ xấu (riêng năm 2019 xử lý được 159.700 tỉ đồng và 7 tháng đầu năm 2020 xử lý được 63.810 tỉ đồng).

Kế thừa Công ty Quản lý tài sản (VAMC), ông Lê Minh Hưng đã điều hành, chỉ đạo hệ thống xử lý được khá nhiều nợ xấu thông qua hoạt động mua - bán nợ của công ty này. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD đến tháng 7.2020 ở mức 4,47%, ước tính đến cuối tháng 8.2020 ở mức 4,49%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016, mức 7,36% cuối năm 2017 và mức 5,85% vào cuối năm 2018.

Nhìn chung, sau gần 7 năm đi vào hoạt động, VAMC đã phát huy vai trò quan trọng trong việc mua, bán, xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD. Hoạt động mua nợ của VAMC góp phần quan trọng trong việc duy trì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD ở mức dưới 3% trong suốt giai đoạn từ 2015 đến nay.

Lũy kế từ khi thành lập năm 2013 đến 31.8.2020, VAMC đã thực hiện mua nợ với 337.348 tỉ đồng giá mua nợ (tăng 91.424 tỉ đồng, tương ứng tăng 37% so với tổng lũy kế giá mua nợ giai đoạn 2013 đến 31.12.2016). Bên cạnh đó, VAMC đã thực hiện thu hồi nợ đạt 155.674 tỉ đồng (tăng 104.658 tỉ đồng, tương ứng tăng 205% so với tổng thu hồi nợ giai đoạn 2013 đến 31.12.2016).

Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD là “dấu ấn” đậm nét trong giai đoạn mà ông Hưng làm “tư lệnh” ngành ngân hàng. Sau khi Quốc hội thông qua, luỹ kế từ 15.8.2017 đến cuối tháng 7.2020, cả hệ thống TCTD đã xử lý được 303.100 tỉ đồng nợ xấu xác định theo nghị quyết này.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao quyết định và chúc mừng ông Lê Minh Hưng được phân công giữ chức vụ mới. Ảnh: VGP

Tái cơ cấu ngân hàng còn khó khăn

Dù nợ xấu đã được rốt ráo xử lý và kiểm soát ở mức an toàn, nhưng trong nhiệm kỳ này việc tái cơ cấu các TCTD vẫn còn gặp nhiều khó khăn. “Với thực trạng tài chính hiện nay của các ngân hàng thương mại mua bắt buộc, việc tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực tài chính và năng lực quản trị tham gia xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng này gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc triển khai cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc là một quá trình lâu dài, phức tạp, phải phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành và các cơ quan liên quan”, NHNN đánh giá về việc tái cơ cấu các ngân hàng yêu kém, bị mua lại với giá 0 đồng. Bên cạnh đó, tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chậm, phụ thuộc vào nội dung phương án cơ cấu lại tổng thể của tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Về nguyên nhân, theo NHNN trong quá trình triển khai quy định liên quan đến xử lý nợ xấu có một số khó khăn vướng mắc về khuôn khổ pháp lý như: hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ xấu đã hình thành nhưng được quy định rải rác tại nhiều văn bản và chưa có luật xử lý nợ xấu; thực hiện thứ tự ưu tiên về thuế theo quy định tại Nghị quyết 42; nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản và xử lý tài sản đảm bảo…

“Quá trình xử lý nợ xấu đối với các ngân hàng thương mại mua bắt buộc gặp khó khăn do phần lớn tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu là bất động sản. Tài sản đảm bảo bị kê biên chủ yếu liên quan đến các vụ án với hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh nên thời gian xử lý kéo dài. Bên cạnh đó, giá trị của tài sản đảm bảo thường lớn nên khó khăn trong việc thẩm định và đấu giá khi thực hiện xử lý nợ xấu", NHNN đánh giá lại về hạn chế xử lý nợ xấu dưới thời Thống đốc Lê Minh Hưng.

Anh Vũ

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Saigonbank: Lãi trước thuế quý 3 giảm 61%, giá cổ phiếu tiếp tục lao dốc (20/10/2020)

>   Kienlongbank: Lãi trước thuế quý 3 giảm 52%, nợ xấu tiếp tục tăng (20/10/2020)

>   Phùng Thị Thắng khai gì về vụ cướp 2,1 tỉ đồng của ngân hàng (20/10/2020)

>   HDBank nâng thời hạn vay mua nhà, sửa nhà lên đến 35 năm (20/10/2020)

>   Kết thúc 9 tháng, TPBank báo lãi 3,024 tỷ đồng, rủi ro được kiểm soát tốt (19/10/2020)

>   LienVietPostBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ bằng phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 10% (19/10/2020)

>   Mừng 20/10, HDBank tặng khách hàng hàng ngàn phần quà và tiền vào tài khoản (19/10/2020)

>   Cửa kiếm tiền: Cầm cố sổ tiết kiệm vay vốn, cho vay lại ăn chênh (19/10/2020)

>   NHNN: Giảm bớt phiền hà cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn (19/10/2020)

>   ‘Tín dụng đen’ online lãi suất lên đến 1.400% một năm (18/10/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật