Nhà đầu tư 'không làm gì' chờ bầu cử
Khi những ngày đếm ngược đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, có thể thay đổi tiến trình thị trường toàn cầu, một số nhà đầu tư (NĐT) đã tạo ra chiến lược nghe có vẻ kỳ lạ để chờ kết quả: Không làm gì cả.
Quyết định “ngồi yên”
Các cuộc thăm dò trên báo chí đang chỉ ra chiến thắng rõ ràng cho đảng Dân chủ vào ngày 3-11, có khả năng trên quy mô đủ lớn để nắm giữ chức tổng thống và cả 2 viện của Quốc hội - kết quả có thể tạo ra những thay đổi trong các lĩnh vực như năng lượng và chăm sóc sức khỏe, cũng như các thị trường chứng khoán và trái phiếu.
Nhưng nhiều NĐT lưu ý rằng họ đã thất bại trong việc dự đoán chiến thắng của ông Donald Trump vào năm 2016, điều đã gây ra các cơn co giật thị trường vào ban đêm, cũng như xu hướng tăng giá dài hạn của thị trường chứng khoán do chính quyền của ông cắt giảm thuế doanh nghiệp. Những bất ngờ khác bao gồm sự gia tăng và sau đó là sụt giảm lịch sử của đồng bảng Anh vào đêm trưng cầu dân ý về Brexit đầu năm đó, đã khiến một số NĐT chỉ muốn “ngồi yên chờ kết quả”.
“Chúng tôi quản lý tài sản, không phải là kẻ cướp hay cờ bạc. Chúng tôi không muốn thực hiện giao dịch ngắn hạn mang tính đầu cơ. Điều đó nghe có vẻ không can đảm lắm, nhưng không đưa ra quyết định cũng là đưa ra quyết định” - Vincent Mortier, Giám đốc Đầu tư tại Quỹ đầu tư Amundi, cho biết. Thay vì chọn người chiến thắng và dự đoán tác động, ông Mortier dự định giữ thái độ trung lập. Ông nói các nhà quản lý danh mục đầu tư hãy sẵn sàng cho loạt kết quả, từ gây tranh cãi cho đến chiến thắng vang dội của đảng Dân chủ, để quyết định mức giá một số tài sản có vẻ sẽ rẻ trong đợt bán tháo.
Chỉ số “sợ hãi” trên thị trường Phố Wall đã tăng vượt các mức lịch sử.
|
Cách tiếp cận này không chỉ giới hạn trong số các nhà quản lý tài sản lớn, một số NĐT ngắn hạn cũng tỏ ra cảnh giác bất thường. "Hầu hết nhà quản lý quỹ đầu cơ không cố gắng đầu tư dựa trên sự kiện 50-50 như cuộc bầu cử ở Mỹ" - Karim Leguel, người đứng đầu giải pháp quỹ đầu cơ ở châu Âu của JPMorgan Asset Management, nói. Ông cho biết thêm rằng thay vào đó, các nhà quản lý đang tìm kiếm các giao dịch có khả năng mang lại kết quả tốt, bất kể kết quả bầu cử như thế nào. Một số nhà quản lý cho biết họ được thuê để cung cấp lợi nhuận ít biến động. Do đó, họ không muốn phải giải thích với khách hàng hoặc ông chủ về việc thua lỗ, hoặc lãi như thế nào do kết quả của cuộc bầu cử. “Chúng tôi thực sự không muốn đánh đổi trong cuộc bầu cử bởi chúng tôi thực sự có nhiều rủi ro” - Tom Clarke, người điều hành một quỹ vĩ mô tại William Blair ở London, bày tỏ.
Theo Nathanael Benzaken, Giám đốc Khách hàng tại Lyxor Asset Management, các nhà quản lý quỹ vĩ mô, những người giao dịch trái phiếu, tiền tệ và cổ phiếu trên toàn cầu, đã đa dạng hóa danh mục đầu tư như một cách giảm thiểu rủi ro trong thời gian chuẩn bị bỏ phiếu tại Mỹ. Trong khi đó, các nhà quản lý cổ phiếu đã cắt giảm quy mô đặt cược tổng thể của họ và rút lại việc đặt cược vào cổ phiếu tăng giá. “Rất khó để có một chiến lược dựa trên kết quả 50-50” - ông nói thêm. Trong khi đó, Fiona Frick, Giám đốc Điều hành của Công ty Đầu tư Thụy Sĩ Unigestion, cho biết công ty của bà đã cân bằng rủi ro bằng cách mua quyền chọn bán (quyền bán với giá xác định trước), nhưng cũng mua hợp đồng tương lai trên các tài sản cơ bản, để có thể kiếm tiền nếu thị trường tăng cao hơn.
Tâm lý sợ hãi
Ngay cả việc tiến hành thăm dò ý kiến riêng tư như cách để đạt được lợi thế trong cuộc bầu cử, chiến lược một số quỹ đầu cơ sử dụng cho cuộc bỏ phiếu Brexit, cũng đầy nguy hiểm. Một giám đốc điều hành quỹ đầu cơ cao cấp nói với tờ Financial Times của Anh rằng họ không có khả năng sử dụng lại cuộc thăm dò như vậy, sau khi nó phản tác dụng trong một cuộc bầu cử khác. “Cảm giác có lợi thế từ bên trong đã làm chúng tôi có sự chủ quan nhất định nên đã mắc sai lầm về kết quả” - người này nói.
Tâm lý của các NĐT về cuộc bầu cử Mỹ đã thay đổi rõ rệt gần đây. Thông thường, chiến thắng của đảng Dân chủ được coi là con đường dẫn đến mức thuế cao hơn làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp và kéo cổ phiếu thấp hơn. Định kiến đó vẫn tồn tại bất chấp việc chỉ số điểm chuẩn S&P 500 của chứng khoán Mỹ đã tăng hơn gấp đôi kể từ thời điểm ông Barack Obama của đảng Dân chủ đắc cử năm 2008 cho đến chiến thắng của ông Trump 8 năm sau đó.
Tuy nhiên, năm 2020, chiến thắng của đảng Dân chủ không phải là kết quả khó khăn của phe dự đoán thị trường con bò. Thay vào đó, kết quả tranh chấp với việc ông Trump từ chối chấp nhận thua cuộc và bám lấy quyền lực, được cho sẽ gây xáo trộn hơn nhiều. Các nhà phân tích nói chiến thắng của đảng Dân chủ mang lại mức chi tiêu tài chính cao hơn, có thể là kết quả thuận lợi nhất cho chứng khoán.
Ngay cả trong trường hợp bán tháo, các NĐT cũng khó tìm thấy các biện pháp phòng hộ đáng tin cậy hơn. Điển hình là trái phiếu chính phủ Mỹ, được xem là thiên đường trú ẩn của tài sản toàn cầu, thường hoạt động tốt trong giai đoạn căng thẳng. Nhưng lợi suất từ khoản nợ như vậy đã rất nhỏ, kể từ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất chuẩn xuống gần bằng 0 khi đối mặt với ảnh hưởng nghiêm trọng từ cú sốc coronavirus vào tháng 3, khiến trái phiếu có ít dư địa để tăng giá thêm. Quyền chọn mua cổ phần, vốn có lợi nhuận từ sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, đã rất đắt. Chỉ số “sợ hãi” trên thị trường Phố Wall đã tăng vượt các mức lịch sử.
Văn Cường
Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính
|