Kinh tế thế giới khó phục hồi hoàn toàn cho dù có vắc-xin trong năm 2021?
Nhiều nhà đầu tư đang hy vọng việc có vắc-xin ngừa Covid-19 trong năm 2021 sẽ giúp nền kinh tế thế giới chữa lành những vết thương mà đại dịch Covid-19 để lại. Tuy nhiên, họ cần phải hạ bớt kỳ vọng khi các nhà khoa học gióng lên hồi chuông cảnh báo về những ngày tháng khó khăn sắp tới.
Dù rằng các công ty dược phẩm đạt được nhiều bước tiến trong quá trình tìm kiếm phương pháp chữa trị Covid-19, thì vẫn còn đó những câu hỏi về mức độ hiệu quả của đợt vắc-xin đầu tiên, làm sao để phân phối vắc-xin cho hơn 7 tỷ người và bao nhiêu người sẽ chấp nhận vắc-xin này.
Tương lai của tăng trưởng toàn cầu phụ thuộc vào câu trả lời của những câu hỏi kể trên giữa lúc làn sóng bùng phát thứ hai đang gây ra những lo ngại về sức khỏe và các biện pháp kiểm soát của Chính phủ sẽ tiếp tục cản trở đời sống hàng ngày của người dân. Thậm chí khi xuất hiện một hệ thống miễn dịch thành công, đó cũng không phải “liều thuốc” chữa lành nền kinh tế ngay tức thời, Chris Chapman, Chuyên gia quản lý danh mục tại Manulife Investment – vốn quản lý hơn 660 tỷ USD, cho hay.
“Chúng ta có thể mất hơn 1 năm để trở lại mức trước dịch hoặc trở lại xu hướng tăng trưởng”, Chapman cho biết. “Thời điểm hồi phục sẽ bị trì hoãn, nhưng kỳ vọng là sẽ có vắc-xin trong năm tới”.
Trong nhiều thập kỷ qua, nền kinh tế thế giới phụ thuộc vào các NHTW và bộ trưởng tài chính để ra khỏi hố đen khủng hoảng, với niềm tin rằng nếu bơm một lượng tiền hợp lý vào nền kinh tế, đà hồi phục rồi sẽ xảy ra.
Lần này mọi thứ đã khác. Nhà đầu tư hiện dõi theo nhận định từ các nhà nghiên cứu khoa học, dữ liệu từ các đợt thử nghiệm vắc-xin và phương pháp điều trị để tìm kiếm những tia hy vọng về kinh tế. Ngoài ra, giới đầu tư còn trông ngóng diễn biến đàm phán về gói kích thích kinh tế tại Washington, Bắc Kinh và các thủ đô châu Âu. Hành trình tìm kiếm vắc-xin hiệu quả càng kéo dài thì đà hồi phục kinh tế càng yếu ớt bấy nhiêu.
Dĩ nhiên, các chuyên gia nghiên cứu có thể chưa đạt được bước đột phá trong ngắn hạn. Tuy vậy, các khoản tiết kiệm ngày càng được vun vén từ các hộ gia đình và doanh nghiệp trong năm 2020 có thể được chi ra trong năm 2021.
Tháng này, Pfizer cho biết có thể xin phép được cấp quyền sử dụng trong trường hợp khẩn cấp tại Mỹ đối với vắc-xin mà họ đang phát triển với đối tác BioNTech của Đức. Moderna – một trong những hãng dược đang đi đầu trong cuộc đua tìm vắc-xin – cũng đang xem xét khả năng xin cấp quyền sử dụng khẩn cấp trong năm nay, nếu họ có được các kết quả thử nghiệm sơ bộ tích cực vào tháng tới.
Cân bằng giữa mở cửa và kiểm soát dịch bệnh
“Nhiều khả năng, vào cuối mùa Xuân năm tới, vắc-xin sẽ có đủ để bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương nhất”, Neil Ferguson, Chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Imperial College London và cựu cố vấn Covid-19 cho Chính phủ Anh, nhận định. “Ít nhất là từ giờ cho đến lúc đó, các cơ quan sẽ phải cân bằng giữa việc tái mở cửa xã hội và kiểm soát dịch bệnh”.
Những gián đoạn về khoa học cũng có thể trì hoãn mọi thứ. Johnson & Johnson đã tạm dừng các thử nghiệm lâm sàng về vắc-xin ngừa Covid-19 trong tháng này sau khi một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm bị ốm. Vài tuần trước đó, AstraZeneca và Đại học Oxford cũng dừng các nghiên cứu vì lý do tương tự. Vào ngày 23/10, cả hai công ty đã công bố kế hoạch nối lại thử nghiệm vắc-xin tại Mỹ.
Việc phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả cũng xuất hiện nhiều tín hiệu trái chiều. Trong tháng này, Gilead Sciences tiết lộ kết quả thử nghiệm đáng thất vọng đối với loại thuốc remdesivir. Điều này cho thấy phương pháp điều trị kháng virus này không cứu được mạng sống của bệnh nhân Covid-19, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tán dương những lợi ích của phương pháp điều trị này. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý của Mỹ vẫn cấp phép sử dụng remdesivir trong tuần này.
Trong khi đó, steroid dexamethasone là một trong những liệu pháp điều trị duy nhất khác cho thấy lợi ích có ý nghĩa và chỉ dành cho những người có các triệu chứng rất nặng.
Ngoài ra, thậm chí khi có vắc-xin hiệu quả, thì vẫn còn đó lo ngại về việc phân bổ vắc-xin, trong đó chỉ một nhóm nhỏ dân số được cho là sẽ nhận được vắc-xin trong đợt đầu.
Tất cả yếu tố trên sẽ kìm hãm tăng trưởng toàn cầu, ngay cả khi dữ liệu tại Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể cho thấy kinh tế phục hồi mạnh trong quý 3/2020 hoặc không giảm mạnh như suy nghĩ ban đầu.
Điều không còn được nhắc tới là khả năng hồi phục hình chữ V, khi mùa đông đang đến gần và đi kèm với đó là khả năng virus lây lan dễ dàng hơn. Ngoài ra, dữ liệu từ Bloomberg Economics còn cho thấy hoạt động tại nhiều quốc gia công nghiệp suy giảm trong tháng 10, nhất là những nước châu Âu.
Có khả năng khủng hoảng tài chính
“Virus đang là yếu tố chính gây ra bất ổn”, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Alan Greenspan nói với Bloomberg Television trong tuần trước. “Dự báo về dịch bệnh tại thời điểm này thật sự rất bấp bênh”.
Góp phần tạo áp lực thôi thúc các nước chấm dứt đại dịch là những vết sẹo trong nền kinh tế. Nằm trong số đó là: Sự mất mát việc làm, nợ kỷ lục, các vụ phá sản, sự suy giảm kỹ năng, cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ, sự đi lùi của toàn cầu hóa, suy nhược về sức khỏe và bất bình đẳng ngày càng tăng.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ chứng kiến “nhiều tác động bất lợi kéo dài” trong dài hạn khi mà dịch Covid-19 khơi dậy tâm lý bất mãn trong công chúng.
“Ban đầu, đây không phải là một cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng nó đang dần biến thành một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, với những hậu quả thảm khốc về tài chính", Carmen Reinhart, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), nói với Bloomberg. "Chúng ta còn một chặng đường rất dài phía trước".
Thậm chí ở những nơi phần lớn đã kiểm soát được đại dịch, người tiêu dùng vẫn tỏ ra cẩn trọng. Doanh số bán lẻ Trung Quốc chỉ mới bắt đầu tăng nhanh hơn mặc dù các biện pháp kiểm soát đã được gỡ bỏ từ nhiều tháng trước.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia còn lo về khả năng tái nhiễm. Các nhà khoa học phát hiện ra bệnh nhân có thể nhiễm Covid-19 nhiều hơn 1 lần, bằng chứng là đã có nhiều ca tái nhiễm trên toàn cầu. Điều này lại tạo ra thêm một rào cản khác, trong đó vắc-xin chỉ có thể giải quyết một phần vấn đề.
“Nếu người bị nhiễm lần thứ 2 và thứ 3 cũng có khả năng lây lan cao như lần đầu tiên và thế hệ vắc-xin đầu tiên không quá hiệu quả, thì có khả năng Covid-19 sẽ kéo dài tới tận năm 2022”, Graham Medley, Giảng viên về mô hình dịch bệnh tại Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London, nhận định.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|