Một số doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng thực hiện lưu giữ chung giữa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh với hàng hóa nội địa, không đáp ứng yêu cầu về quản lý, kiểm tra, giám sát hải quan, có nguy cơ gian lận, thẩm lậu hàng hóa vào nội địa, vi phạm pháp luật.
Lưu giữ chung giữa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh với hàng hóa nội địa có nguy cơ gian lận.
|
Theo Tổng cục Hải quan, qua công tác kiểm tra, rà soát hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng tại cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, cảng cạn (ICD), ga đường sắt liên vận quốc tế, cũng như phản ánh từ các phương tiện thông tin đại chúng, hiện nay một số doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng thực hiện lưu giữ chung giữa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh với hàng hóa nội địa. Việc lưu giữ chung hàng hóa như vậy không đáp ứng yêu cầu về quản lý, kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật, dễ dẫn đến xảy ra tình trạng lợi dụng để gian lận, thẩm lậu hàng hóa vào nội địa, vi phạm pháp luật.
Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát về điều kiện tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan tại các kho, bãi, cảng thuộc cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, cảng cạn (ICD), ga đường sắt liên vận quốc tế trên toàn quốc. Trường hợp không đáp ứng về điều kiện tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định thì cơ quan Hải quan không bố trí lực lượng làm thủ tục, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh tại kho, bãi, cảng theo quy định của pháp luật.
|
Hiện hệ thống văn bản pháp luật đã quy định các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi trong quản lý, giám sát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh như: Điều 41 Luật Hải quan; khoản 3 Điều 4 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2016/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ quy định về địa điểm làm thủ tục hải quan; Điều 34 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP của Chính phủ; điểm a khoản 1 Điều 52đ Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng trong việc quản lý, giám sát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh.
Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố rà soát các cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, cảng cạn (ICD), ga đường sắt liên vận quốc tế có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh trên địa bàn quản lý, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng để thông báo quy định của pháp luật và yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng thực hiện xây dựng hệ thống kho, bãi, cảng đảm bảo các điều kiện.
Cụ thể không cho phép lưu giữ chung giữa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh với hàng hóa nội địa. Trường hợp kho, bãi, cảng có lưu giữ hàng hóa nội địa thì doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng phải bố trí lối đi riêng, cổng ra/vào riêng để sử dụng riêng biệt giữa khu vực lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh với hàng hóa nội địa.
Giữa các khu vực lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh với hàng hóa nội địa phải được ngăn cách riêng biệt (có thể sử dụng hàng rào cứng hoặc hàng rào sắt lưới B40 có thể di động được). Đối với cảng cạn (ICD), sau khi ngăn cách riêng biệt phải đảm bảo diện tích theo đúng quy định tại Điều 31 Nghị định số 68/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2020/NĐ-CP ngày 15/6/2020 của Chính phủ.
Khu vực lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh phải đảm bảo đủ điều kiện tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan trước khi cho phép hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh xếp, dỡ, tập kết hàng hóa để làm thủ tục hải quan.
Về việc cung cấp sơ đồ tổng thể khu vực lưu giữ hàng hóa, tại điểm b khoản 1 Điều 52đ Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định trước khi đưa hàng hóa vào khu vực lưu giữ, doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng cung cấp cho cơ quan Hải quan thông tin sơ đồ tổng thể khu vực lưu giữ hàng hóa. Tuy nhiên, qua rà soát trên Hệ thống VASSCM việc thực hiện cung cấp sơ đồ mặt bằng của các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng chưa thực hiện đầy đủ.
Vì vậy, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố rà soát thông qua Hệ thống VASSCM, yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng cung cấp đầy đủ sơ đồ mặt bằng theo đúng quy định nêu trên. Trong đó, sơ đồ mặt bằng phải làm rõ: Mặt bằng toàn bộ kho, bãi, cảng: Chi tiết khu vực lưu giữ riêng biệt giữa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh với hàng hóa nội địa; Biện pháp ngăn cách riêng biệt giữa các khu vực. Thời hạn để các doanh nghiệp kinh doanh cảng hoàn thành thực hiện trước ngày 31/12/2020. Sau thời hạn 31/12/2020, trường hợp doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng không thực hiện cung cấp sơ đồ mặt bằng theo quy định nêu trên thì cục hải quan các tỉnh, thành phố lập danh sách tên doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng báo cáo về Tổng cục Hải quan để có cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật.
Về thời gian hoàn thiện khu vực lưu giữ hàng hóa tại kho, bãi, cảng theo quy định tại Luật Hải quan, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015, Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ và yêu cầu quản lý, kiểm tra, giám sát về hải quan nêu trên, Tổng cục Hải quan yêu cầu đối với các kho, bãi, cảng đã được Tổng cục công nhận đủ điều kiện tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan trước thời điểm Nghị định số 59/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực; các kho, bãi, cảng đã thành lập, đang hoạt động, chưa được Tổng cục Hải quan công nhận trước thời điểm Nghị định số 59/2018/ND-CP của Chính phủ có hiệu lực; các kho, bãi, cảng đã được Tổng cục Hải quan công nhận sau thời điểm Nghị định số 59/2018/NĐ-CP có hiệu lực, hoàn thiện việc xây dựng bổ sung hệ thống kho, bãi, cảng để có khu vực lưu giữ riêng giữa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh với hàng hóa nội địa trước ngày 30/6/2021.
Đối với các kho, bãi, cảng thành lập mới chưa được Tổng cục Hải quan công nhận hoặc đang thực hiện các thủ tục để được công nhận đủ điều kiện tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan phải hoàn thiện các khu vực lưu giữ hàng hóa tại kho, bãi, cảng theo quy định tại Luật Hải quan, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015, Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ và yêu cầu quản lý, kiểm tra, giám sát về hải quan trước khi triển khai hoạt động.
Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố quản lý các kho, bãi, cảng chịu trách nhiệm đôn đốc các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng nghiêm túc thực hiện yêu cầu trên theo quy định của pháp luật. Sau thời hạn ngày 31/12/2020, cục hải quan các tỉnh, thành phố báo cáo danh sách các kho, bãi, cảng trên địa bàn quản lý, chi cục hải quan quản lý; sơ đồ mặt bằng toàn bộ kho, bãi, cảng; sơ đồ khu vực lưu giữ riêng biệt giữa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh với hàng hóa nội địa; biện pháp ngăn cách riêng biệt giữa các khu vực; sơ đồ dự kiến lối đi riêng và cổng ra/vào riêng để sử dụng riêng biệt giữa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh với hàng hóa nội địa. Đồng thời, báo cáo kế hoạch, thời gian xây dựng, hoàn thiện khu vực lưu giữ riêng biệt, lối đi riêng và cổng ra/vào riêng để sử dụng riêng biệt giữa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh với hàng hóa nội địa.
Bên cạnh đó, căn cứ quy định tại Điều 38a Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 67/2020/NĐ CP ngày 15/6/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục công nhận kho, bãi, địa điểm trong khu vực cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ, cảng cạn (ICD), ga đường sắt liên vận quốc tế đủ điều kiện tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan, cục hải quan các tỉnh, thành phố sau khi thực hiện kiểm tra, khảo sát báo cáo Tổng cục Hải quan công nhận đủ điều kiện tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan phải xác nhận rõ khu vực lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh.
NL