Nhịp đập Thị trường 29/10: Vài Large Cap kìm chỉ số chính, cổ phiếu vừa và nhỏ hồi tích cực
VN-Index tưởng chừng hồi mạnh khi tăng hơn 3 điểm ngay khi bước vào phiên chiều, tuy nhiên sau đó lại giảm mạnh tới hơn 8 điểm về 916, trước khi được kéo lên và chốt đóng cửa ở 919.1 điểm. Diễn biến future Mỹ có thể coi là 1 yếu tố tác động, với diễn biến khá đồng dạng, nhưng dù sao đến lúc cuối vẫn còn tăng gần 1%. Như vậy, yếu tố lớn hơn khiến VN-Index “chạy” xuống là 2 Large Cap MSN (bị bán sàn), và VIC (mất đà tăng). May thay, nhóm ngân hàng và vài largecap khác đã kéo chỉ số vào phút cuối.
MSN tiếp tục bị khối ngoại bán ròng mạnh chiều nay. Đến thời điểm trước ATC, lượng bán ròng đã hơn 2.4 triệu cổ phiếu, và vẫn còn 1.6 triệu nữa chờ khớp. May sao, cổ phiếu này được nhà đầu tư nội “cân lại”, khớp hết lượng bán khối ngoại và giúp kéo giá lên, đóng cửa ở 84 ngàn đồng/cp và chỉ giảm có 2.3%. Tính từ ngày 12/10 đến trước hôm nay, khối ngoại đã bán gần 29 triệu cổ phiếu MSN. Trong công bố thông tin gần nhất, cổ đông lớn ngoại là Chính phủ Singapore đã bán hơn 150 ngàn cp, giảm số lượng nằm giữ về khoảng 47 triệu cổ phiếu. Liệu trong đợt bán này, người bán chính là họ? Nếu đúng, có khi MSN còn bị bán ròng vài phiên nữa.
Tại thời điểm đóng cửa, tương quan tăng giảm giá trên sàn HOSE nhìn bề mặt là cân bằng, số cổ phiếu tăng gần bằng số giảm. Trong nhóm VN30, tỷ lệ này là 14:14. 2 chỉ số nhóm Mid và Small Cap giữ được sắc xanh trong ngày, cho thấy khả năng những ai bắt đáy những mã trong 2 nhóm này đã “may mắn” hơn so với chơi Large Cap.
Nhìn từ góc độ nhóm ngành, có thể kết luận là tích cực hơn so với phiên sáng. Nhiều nhóm ngành nổi lên như ngân hàng, bất động sản (công nghiệp lẫn dân dụng), dệt may, chứng khoán, thủy sản (cá), sắt thép, bảo hiểm…
HNX-Index giữ được sắc xanh trong suốt phiên chiều, nhờ nhiều Large Cap tăng giá mạnh, bao gồm VIX và OCH tăng trần, cộng với VNR, PHP, SHS, PLC, và cả 2 đại gia ngân hàng ACB và SHB. VNR tăng đến gần 6.5% là bất ngờ lớn khi chỉ có 2 deal vào phút cuối.
Nhóm ngân hàng có thể coi là có kết cục (đóng cửa) tích cực nhất so với các nhóm ngành lớn khác trên sàn chứng. Dù 3 đại gia ngân hàng VCB, BID và CTG giảm giá, nhưng nhìn chung nhóm này số mã tăng giá vẫn đa số. ACB trong phiên sáng hầu như chỉ có giảm, nhưng đến phiên chiều đã sớm tăng trở lại. Đáng tiếc nhất có lẽ là CTG và TCB, khi giảm mạnh vào ATC. VCB cũng bỗng dưng đổi màu chỉ vài phút trước ATC.
Nhóm BĐS dân dụng có kết cục tích cực vào cuối phiên chiều, khi đồng loạt tăng giá, tuy nhiên mức tăng nhìn chung khá khiêm tốn, trên dưới 1%. “Cá biệt” có lẽ là SJS, tăng hơn 3%. Đáng tiếc là KDH, NTL lại bất ngờ chọn màu đỏ vào phút cuối.
VOC giảm 9.3% đóng cửa chiều nay trên UPCoM, như vậy đã giảm gần 25% chỉ trong vòng 3 phiên. Trong số những Large Cap sàn UPCoM, VOC có thể coi là có diễn biến tệ nhất. Kế đó có lẽ là MPC, chiều nay cũng giảm 0.7%. Chiều nay chỉ số sàn này cũng kịp hồi về lúc cuối, tăng 0,01 điểm rất may mắn dù vẫn có nhiều Large Cap giảm giá, như ACV, OIL, VGI, MML, MCH…
Nhóm BĐS công nghiệp lại rục rịch tăng, khi chiều nay có nhiều mã nổi bật như ITA, LHG, GVR. 2 cổ phiếu có “bà con” với nhau là ITA và KBC hôm nay được khối ngoại mua ròng. tương tự, GVR cũng được khối ngoại mua hơn 250 ngàn cổ phiếu, giúp kéo giá tăng 2.2%.
Nhóm chứng khoán chiều nay đồng loạt tăng, có lẽ không đành nhìn VIX và VCI tăng lẻ loi trong phiên sáng. VCI vẫn duy trì đà tăng hơn 3%, VIX kéo trần, hàng loạt mã khác đổi màu sang sắc xanh, bao gồm cả 2 đại ca SSI và HCM. VDS tăng hơn 4% cũng là điểm nhấn trong số các công ty tầm trung.
Phiên sáng: VIC kéo chỉ số, nhưng kỳ vọng bắt đáy khá mong manh
VN-Index kết thúc phiên sáng nay ở 921,5 điểm, hồi được… nửa điểm sau khi mất hơn 40 điểm của 3 phiên trước đó. Lực bắt đáy đã đến từ sáng sớm, nhưng đến giờ có vẻ mới chỉ thành công rất khiêm tốn, khi trong suốt gần 2 tiếng rưỡi đồng hồ, chỉ số chỉ nhú lên trên tham chiếu trong vài phút. Mọi kỳ vọng vì thế lại đổ vào phiên chiều, nếu không, lực bắt đáy sẽ được chuyển thành lực bình quân giá.
VIC là cổ phiếu đỡ chỉ số, khi tăng 2.5% vào cuối phiên sáng nay. VIC cũng là mã tăng giá tốt nhất nhóm VN30. Họ nhà Vin sáng nay ngoài VIC, có VHM cũng tăng 0.8% dù mở cửa giảm nhẹ. Ngược lại, VRE hiện giảm 50 đồng. Khối ngoại đang bán ròng rất mạnh ở VRE (hơn 1 triệu cp), bán ròng nhẹ ở VIC và mua ròng khá ở VHM.
Tương quan nhóm Vn30 đã trở nên cân bằng hơn rất nhiều so với đầu phiên sáng, khi có 15 mã tăng giá vs 13 mã giảm. Tất nhiên những mã tăng này chủ yếu nổi lên ở những phút cuối, chứ nếu nổi sớm thì VN30 lẫn VNindex đã vượt tham chiếu từ lâu. Nhóm ngân hàng góp nhiều cái tên trong 15 mã tăng giá đó. Ngược lại ở chiều giảm, vẫn là MSN đầu bảng (-3.8%) khi khối ngoại xả không thương tiếc ở đây.
Nhóm VNDiamond nhìn sáng hơn hẳn nhóm VN30, khi có rất nhiều mã tăng giá. Khối ngoại cũng giao dịch nhiều ở đây, ví dụ như tại TPB, CTG, GMD, KDH hay PNJ. Có lẽ sau này NĐT nên coi trọng 2 nhóm này ngang nhau.
Diễn biến 2 sàn HNX và UPCoM chịu tác động “sang chấn” từ HOSE, nhưng HNX có vẻ đỡ hơn, nhờ SHB, PLC,VIX. Đúng ra, HNX có đa số cổ phiếu đứng giá do thanh khoản kém, nhưng cũng vì thế mà số ít Large Cap giao dịch lại tác động đáng kể hơn lên chỉ số. Ngược lại, trên UPCoM, SNZ lẻ loi tăng giá, chống đỡ lại sức nóng từ hàng loạt mã khác như OIL, ACV, BSR, MML, VGI, MSR… Sàn UPCoM cũng thú vị khi có đến 17 mã tăng trần, hầu hết là cổ phiếu nhỏ quá chả ai biết tên.
Nhóm ngân hàng nổi sóng, đến cuối phiên sáng số mã xanh nhiều hơn số mã đỏ. ACB, BID là những mã đỏ đáng tiếc suốt phiên sáng. Những đại gia khác đổi màu trong phiên sáng bao gồm cả VCB, CTG, STB, TCB…
Tương tự, BĐS nhà ở cũng khởi sắc hơn vào cuối phiên, có lẽ “hô ứng” với hiệu ứng từ VIC hay VHM. Không ít mã tầm trung lúc này đã quay trở lại trên tham chiếu, như DIG, KDH, NLG, LDG, NTL, PDR, SCR, SJS, TDH… Khối ngoại cũng có động thái giao dịch khá nhiều ở nhóm này, họ mua ròng khá trên DXG, VHM, nhưng lại bán ròng khá mạnh ở KDH, VIC.
Nhóm dầu khí PVN vẫn khá u ám, khi GAS giảm gần 0.5% còn nhiều mã khác giảm mạnh hơn, như BSR, OIL, PGS, PVS, PVT… Có cảm giác nhóm này cùng xuống cùng lên, dù kết quả hoạt động SXKD quý 3 có lời có lỗ khác nhau. Thông tin về một số hợp tác dầu khí giữa VN và Mỹ chưa tác động gì lên nhóm này.
10h30: Lực bán đang tăng lên
VN-Index đang giằng co trong “bán kính” 5 điểm dưới tham chiếu trong nửa đầu phiên sáng nay. Future Mỹ đang tăng 1% mạnh hơn so với cách đây 1 tiếng, vẫn là yếu tố hỗ trợ cho tâm lý bắt đáy trên sàn Việt. Lực bắt đáy là có, nhưng lực xả cũng không kém. VIC tăng 1.2% là trục đỡ lớn nhất cho chỉ số lúc này. Tuy nhiên có vẻ như lực bán đang tuôn ra ngày càng nhiều.
Tương quan tăng giảm giá trong nhóm VN30 vẫn nghiêng hẳn về bên bán, với 24 mã giảm giá (tăng thêm 2 mã so với thời điểm ATO), tuy nhiên VIC tăng 1.2% là một điều bất ngờ. MSN cũng không còn giảm quá 3% như lúc đầu, giờ được kéo lại một chút. MWG thay vào đó lại là mã giảm giá nhiều nhất trong nhóm. Khối ngoại vẫn bán ròng mạnh ở trong nhóm, nhiều nhất ở MSN, VRE và BID, nhưng họ cũng mua ròng hơn 500,000 cp/mã ở HPG và STB.
Nhóm ngân hàng chỉ còn 4 mã tăng giá, trong đó 2 mã “lì” nhất là TPB và MBB. 2 đại gia VCB và CTG đã quay đầu giảm giá. Lúc này có lẽ những cổ đông của LPB là cảm thấy may mắn nhất khi cổ phiếu đang… tạm ngưng giao dịch để chuyển sàn.
HNX-Index giảm mạnh hơn VN-Index khi đa số Large Cap sàn HNX đều ngập trong sắc đỏ. Hiện chỉ còn số ít như PLC, SHB là tăng nhẹ nhờ thông tin quý 3, nhưng cũng không rõ có gồng được bao lâu.
UPCoM-Index tiếp tục bị đè bởi Large Cap. Một loạt tên tuổi lớn đang giảm hơn 2-3% như OIL, MSR, VGI, CTR… VOC lại giảm tới 11.5%.
VCI lại tiếp tục gây chú ý trong nhóm chứng khoán khi tăng hơn 3%, trong khi các ông lớn như SSI, HCM, VND vẫn giảm. Nếu nhìn từ lúc cổ phiếu này giảm giá từ giữa tháng đến nay, có thể suy đoán đang có bình quân gia tại VCI. Thực ra trong nhóm này còn có VIX tăng cũng hơn 3%, nhưng rõ ràng quy mô không thể so với VCI.
VIC tăng giá, VHM đứng giá, nhóm BĐS nhà ở quy mô Mid Cap trở lên đang có phân hóa. Một số tên tuổi tăng giá là DIG, NLG, PDR, SCR… so với 2 nhóm ngành lớn khác là ngân hàng và dầu khí (PVN), rõ ràng nhóm này đang có diễn biến tích cực hơn.
Đã có công ty cao so báo lãi tăng khủng trong quý 3, nhưng sáng nay nhìn chung nhóm cao su đa số giảm giá. thực tế giá cao su thế giới có tăng trong quý 3 này, nhưng là so với 2 quý đầu năm, chứ so với quý 3 năm trước thì cũng chả tăng là bao.
Có lẽ những nhà đầu tư nhỏ lẻ muốn đi ngược, có thể xem xét sàn chứng quyền. Hiện tại có 21 cổ phiếu có chứng quyền đi kèm, và khá nhiều mã đang tăng giá, như MBB, HDB, STB, VIC… và dĩ nhiên các chứng quyền đi kèm cũng có nhiều mã tăng giá, thậm chí tăng hơn 10%-20%.
Mở cửa: Bắt đáy sớm sáng nay
Thị trường bước vào buổi giao dịch sáng nay dưới sức ép tâm lý khi thông tin chỉ số DJ (Mỹ) đêm qua giảm hơn 900 điểm, tuy nhiên có vẻ như đang có lực bắt đáy, với lập luận đơn giản rằng VN-Index đã giảm “3 cây” và mất tới 40 điểm.
Ngoài ra các chỉ số future Mỹ sáng nay cũng đang xanh nhẹ, cũng được coi là thông tin tốt. Tình hình đặt lệnh trên sàn HOSE, nhất là nhóm VN30 cho thấy nghiêng về phía bán, nhưng lệnh đặt cũng chưa đến mức “thảm họa”. Đến thời điểm ATO, VN-Index giảm nhẹ khoảng 4.5 điểm, tức gần -0.5%, cũng không phải là quá tệ.
Diễn biến trên nhóm VN30 trước ATO không tiêu cực quá như lo sợ. Lệnh bán ATC không lớn, đâu đó vài mã như HPG, CTG, TCB hay PNJ mới có quy mô đặt bán ATC hơn 100,000 cp, nhưng cũng có mã bên mua đặt nhiều tương đương như ở HPG, PNJ, TCH. Đến thời điểm ATO, nhóm này có 22 mã giảm giá so với 4 mã may mắn tăng, nhưng ngoại trừ MSN giảm hơn 3% thì 21 mã còn lại chỉ giảm dưới 2%.
Khối ngoại đã bán ròng trên HOSE 25 phiên liên tiếp, dù là khớp lệnh hay tính cả thỏa thuận. sáng nay, dù còn quá sớm để đoán xem có phải là phiên thứ 26 hay không, nhưng có vẻ như họ cũng đang bán ròng. Trong số Large Cap, MSN đang bị bán nhiều nhất, nhưng họ lại đang mua khá nhiều STB.
Các ông lớn như VHM và VRE cũng đã ra tin quý 3 chiều qua, nhất là VHM gây sốc khi doanh thu quý 3 quá khủng, trong bối cảnh tình hình giao dịch nhà ở đang bị ngưng trệ. Sáng nay VHM mở cửa giảm, nhưng sau đó đã chuyển ngay sang nhóm tăng, đỡ cho chỉ số VN30 lẫn VN-Index. Tương tự, VRE hiện cũng tăng hơn 1.5% sau khi khớp tại tham chiếu ATO.
HNX-Index và UPCoM-Index đã giảm lần lượt hơn 0.6% và 0.3% trước khi VN-Index có kết quả chào sáng nay. Điều thú vị là chỉ số VNX-Allshares (gồm cổ phiếu 2 sàn) đã bất ngờ xanh, dù chỉ tăng rất nhẹ. 2 chỉ số này đã hồi lại một chút ngay sau ATO do VN-Index chỉ giảm chừng 0.5%.
Sau ATO, nhóm ngân hàng đang có vẻ dẫn đầu đợt phục hồi. Tình trạng phân hóa đang xảy ra, với các mã lớn như VCB, CTG, MBB đã xanh dù ATO còn đỏ. TPB tăng tốt nhất, hơn 3%. BVB giảm tệ nhất khoảng 2%.
Nhóm dầu khí vẫn ngập trong sắc đỏ, dù giá dầu thế giới đang có dấu hiệu ngừng rơi. GAS đứng giá sau ATO nhưng nhiều mã khác giảm như PVS, PVD, POW, BSR… Thông tin ngoại trưởng Mỹ sắp qua Việt Nam, liên quan đến việc ký kết một số hợp đồng dầu khí, cũng chưa hỗ trợ GAS và nhóm này.
VOC sau khi giảm rất mạnh 13.4% chiều qua, đến sáng nay giảm tiếp gần 7% tại ATO. Trước đó cổ phiếu này còn từng giảm tới hơn 12%. VOC đang đến gần thời điểm đấu giá thoái vốn Nhà nước, nhưng có vẻ tình hình thị trường lại không “thuận” cho đợt đấu này.
Hoàng Nam
FILI
|